Mặc áo dài nam ở công sở - làm thế nào cho hợp lý?

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa triển khai cho nam cán bộ, công chức mặc áo dài truyền thống đến công sở vào ngày thứ 2 đầu tháng đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau.

Còn ý kiến khác nhau
Có ý kiến cho rằng, việc nữ giới mặc áo dài làm việc ở công sở thì không có gì đáng bàn bởi hình ảnh của áo dài đã đi vào thi ca, nhạc họa và truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, với nam giới thì nên cân nhắc bởi lâu nay, trang phục này thường chỉ sử dụng trên sân khấu hoặc trong lễ cưới.

Theo Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh, từng công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, áo dài ngũ thân của nam giới lâu nay rất ít người mặc và cũng không thấy được cải tiến hoặc có cải tiến nhưng không thành công và gần như “biến mất” trong đời sống hiện đại. Đến bây giờ, mọi người chủ yếu chỉ nói đến áo dài của phụ nữ. Thực ra, áo dài nam chỉ được sử dụng không nhiều trong một số lễ hội, hoặc lễ cưới. Việc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế có sáng kiến tổ chức cho nam giới của sở mặc áo dài truyền thống như một đồng phục trong buổi lễ chào cờ hằng tháng nhằm góp phần giữ lại nét văn hóa riêng của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh đó sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch.

 Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai cho công chức nam mặc áo dài. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai cho công chức nam mặc áo dài. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế.

“Truyền thống là thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

“Lâu nay, áo dài ngũ thân của nam giới không còn được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách phổ biến. Vì vậy, nếu triển khai sử dụng trang phục này thành đồng phục cơ quan trong công sở thì phải cân nhắc lại. Hơn nữa, áo dài nữ vừa đẹp, vừa truyền thống và hiện đại bao nhiêu thì áo dài nam dường như “hết thời” trong đời sống hiện đại. Thiết nghĩ, cái gì đã hết vai trò lịch sử thì nên đặt trong bảo tàng và giữ gìn bằng hình tượng trong văn hóa, văn học, nghệ thuật”, nhà văn Sương Nguyệt Minh cho biết.

Theo nhận định của nhà báo theo dõi mảng văn hóa, nghệ thuật Kiều Mai Sơn, sự tự tôn phải đến từ chính nội lực của một quốc gia, chứ không phải bằng những câu xã giao đãi bôi hoặc ở những trang phục bên ngoài. Thiết nghĩ, trong khi chính những người dân trong nước còn chưa nhận ra bộ áo dài nam đẹp và tiện lợi thì không thể gọi đó là vẻ đẹp văn hóa và biến thành trang phục công sở để phổ biến rộng rãi. Nên chăng, hãy coi trang phục này như một dạng mẫu thiết kế thời trang và có sự thay đổi về mẫu mã thường xuyên. Chúng ta đang sống ở Thế kỷ 21, mà lại ứng dụng những trang phục mang tính hình thức thì không nên. Nếu mặc trong chốc lát và để chụp ảnh thì không sao nhưng nếu triển khai đồng bộ thì phải cân nhắc. Đặc biệt, công sở nhà nước không phải sàn diễn thời trang để thử nghiệm các loại quần áo.

Bên cạnh những ý kiến chưa đồng thuận với việc triển khai cho nam giới mặc áo dài ở Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế thì cũng có những ý kiến đồng thuận.

 Một số mẫu áo dài của nam và nữ trưng bày tại Bảo tàng Áo dài (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Bảo tàng Áo dài cung cấp.

Một số mẫu áo dài của nam và nữ trưng bày tại Bảo tàng Áo dài (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Bảo tàng Áo dài cung cấp.

Đang lắng nghe dư luận?
Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, ở TP Hồ Chí Minh, trong các lễ hội áo dài tổ chức vào tháng 3 hàng năm, bắt đầu từ năm 2014 đến nay, một số lãnh đạo của TP Hồ Chí Minh khi tham dự Lễ hội áo dài cũng đã mặc áo dài truyền thống lên phát biểu hoặc dự các sự kiện liên quan đến áo dài.

Nói về việc triển khai mặc áo dài của nam giới ở Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, bà Huỳnh Ngọc Vân cho rằng, việc triển khai cho nam giới mặc áo dài ở Huế là hợp lý bởi đây mới chỉ là bước thử nghiệm. Hơn nữa, lại chỉ mặc trong thời gian rất ngắn.

Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về vấn đề này, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, Huế là kinh đô của áo dài và với mong muốn hình ảnh áo dài được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, đơn vị đã tiến hành cho một bộ phận công chức gồm cả nam và nữ trong cơ quan mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ 2 đầu tiên của tháng trong buổi chào cờ khoảng 1 tiếng. Sau đó, mọi người lại thay trang phục công sở để làm việc bình thường. Tuy nhiên, Sở khuyến khích nam giới mặc áo dài truyền thống chứ không ép buộc phải mặc áo dài khi làm việc, đồng thời đang tiếp tục lắng nghe ý kiến dư luận về vấn đề này.

