Mặc váy đá bóng - giải đấu độc đáo ở Quảng Ninh
Giải bóng đá nữ xã Húc Động là hoạt động nằm trong khuôn khổ lễ hội Soóng Cọ truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh.
- Sánh cố lên, sút sang trái, còn rộng lắm kìa.
- Bụp
- Ôi, tiếc quá
- Thôi thôi, bỏ đi, bóng đi gần hết sân rồi thì mình đừng chạm nữa. Em làm như thế người ta lại được hưởng quả phạt góc đấy.
- Em có sao không? Thôi chịu khó ra nghỉ một chút rồi lại vào đá tiếp nhé.
Chàng huấn luyện viên trưởng CLB Nà Ếch kiêm bác sĩ chăm sóc y tế ân cần hỏi thăm nữ cầu thủ sau một pha va chạm.
Trước đó, nữ tiền đạo đội này bỏ lỡ một pha ghi bàn ngon ăn. Cô luống cuống không biết xử lý thế nào vì sân trơn đầy bùn, quả bóng ướt sũng nước, xoay tròn nhiều vòng rồi văng ra ngoài đường biên ngang.
Cả hai đội cùng mặc trang phục màu xanh
Cơn mưa lớn trút xuống vùng miền núi rừng Đông Bắc không làm giảm được tinh thần thể thao của chị em vốn quen với việc đồng áng, nương rẫy. Những pha vào bóng quyết liệt không kém dân chuyên nghiệp của những cầu thủ vốn quen với việc đồng áng có nhiều phần thú vị.
Giữa không gian trập trùng, sân vận động xã Húc Động (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) những ngày đầu tháng 3 Âm lịch luôn tràn ngập những âm thanh sôi động, hài hước nhưng cũng rất thân tình tại giải bóng đá nữ đặc biệt này.
Năm 2021, giải bóng đá nữ xã Húc Động tổ chức với sự tham gia của 6 đội bóng đại diện cho 6 thôn trong địa bàn. Xã Húc Động có 9 thôn, trong đó 6 thôn có người dân chủ yếu là dân tộc Sán Chỉ. Toàn xã có khoảng 2.800 nhân khẩu, hơn 70% trong số đó là người dân tộc Sán Chỉ, còn lại là bốn dân tộc khác.
Các trận được tổ chức theo thể thức thi đấu 7 người, trên sân vận động nằm giữa đỉnh đồi đã trở thành hoạt động thường niên với đồng bào dân tộc Sán Chỉ.
Càng sát giờ bóng lăn, tiếng người dân gọi nhau í ới, tiếng chị em hô hào cổ động, tiếng loa đài liên tục kêu gọi đồng bào tới xem và cổ vũ trận đấu vang vọng khắp cả một vùng trời. Các cô gái Sán Chỉ ngày thường là bạn bè, hàng xóm vẫn giúp đỡ nhau những công việc trên nương, trên rẫy thì nay gặp nhau trên sân của xã để cùng nhau đọ tài thử sức với trái bóng tròn.
Nếu nhìn thoáng qua, khán giả tưởng hai đội cùng màu áo, nhưng thực ra đội này mặc trang phục màu xanh đậm, đội kia sử dụng màu xanh nhạt. Do đã quen mặt đồng đội, họ chuyền bóng cho nhau vẫn khá chính xác.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Húc Động La Ngọc Dương cho biết giải bóng đá nữ được đưa vào là một trong những hoạt động thuộc lễ hội Soóng Cọ từ năm 2016. Đây là hoạt động đặc sắc và thu hút nhiều sự quan tâm.
“Xuất phát từ nhu cầu giao lưu của chị em phụ nữ sau những giờ làm việc đồng áng. Chị em thấy cánh đàn ông chơi bóng đá, hoạt động thể thao nên cũng muốn tham gia. Bản chất ban đầu của hoạt động này mang nhiều tính tự phát. Sau đó, phong trào dần lớn mạnh và đến nay đã trở thành hoạt động mang tính truyền thống”, ông Dương chia sẻ.
Hai giải bóng đá nam và nữ cho các đội bóng đại diện cho 6 thôn có người dân Sán Chỉ được tổ chức song song. Nếu giải bóng đá nam, cầu thủ mặc trang phục thể thao như bao giải đấu khác thì giải bóng đá nữ, chị em buộc phải mặc trang phục truyền thống.
Theo ông Dương, những trận bóng giữa các chị em có ý nghĩa lớn, tăng tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau trong đời sống cũng như sản xuất. Chất lượng chuyên môn không phải là điều được đề cao nhất. Hoạt động mang nhiều ý nghĩa tinh thần sau những ngày lao động vất vả.
