Ma túy dễ nghiện, khó cai

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh (ở ấp Hương Phụ C, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành), nơi giáo dưỡng, phục hồi sức khỏe cho 180 người nghiện ma túy.

Học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh được đào tạo nghề để quên đi cảm giác thèm ma túy.

Học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh được đào tạo nghề để quên đi cảm giác thèm ma túy.

Tại đây, có rất nhiều người nghiện lâu năm, tái nghiện nhiều lần nhưng vẫn rất “ngờ nghệch” về ma túy, đặc biệt là ma túy đá. Hiện nay, nhiều người lầm tưởng “chơi” ma túy đá sẽ không nghiện, ít nguy hiểm. Thực tế cho thấy, ma túy đá rất nguy hiểm cho người dùng và những người xung quanh, bởi khi sử dụng quá liều sẽ gây loạn thần do chất amphetamin trong ma túy đá giết chết những nơ thần kinh, kích động người dùng, mất khả năng kiểm soát. Và khi đã nghiện thì khó khăn, vật vả với việc chống tái nghiện.

Theo chia sẻ của nhiều người từng sử dụng và bị phụ thuộc vào ma túy đá tại Cơ sở cai nghiện, một khi đã sử dụng ma túy đá rất khó từ bỏ, đòi hỏi phải có ý chí và nghị lực rất lớn để vượt qua những cơn thèm thuốc.

Ông Võ Đấu Hoa, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh cho biết: khi mới sử dụng ma túy, người nghiện chỉ cảm thấy rất êm dịu, nhẹ nhàng và dường như mọi muộn phiền, lo lắng biến mất, thậm chí thấy vui vẻ, phấn chấn, năng suất làm việc cao hơn… Chính vì những yếu tố này mà người dùng khó quên và khiến họ muốn tận hưởng thêm và nghiện lúc nào không hay. Khi mới hút, chích ma túy, người nghiện vẫn cảm thấy bình thường, thậm chí còn có thể kiểm soát được ma túy. Điều này không tồn tại được lâu, vì nhu cầu sử dụng ma túy sẽ dần tăng lên, từ từ ma túy sẽ kiểm soát hoạt động các nơ thần kinh. Cơ thể đòi hỏi phải cung cấp ma túy hằng ngày dẫn đến nghiện ma túy. Ma túy đá là tên gọi chung cho các loại ma túy tổng hợp, được phối trộn phức tạp từ nguyên liệu tự nhiên và hóa chất khác nhau trong đó thành phần chính, phổ biến là methamphetamine. Nhiều người dùng ma túy đá để vui chơi hết mình, chứng tỏ đẳng cấp mà không biết rằng có sức tàn phá đối với sức khỏe, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Hiện nay, không có phác đồ điều trị riêng cho những người nghiện ma túy đá, Bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng và cắt cơn như những người nghiện ma túy khác. Sau khi điều trị cắt cơn về với cộng đồng, người nghiện ma túy có cảm giác thèm, nhớ như những loại ma túy khác, nếu không có quyết tâm từ bỏ sẽ dễ dàng tái nghiện. Vì vậy, người bệnh cần được cách ly, nếu không họ rất dễ tái nghiện. Nếu nghiện nặng, não sẽ tổn thương và không có khả năng phục hồi.

N.V.C (33 tuổi, ngụ huyện Châu Thành), từng có công việc ổn định, làm thợ hàn cửa nhôm, sắt, nhưng đã “dính” vào ma túy đá. Và lần này, là lần thứ 03 N.V.C trở lại Cơ sở cai nghiện ma túy. N.V.C tâm sự, lần đầu tiên khi vướng vào ma túy, em cũng không biết ma túy là gì, tác hại ra sao. Do tuổi còn nhỏ, từ quê lên thành phố làm thuê, rồi có quen với một số bạn, một hôm có người bạn rủ đến nhà dự tiệc sinh nhật, sau khi đã uống rượu, người bạn đó mới đưa ma túy và hướng dẫn sử dụng.

N.V.C nghĩ bạn bè rủ “chơi” thì “chơi” cho vui. Sau lần đó, những lúc nhàn rỗi, N.V.C hay nhớ đến cảm giác khi sử dụng ma túy và tìm cách kiếm ma túy để sử dụng. Ban đầu, khi mới lên thành phố làm thuê, mỗi tháng N.V.C còn gởi ít tiền về cho gia đình, nhưng từ khi “dính” vào ma túy, làm tiền bao nhiêu cũng không còn, mà sức khỏe, năng suất, hiệu quả làm việc cũng không được như trước. Không trụ lại được thành phố, N.V.C về quê, hái dừa thuê kiếm sống, nhưng vẫn không từ bỏ ma túy.

Năm 2018, N.V.C được lực lượng chức năng đưa vào Cơ sở cai nghiện ma túy để cai nghiện 18 tháng. Sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện, năm 2020, N.V.C lại tiếp tục tái nghiện.

Với kinh nghiệm sau nhiều năm gắn bó tại Cơ sở cai nghiện, ông Võ Đấu Hoa, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh cho biết: đối với những trường hợp tái nghiện trở lại cơ sở lần thứ 02 trở lên thì các em có thể trạng xấu hơn, tức là sức khỏe kém hơn so với những lần trước. Những em sử dụng nhiều, thì đa số các em khi vào cơ sở cai nghiện có sức khỏe kém. Sau thời gian cắt cơn, giải độc thì đưa về khu ở, các em có ăn uống điều độ, sinh hoạt theo giờ giấc, có tập thể dục, thể thao, sức khỏe của các em phục hồi rất nhanh.

Sau thời gian cắt cơn giải độc, điều trị cai nghiện tại cơ sở, các em trở về hòa nhập với cộng đồng thì đa số các em bình phục được sức khỏe, đảm bảo cho cuộc sống. Cũng mong rằng, các em từ cơ sở cai nghiện trở về hòa nhập cộng đồng thì cố gắng tránh xa ma túy, không để tái nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, đặc biệt là ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình cũng như công việc của các em sau này. Mong rằng, các em ở bên ngoài có nhận thức và tránh xa ma túy, không để nghiện và tái nghiện ma túy.

Nhiều người nghiện vẫn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình, nhưng thẳng thắn nhìn nhận rằng, họ vẫn hiểu chủ yếu chính là do bản thân mình. Với những người đã từng nghiện ma túy, dù đã cai nghiện nhiều năm, chỉ cần có một hơi khói ma túy ngang qua thì não của họ đã tê liệt mọi phản kháng và dễ dàng tái nghiện.

Hy vọng rằng, sau khi cai nghiện thành công, trở về hòa nhập cộng đồng, những người đã từng “sa chân, lỡ bước” phải tránh xa sự cám dỗ của ma túy. Và cần lắm sự yêu thương, chia sẻ; cần được cảm thông của tất cả mọi người và cần mọi người đồng hành trên con đường vươn tới một tương lai tươi sáng.

Bài, ảnh: XUÂN THẢO

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/phap-luat-ban-doc/ma-tuy-de-nghien-kho-cai-29709.html