Mắc bệnh thủy đậu bao lâu thì khỏi?
Tại Việt Nam, thủy đậu nằm trong danh sách 26 bệnh truyền nhiễm thường gặp và nằm trong top 5 bệnh nhiễm phổ biến trong những năm gần đây.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương - thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, do virus Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân.
Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi.
Khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước.
Bác sĩ Lâm cho biết, biểu hiện của thủy đậu trên da cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước.
Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày.
Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày dẫn đến việc phải nghỉ học hoặc nghỉ đến nơi giữ trẻ.
Theo bác sĩ Lâm, thủy đậu là bệnh lành tính có thể tự điều trị tại nhà nhưng một số trường hợp bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Viêm não do thủy đậu cũng xảy ra, không hiếm. Theo đó, sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể mang di chứng thần kinh lâu dài như bị điếc, chậm phát triển, động kinh…
Những trường hợp dễ bị biến chứng như trẻ đang có mắc bệnh khác, trẻ suy giảm miễn dịch và dùng Corticoid kéo dài, hoặc các thuốc ức chế miễn dịch. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng, đặc biệt là sơ sinh.
Các bác sĩ cho biết, các tổn thương trên da của trẻ nếu được chăm sóc vệ sinh đúng cách sẽ nhanh chóng hồi phục. Trẻ phải tắm rửa sạch sẽ cho bé, bôi sát trùng, không được cậy vỡ các nốt trên da vì dưới nền các mụn nước đó lớp da mới chưa đầy đủ chức năng ngăn chặn nhiễm khuẩn. Không nên đắp các loại lá thuốc nam chưa biết rõ tính chất của nó.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mac-benh-thuy-dau-bao-lau-thi-khoi-post631190.html