“Điều đặc biệt nhất là bản sắc dân tộc được đề cao. Chúng tôi còn tổ chức những trận đấu giao hữu với nhiều địa phương, đoàn thể và chị em tham gia thi đấu phải mặc đồ truyền thống của dân tộc mình”.
Để chuẩn bị cho giải đấu, chị em Sán Chỉ tự tổ chức tập luyện ít ngày trước lễ hội, với sự hướng dẫn của các “huấn luyện viên” là chính những ông chồng của mình - những người cũng tham gia giải bóng đá nam.
Việc tập luyện cũng phải “lựa cơm gắp mắm” khi điều kiện của từng hộ gia đình khác nhau. Nhiều chị em còn bận làm nương rẫy. Có buổi tập chỉ vài ba thành viên của đội bóng tham dự. Dù vậy, tinh thần của chị em rất phấn chấn.
Trên sân vận động nằm ở đỉnh đồi, giữa sự cổ vũ của hàng trăm cổ động viên chủ yếu là những người thân, bà con làng xóm, chị em bước vào trận đấu với sự háo hức, trên tinh thần giao lưu nhưng vẫn cả hai bên đều quyết tâm giành chiến thắng.
Không khí trận đấu rộn ràng đúng với hình ảnh thường thấy của một lễ hội truyền thống. Không phải là trận đấu chuyên nghiệp, những tình huống đầy hài hước như vừa đá bóng, vừa giữ khăn quấn tóc hay đang tranh chấp bỗng khựng lại chỉnh trang trang phục trở thành gia vị cho trận đấu thêm phần thú vị.
Những người phụ nữ vốn quen với việc lên nương, làm rẫy có thừa sức khỏe để chơi bóng. Song, vẫn còn đó sự yếu mềm về tâm lý thường thấy của phái yếu. Có trận đấu, trọng tài phải cho tạm dừng vài lần vì có cầu thủ khóc, chỉ là sau khi bị bóng đập vào mặt hay hụt hơi trước đối thủ. Sức khỏe của chị em cũng được ban tổ chức dành sự quan tâm.
Thiếu nữ Sán Chỉ và ước mơ khoác áo đội tuyển quốc gia
Hoạt động bóng đá nữ tại xã Húc Động thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo chị em đồng bào Sán Chỉ. Đối tượng được tham dự khá rộng, chỉ cần là nữ giới và đủ sức khỏe đều có thể tham gia.
Giải đấu năm 2021, cầu thủ nhỏ nhất mới qua 14 tuổi. Nhiều chị em đã 40 tuổi vẫn mặc váy vào sân.
Nhiều thiếu nữ đang độ trổ mã cũng tham gia cùng các cô, các chị. La Thị Kứu đang học lớp 11 trường PTDT Nội trú THCS và THPT Tiên Yên, Quảng Ninh cũng tranh thủ ngày nghỉ, đi xe về địa phương tham gia. Kứu là một trong số cầu thủ nữ nổi bật của giải đấu năm nay.
Nữ sinh này thích thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Năm 2020, thiếu nữ Sán Chỉ này giành HCB nội dung chạy việt dã cự ly 4 km tại Hội thi Thể thao Các dân tộc Thiểu số tỉnh Quảng Ninh. Trước đó một năm, khi đang học lớp 10, Kứu đại diện cho trường thi đấu tại giải bóng đá nữ THPT tỉnh và giành HCĐ.
Bên lề giải đấu, cô gái sinh năm 2004 tâm sự: “Năm lớp 10, khi đá giải tỉnh, cũng có các HLV của đội nữ Quảng Ninh theo dõi. Nhưng lúc đấy em đá chưa tốt, nên không được tuyển”. Kứu kể, mình tiếp xúc với bóng từ khi còn nhỏ, khi chơi cùng anh trai. Song, đến năm lớp 7, cô mới lần đầu tham gia một giải bóng đá. Giải bóng đá nữ THPT tỉnh Quảng Ninh 2019 là lần thứ hai Kứu tham dự với tư cách cầu thủ.
Khi được hỏi về những mục tiêu trong tương lai, Kứu bẽn lẽn nói: “Ước mơ của em là được khoác áo đội tuyển quốc gia. Người em mong được gặp nhất là Công Phượng”. Khi được đề cập tới việc sắp xếp một cuộc gặp với thần tượng, Kứu lập tức lắc đầu. Hai má đỏ hồng cho biết cô rất ngại và tự ti nên không đồng ý.
Nhà Kứu có 4 người, cô và anh trai, La A Láu, hơn mình một tuổi, cùng tham gia các giải bóng đá xã Húc Động năm nay. Lẽ ra, mẹ cô cũng sẽ mặc váy vào sân thi đấu. Song, những ngày qua bà bị đau chân nên không thể tham gia. Sau trận đấu, cô cùng anh trở về nhà, cách sân bóng không xa, giặt giũ trang phục và nghỉ ngơi.
