Mắc kẹt trên núi Himalaya, khi được giải cứu trở về thế giới đã khác
Alexander Sys là một trong hàng nghìn du khách đến Nepal leo núi bất ngờ bị kẹt lại thủ đô Kathmandu vì lệnh phong tỏa giữa lúc hết tiền và không có chuyến bay về nước.
Các công dân Nga, châu Âu và Trung Quốc sửng sốt khi hay tin về sự bùng phát của đại dịch sau khi được giải cứu khỏi những con đường lên đỉnh Himalaya.
“Bây giờ thì ổn, nhưng chúng tôi không biết phải đợi chuyến bay bao lâu, có vấn đề gì với chúng tôi khi về nước không”, anh Sys, người Nga leo núi Annapurna khi Nepal áp lệnh phong tỏa vào ngày 24/3.
“Đôi khi tôi hoảng loạn và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra”, người leo núi Aleksandra Terandjaka đến từ Latvia nói.
Mùa xuân là “mùa cao điểm leo núi” ở các đỉnh núi phủ tuyết và các cung đường đi bộ leo núi (trekking) của Nepal, thường thu hút khoảng 150.000 người mỗi năm, theo AFP.
Lệnh phong tỏa đã buộc các nhà chức trách đóng cửa các cung đường trekking. Người leo núi được đón xuống các địa điểm cố định hoặc sân bay để về nước.
Hơn 1.700 người, trong đó có anh Sys, đã được giải cứu bằng xe buýt và máy bay đến thủ đô. Còn khoảng 1.000 người vẫn đang chờ được giải cứu.
“Chúng tôi dự định bay từ Jomsom đến Pokhara, nhưng tất cả chuyến bay đã bị hủy. Chúng tôi đã đợi hai ngày và sau đó phải đi đến Kathmandu bằng xe buýt”, Sys nói.
Chuyến bay về Nga của anh dự kiến khởi hành vào ngày 29/3 đã không bao giờ cất cánh. “Kể từ đó, chúng tôi vẫn đang chờ chuyến bay”.
Sys và hầu hết du khách nước ngoài khác đang bị mắc kẹt ở khu phố Thamel sầm uất của thủ đô. Một vài khách sạn mở cửa và một vài nhà hàng đang chuẩn bị đồ ăn miễn phí cho họ.
Hơn 4.000 người nước ngoài đã rời đi trong các chuyến bay đặc biệt tới Australia, Châu Âu và Mỹ.
Tổng cục Du lịch Nepal cùng các đại sứ quán đã hỗ trợ tổ chức các chuyến bay và lập trang “Stranded in Nepal” (mắc kẹt ở Nepal) trên các mạng xã hội để các du khách như anh Sys có thể chia sẻ nguyện vọng.
“Chúng tôi không bao giờ mong rơi vào tình cảnh này lần nữa”, Terandjaka, người đã ở Kathmandu cùng với hôn thê Karlis Zemke trong 3 tuần. “Những ngày đầu tiên là khó khăn nhất vì không có nhà hàng hay cửa hiệu nào mở cửa. Những người trong khách sạn của chúng tôi đang cho chúng tôi ăn uống”.
Cặp đôi Latvia không biết khi nào họ sẽ được về nhà. “Không có ai khác từ Latvia nên không ai điều động máy bay để đón mỗi chúng tôi. Kể cả khi có chuyến bay tới châu Âu thì tất cả chuyến bay đến đất nước chúng tôi đều ngừng hoạt động”, anh Zemke nói thêm.