Mặc Thế Nhân và cuộc tình buồn trong 'Em về với người'
Kể về hoàn cảnh ra đời của 'Em về với người', nhạc sĩ Mặc Thế Nhân tiết lộ, ông đã sáng tác ca khúc này sau khi nhận được... thiệp hồng của người con gái mình thầm yêu trộm nhớ.
Ông tên thật là Phan Công Thiệt, sinh tại xã Thạnh Lộc (Hóc Môn). Hiện nay, sau mấy mươi năm lăn lộn với chuyện cơm áo, ông trở về vui thú điền viên bên con cháu ở quê cũ […]. 13 tuổi đã tham gia sinh hoạt văn nghệ học đường. 17 tuổi, ông vào học Trường Ca vũ nhạc phổ thông Sài Gòn và được học với các nhạc sĩ nổi tiếng như Thẩm Oánh, Hùng Lân... “hạ sơn”, ông gia nhập ban nhạc Hoa Niên, rồi cộng tác với ban nhạc Xuân Bình chuyên đệm nhạc trên đài phát thanh.
Ca khúc đầu tay của ông là Trăng quê hương (1958), rồi đến Vui tàn ánh lửa (1959). Nghệ danh Mặc Thế Nhân theo ông giải thích, có nghĩa là “góp giọt mực cho đời” chứ không phải là “Mackeno” theo nghĩa tiêu cực.
Đến nay, theo anh Phan Anh cho biết bố anh đã có khoảng gần 200 ca khúc. Trong số đó, Em về với người là một trong những sáng tác thành công của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, mặc dầu người viết rất thích những ca khúc khác của ông như: Xin trả tôi về, Ru em tròn giấc ngủ, Tương tư 5… […]
Trở lại với ca khúc Em về với người, nhạc sĩ tiết lộ đã sáng tác sau khi nhận được... thiệp hồng của người con gái mình thầm yêu trộm nhớ. Ông kể, vào khoảng năm 1970, ông là thầy dạy hát cho nữ ca sĩ Hương Lan (hèn gì Hương Lan hát bài Xin trả tôi về rất... thấm).
Trong nhà Hương Lan lúc đó có một cô gái ở ké, không phải là bà con ruột rà gì, bởi cô này là người gốc Huế và sống tại Nha Trang. Sở dĩ Võ Thị Lan Anh (tên cô gái) xuất hiện trong nhà Hương Lan là vì cô ái mộ giọng hát của “thần đồng” Hương Lan nên từ Nha Trang tìm đến nhà Hương Lan tại Sài Gòn xin kết bạn, rồi ở lại luôn.
Lúc này, nhạc sĩ của chúng ta đã có... 4 người con, nhưng mỗi lần ông dạy cho cô ca sĩ trẻ hát thì Lan Anh cũng quẩn quanh gần đó, lúc thì rót cho ông ly nước hoặc bật quạt kèm theo nụ cười túc trực trên môi. Những chăm sóc nho nhỏ ấy khiến ông cảm động, nụ cười ấy làm ông choáng váng nên cũng “tạm quên” bầy con sau lưng để “bật tín hiệu” với Lan Anh.
Chẳng hiểu Lan Anh có “rà đúng tần số” của anh nhạc sĩ không mà nàng bỏ về Nha Trang! Nhạc sĩ ta “thất điên, bát đảo” bèn viết thư ra Nha Trang. May quá, ông nhận được hồi âm. Rồi những gì khi gặp nhau, gần nhau mà nhạc sĩ không dám nói, bây giờ “tuôn ra hết” trong thư. Nàng đọc, hiểu nhưng cứ đẩy đưa... hổng hứa hẹn gì! Thư đi, tin lại theo cái kiểu “tìm bạn bốn phương” rất phổ biến vào thời ấy, mà theo nhạc sĩ thì đó là giai đoạn “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.
Rồi một hôm nhạc sĩ nhận được lá thư đặc biệt từ Nha Trang gửi vào. Cái bì thư không còn quen thuộc như thường lệ mà to hơn, màu cũng khác hơn. Đó là “thiệp hồng báo tin” (báo tin chứ không phải mời đi dự tiệc cưới) của Võ Thị Lan Anh với một anh chàng trung úy không quân mà ông quên mất tên (quên là phải, kỷ niệm quá đau đớn!). Nha Trang là nơi có trường huấn luyện binh chủng Không quân, nên thành phố lúc nào cũng đầy dẫy sắc lính hào hoa này. Lan Anh bị cưa đổ cũng vì thế!
Quá buồn, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân trải lòng viết ca khúc Em về với người, bài hát mang âm hưởng giọng Huế, bởi Lan Anh là người Huế - nhất là ở câu. “Bây chừ hết rồi, em về vui bên nớ...”, ông muốn nhắn gửi với người ấy rằng: “Anh không trách gì đâu, có chăng, anh trách đời riêng anh. Không giữ em dài lâu, để em lỡ duyên tình đầu...”.
Nói là... không trách, nhưng vẫn đau đớn. Khi thấy bài Em về với người được công chúng rất yêu thích nên mấy tháng sau Mặc Thế Nhân viết tiếp ca khúc Cho em vừa lòng. Ca khúc viết xong nhưng có vài chỗ chưa được vừa ý, ông nhờ nhạc sĩ Nhật Ngân góp ý. Nhật Ngân sửa lại vài chỗ và sửa cái tựa thành Cho vừa lòng em và ký tên chung là Phan Trần.
Đó là tên ghép bởi 2 cái họ: Phan (Công Thiệt) và Trần (Nhật Ngân). Đó cũng là xuất xứ của bài hát có những ca từ: “Thôi rồi ta đã xa nhau, kể từ khi pháo đỏ rượu nồng. Anh đường anh, em đường em, yêu thương xưa chỉ còn âm thừa... Anh về góp lại thư em, cả nghìn trang giấy mỏng xanh màu. Gom cả áo lạnh ngày xưa, anh đem ra đốt thành tro tàn. Cho người xưa khỏi phân vân, khi ngồi đan áo cho người mới. Khi mùa đông lạnh lùng sang. Em khỏi nhớ chuyện ngày xưa…”.
Hai ông Phan - Trần còn ký tên chung dưới những ca khúc Một lần dang dở, Ôm hận tình tôi...