"Chị em được ủng hộ hết mức"
Điều thú vị khác tại giải bóng đá nữ xã Húc Động là trong khi chị em thi đấu trong sân, các ông chồng có nhiều cách để tiếp lửa cho bà xã. Cảnh chồng bế con, vợ thi đấu không còn hiếm gặp. Theo ông La Ngọc Dương, phong trào bóng đá tại đây đang ngày càng phát triển và trở thành hoạt động mang tính cộng đồng cao.
“Có những ông chồng vừa bế con vừa hô hào cổ vũ. Hay có đội bóng chồng làm huấn luyện viên, vợ thi đấu, hoặc cả gia đình cùng tham gia thi đấu”, ông Dương nói, rồi giới thiệu một điển hình.
Sàn A Sàn, cầu thủ của thôn Lục Ngù, thi đấu trận chiều 25/4, tâm sự. “Vợ em thi đấu sáng hôm trước, giành nhất bảng rồi. Em còn một trận đấu quyết định vào sáng hôm sau. Vừa xem trận đấu của chị em, Sàn tâm sự việc theo dõi chị em thi đấu có những điều thú vị.
“Điều đáng khích lệ là tinh thần nhiệt tình của chị em. Họ đá bóng không được như nam giới, lại gặp nhiều khó khăn khi đầu đội khăn, mặc váy truyền thống. Nhưng những trận đấu này có sự hấp dẫn riêng vì tính vô tư của phụ nữ. Bản thân tôi cũng như nhiều anh em khác ủng hộ nhiệt tình để chị em tham gia”, Sàn cho biết.
Trong cuộc nói chuyện, chàng thanh niên này cũng cho biết gia đình mình đã sắp xếp công việc từ nhiều ngày trước lễ hội, để vợ chồng cùng tham gia một cách thoải mái. “Những ngày này, việc đồng áng, nương rẫy tạm gác lại hết. Do đã sắp xếp từ trước, mọi người cứ yên tâm chơi hội, rồi sau đó lại lao động, tiếp tục công việc”.
“Vợ chồng em có 2 con rồi, cháu lớn 7 tuổi, cháu bé mới hơn 1 tuổi. Năm nay, hai vợ chồng nhờ ông bà trông con để tham dự cùng mọi người. Năm ngoái, em cõng con đến cổ vũ vợ đấy”, Sàn vừa theo dõi trận đấu, vừa hào hứng khoe.
Không vào sân thi đấu, Nề A Cáng được giao làm trọng tài. Khi Nà Ếch thi đấu, anh lại trở thành HLV cho đội bóng thôn. Cũng như Sàn, Cáng cho biết bản thân ủng hộ hoàn toàn việc vợ tham gia. Anh là trường hợp được bí thư Dương nhắc đến khi làm huấn luyện viên cho đội bóng của vợ mình.
Trong khi đó, Trần A Sắt, Phó thôn Mú Túc, nhiệt tình chỉ đạo chị em ở trận đấu với đối thủ Pò Đán chiều 25/4. Anh tâm sự, vợ mình không thể tham gia giải do thi đấu môn khác. Trong khuôn khổ lễ hội Soóng Cọ, nhiều môn thể thao truyền thống được tổ chức. Vì thế, thôn huy động nhiều thành phần tham gia.
“Vợ mình tham gia hát Soóng Cọ, nên không tham gia bóng đá. Thôn Mú Túc có 50 hộ gia đình, lại nhiều nội dung, có nhà tham dự tới 3-4 người. Nói chung, là hoạt động, ngày hội của đồng bào dân tộc mình, nên nhiều người tham gia, mỗi người đóng góp công sức một chút để ngày hội thành công”, Sắt vừa chỉ đạo chị em vừa tâm sự.
Giải bóng đá truyền thống xã Húc Động đang trở thành hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc và thu hút sự quan tâm lớn với những ai từng biết đến. Năm 2020, hoa hậu Khánh Vân cùng 8 hoa hậu, á hậu khác tới đây mặc váy truyền thống và giao lưu bóng đá với phụ nữ dân tộc Sán Chỉ.
Nhận thức rõ tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế từ hoạt động này, Bí thư La Ngọc Dương cho biết lãnh đạo xã đã có những bước đi nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế từ giải bóng đá nữ nói riêng cũng như lễ hội Soóng Cọ nói riêng.
Cùng với thác Khe Văn đã được UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá là danh thắng cấp tỉnh, huyện đang có những kế hoạch thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho người dân địa phương, tạo mọi điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mac-vay-da-bong-giai-dau-doc-dao-o-quang-ninh-post1208477.html