Là một nhà thiết kế áo dài và anh thường chọn áo dài truyền thống khi tham gia các sự kiện quan trọng, nhà thiết kế Đức Hùng cho biết: “Việc gìn giữ và phát triển áo dài Việt Nam là trách nhiệm của mọi người Việt. Đặc biệt là những người làm trong ngành văn hóa thì phải gắn một phần trọng trách trong đó, nếu như có cơ hội quảng bá và phát triển hình ảnh của áo dài thì cả cơ quan chức năng và người dân phải luôn song hành với trang phục này”.

 Nhà thiết kế Đức Hùng nổi tiếng với những mẫu thiết kế áo dài. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Nhà thiết kế Đức Hùng nổi tiếng với những mẫu thiết kế áo dài. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Theo nhà thiết kế Đức Hùng, mỗi tháng chỉ mặc một lần thì nên duy trì. Đây là nét văn hóa rất hay, bởi ngoài chuyện gìn giữ và quảng bá hình ảnh áo dài thì việc thay đổi trang phục như thay đổi một bản nhạc nhẹ nhàng, để mọi người cùng nhau lắng lại, sống chậm lại một chút, như vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Mỗi tháng mặc áo dài có 1 lần và không ép buộc mà chỉ khuyến khích, đó là một cơ chế mở, làm cho mọi người thích thú, hấp dẫn chứ không có cảm giác bị ép buộc.

Theo nhà thiết kế Đức Hùng, nếu so sánh giữa áo dài nam và áo dài nữ là khập khiễng bởi phụ nữ sinh ra đã là phái đẹp, muốn làm đẹp và đương nhiên sự phát triển áo dài nữ sẽ hơn của nam. Áo dài của nam và nữ phát triển nhanh hay chậm không quan trọng mà giá trị ngang nhau.

“Áo dài nam phải đậm chất truyền thống, hội tụ đủ 3 yếu tố: Kiểu dáng, màu sắc, chất liệu. Màu sắc của áo dài nam không sặc sỡ, chất liệu mỏng, mát, kiểu dáng thoáng. Tôi nghĩ rằng, mọi người hãy thay đổi quan điểm đàn ông mặc áo dài là khó chịu, áo dài nên đi với quần âu và giày tây sẽ năng động, đó là sự biến tấu. Tôi nghĩ rằng, việc triển khai mặc trang phục này trong ngành văn hóa thì nên lan tỏa. Sở dĩ tôi nói áo dài nam là phải truyền thống bởi bên cạnh sự phát triển phải có nền tảng, áo dài của chị em cứ sặc sỡ, cách tân đi nhưng ngược lại, áo dài nam phải trầm lại, tĩnh tại, để thể hiện sự vững vàng. Nếu chọn trang phục áo dài của cả nam và nữ đều là truyền thống thì sẽ tạo cảm giác nặng nề cho người mặc. Chính sự tương phản giữa áo dài nam và nữ có sự hòa quyện giữa âm và dương. Bộ áo dài ngũ thân của Huế là áo dài truyền thống, rộng và mang lại cảm giác thoải mái cho người mặc. Điều này rất hay bởi khối văn phòng cả tháng mặc sơ mi và quần âu, thì nên có một ngày trong tháng biến tấu đi để như một luồng gió mới, mang tâm thế mới, tạo hứng khởi cho mọi người làm việc”, nhà thiết kế Đức Hùng bày tỏ.

Đứng ở góc độ người Việt Nam và nhà thiết kế yêu văn hóa truyền thống, Hoa hậu Việt Nam năm 2010 Ngọc Hân rất thích việc gây dựng lại văn hóa truyền thống một cách thường xuyên và liên tục như việc triển khai mặc áo dài ở công sở. Đặc biệt nên duy trì hình ảnh mọi người mặc áo dài ở những địa điểm như Huế, Hội An, phố cổ Hà Nội.

“Tôi luôn mơ ước mọi người mặc áo dài ở những di tích, danh lam thắng cảnh mang dấu ấn đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Về việc triển khai cho nam giới mặc áo dài ở Huế, đó là một nét văn hóa đẹp cần khuyến khích, để người dân yêu áo dài và mặc áo dài nhiều hơn; đồng thời khách du lịch khi nhìn thấy hình ảnh người Việt Nam mặc áo dài truyền thống sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp với họ. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả lâu dài cho hình ảnh áo dài thì thời gian đầu triển khai cho nam giới nên quy định một ngày nào đó trong tuần/tháng như ở Huế là hợp lý, để mọi người làm quen trước rồi dần dần sẽ triển khai đồng loạt”, hoa hậu Ngọc Hân cho biết.

Áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, đã tạo nên nét văn hóa riêng biệt của Việt Nam. Vì vậy, trang phục áo dài và văn hóa mặc áo dài cần được bảo vệ và phát huy trong bối cảnh xã hội đương đại. Thiết nghĩ, trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay thì nên chọn trang phục nào cho phù hợp, tiện lợi với công việc hàng ngày.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mac-ao-dai-nam-o-cong-so-lam-the-nao-cho-hop-ly-634943