Ma túy núp bóng
Bề ngoài là thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thảo mộc, thậm chí nước ngọt, thực phẩm chức năng… nhưng thực chất là ma túy núp bóng để đối tượng xấu dễ dàng qua mắt lực lượng chức năng khi vận chuyển, kinh doanh mà người dùng, nhất là giới trẻ có thể vô tình sử dụng sẽ bị ngộ độc, gây nghiện, nguy hiểm đến tính mạng.
Theo thông tin từ Bộ Công an, gần đây tội phạm ma túy đã chế tạo ra những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm, hoặc loại cũ nhưng được pha chế tinh vi trong dung dịch thuốc lá điện tử, tẩm trong nước ngọt, thực phẩm. Khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người chủ định dùng cũng như trường hợp không may dùng nhầm.
Mới đây, một nhóm học sinh ở TP Đà Nẵng bị ngộ độc do sử dụng dung dịch chứa chất màu vàng phải nhập viện cấp cứu. Qua truy xét, nhóm này dùng chai dung dịch đó là ma túy “nước biển” dạng Gamma hydroxy axit butyrat (GHB) của một đối tượng làm đại lý cung cấp trên địa bàn TP này. Hay như một học sinh THPT ở Hà Nội sau khi được một huấn luyện viên thể hình cho chiếc “bánh lười” đã chia cho các bạn cùng ăn. Hậu quả là cả nhóm cùng ngộ độc ngay sau đó bởi bánh có trộn cần sa.
Tại Bắc Giang, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Ngạn đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” (cỏ Mỹ) đối với Nguyễn Văn Hiệu (SN 1994), trú tại xã Phượng Sơn. Cỏ Mỹ là một loại ma túy có tên khoa học là ADB-BUTINACA, được phun, tẩm vào sợi lá cây, thảo mộc sấy khô, tinh dầu thuốc lá điện tử… dẫn đến nguy hiểm tính mạng, tạo sự lệ thuộc cho người dùng.
Nhiều dạng ma túy núp bóng các loại nước uống có tên ấn tượng như “nước nho” Ribena chứa ketamin, “trà chanh”, nước giải khát “Tropicana Twister” chứa chất ma túy (Ketamin, MDMA), “nước vui”, “nước xoài”… chứa ma túy đã xuất hiện. Đáng lo ngại là chúng được sản xuất với hình thức, màu sắc, mùi vị không khác nước uống thông thường. Nếu chỉ qua cảm quan như nhìn, ngửi hoặc chạm vào thì không thể phân biệt mà phải qua giám định hàm lượng chất ma túy trong đó hoặc các biểu hiện bất thường về tâm sinh lý của người sử dụng.
Những loại ma túy núp bóng này dễ xâm nhập vào giới trẻ, nhất là học sinh bởi đây là lứa tuổi mới lớn, chưa hiểu biết nhiều, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, thích trải nghiệm cái mới và muốn thể hiện bản thân nên trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy thường hướng tới. Nhiều đối tượng lôi kéo các em sử dụng để có thêm “bạn nghiện”, lập phe nhóm cùng sở thích nhằm dễ dàng buôn bán, trao đổi hay cùng dùng chất cấm.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn thủ đoạn pha trộn ma túy dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc tại địa bàn, Công an tỉnh vừa có công văn đề nghị các ngành liên quan, UBND các huyện, TP đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về công tác phòng chống, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, cách nhận biết thuốc lá, thực phẩm dễ bị lợi dụng pha trộn nhằm cảnh báo tới nhà trường, phụ huynh và giới trẻ về tác hại của các loại ma túy núp bóng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sự vào cuộc của nhà trường, các tổ chức đoàn thể và lực lượng chức năng, mỗi gia đình cần quan tâm sát sao, luôn lắng nghe tâm tư của con em, không để trẻ sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, không có địa chỉ người bán, không dùng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, đồng thời hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh cho con em mình, hãy “nói không với ma túy” trước khi quá muộn.
Bảo Khánh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/403246/ma-tuy-nup-bong.html