Mắc COVID-19 có được ăn tôm?
Nhiều người cho rằng mắc COVID-19 cần kiêng ăn tôm vì sẽ gây ho, điều này có đúng?
Theo ThS.BS Lê Thị Hải, chuyên gia dinh dưỡng, tôm là thực phẩm giàu chất đạm và giúp bổ sung canxi cho cơ thể. Với hàm lượng protein khá cao trong tôm cho thấy đây là nguồn cung cấp protein giá trị cho sức khỏe con người, đặc biệt là với những người mắc COVID-19 cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
BS Hải cho rằng, người bệnh COVID-19 cần tăng nhu cầu dinh dưỡng do tiêu hao năng lượng tăng. Do đó, nếu không được bổ sung dinh dưỡng thì cơ thể sẽ suy dinh dưỡng, từ đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm, khiến bệnh trở nặng.
Chuyên gia này cũng khẳng định quan điểm ăn tôm gây ho là không đúng. Ho do bệnh lý chứ không phải do ăn uống.
“Một số người ăn tôm bị ho là do phần vỏ và càng tôm có thể gây ho do kích ứng niêm mạc đường hô hấp và khả năng dễ bị mắc, dính ở cổ họng, gây ngứa, ho. Thịt tôm không phải là nguyên nhân gây các cơn ho hoặc khiến cơn ho nặng thêm”, BS Hải nói.
Theo các chuyên gia, người bệnh COVID-19 khi ăn tôm cần chú ý bóc sạch vỏ tôm do vỏ tôm, càng tôm, râu tôm còn sót lại không tốt đối với người mắc COVID có triệu chứng ho vì có thể bị dính, vướng ở miệng hay họng trong khi ăn.
Khi sử dụng người dân cần chế biến tôm thành các món ăn ở dạng mềm, lỏng, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo tôm, súp tôm, bún hay bánh đa nấu tôm…
Ngoài ra, những người bệnh có cơ địa dị ứng thì cần tránh ăn tôm và các thực phẩm dễ gây dị ứng vì sẽ gây ra tình trạng dị ứng tái phát, làm ho nặng hơn...
Nguồn VTC: https://vtc.vn/mac-covid-19-co-duoc-an-tom-ar665219.html