'Ma trận' tội phạm trên không gian mạng - Bài cuối

Bài cuối: Cảnh giác với 'những lời có cánh'

Thực tế cho thấy tội phạm trên không gian mạng thường lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của một số người dân để “giăng bẫy” lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần trang bị kiến thức khi sử dụng mạng để chủ động bảo vệ mình và người thân trước những “mánh lừa” tinh vi của loại tội phạm này.

Hiểu rõ thủ đoạn của tội phạm để tự bảo vệ mình

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, lừa đảo trực tuyến là vấn đề đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Trong đó, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Công an huyện Phú Giáo phát tờ rơi tuyên truyền cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng để người dân biết cách phòng tránh

Tại hội thảo với chủ đề “Các giải pháp, phương pháp phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương” do Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong đó có công tác phòng chống tội phạm trên không gian mạng.

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Dương, trường Đại học Cảnh sát nhân dân, cho rằng để đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm liên quan đến tiền ảo, sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh cần tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138 tỉnh kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao; kiến nghị tòa án các cấp xét xử công khai một số vụ án điển hình có tính thời sự, được dư luận quan tâm để vừa răn đe tội phạm và tuyên truyền cho người dân; làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống loại tội phạm này.

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Dương, ngoài vai trò chủ công của lực lượng công an, tinh thần cảnh giác của người dân có vai trò rất quan trọng. Theo đó, người dân, doanh nghiệp phải luôn cảnh giác khi nhận các cuộc gọi bằng điện thoại cố định tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước, đặt biệt là lực lượng công an. “Trong trường hợp này, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, điện thoại, địa chỉ cư trú… của mình cho người khác khi chưa biết rõ lai lịch của người gọi”, Đại tá Nguyễn Thanh Dương nhấn mạnh.

Từ ngày 15-12-2022 đến 15-10-2023, Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 100 tin báo tố giác tội phạm liên quan đến sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền 137 tỷ đồng (tăng 19 tin báo so với năm 2022). Đến nay, đã khởi tố 33 vụ, 1 đối tượng, đang tiếp tục xác minh 44 tin báo.

Tuyên truyền theo nhóm đối tượng

Theo nhận định của UBND tỉnh về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2023, “tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, nhưng công tác điều tra, khám phá còn thấp”. Trước tình hình trên, thời gian tới cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong đấu tranh, phòng ngừa, trong đó có tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt chú trọng tuyên truyền để nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân về vấn đề này .

Theo Thượng tá Bồ Văn Cúc, Trưởng Công an huyện Phú Giáo, công an địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác với tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng. Công an huyện sử dụng tất cả các hình thức tuyên truyền như họp dân, hội nghị, phát tờ rơi, phát thanh trên loa đài, mạng xã hội… với mục đích tiếp cận càng nhiều đối tượng càng tốt, qua đó giúp người dân hiểu rõ và nhận diện được những “mánh khóe” của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng mà có biện pháp tự bảo vệ bản thân và người thân.

Trong khi đó Trung tá Nguyễn Tiến Thiện, Trưởng đồn Công an Khu công nghiệp VSIP (TP.Thuận An), cho biết thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, thông tin tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố và các phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho công nhân lao động biết. Nhờ đó, số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng liên quan đến công nhân lao động đã giảm rõ rệt.

Những cách đơn giản để không “sập bẫy” lừa

Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh khuyến cáo người dân cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: CABD

Theo khuyến cáo của Công an tỉnh, bị hại của các vụ lừa đảo trên không gian mạng chủ yếu là phụ nữ, nhất là những người thất nghiệp, người mới sinh con, nuôi dạy con nhỏ… đang ở nhà, có nhu cầu muốn tìm việc làm online để kiếm thêm thu nhập. Để ngăn chặn các vụ lừa đảo với thủ đoạn nêu trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đưa ra những khuyến cáo như sau:

1. Cảnh giác đối với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường. Không tham gia mọi hình thức làm nhiệm vụ đặt đơn hàng để kiếm lợi nhuận. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc.

2. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, cụ thể của tài khoản nhận tiền. Không cung cấp tên đăng nhập mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng xã hội.

Khi gặp trường hợp đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân trình báo ngay cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

NGUYỄN HẬU - VĂN CHÂU

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/ma-tran-toi-pham-tren-khong-gian-mang-bai-cuoi-a312040.html