'Macbeth' - kết cục bi thảm của những tham vọng đen tối
Những 'tham vọng' đen tối cùng hành động ác độc của con người trên con đường bước đến đỉnh cao quyền lực sẽ có những kết cục bi thảm là thông điệp vẫn còn 'nóng hổi' của William Shakespeare, qua vở bi kịch 'Macbeth' được Đoàn Kịch nói Hải Phòng dàn dựng và công diễn thành công trên sân khấu thành phố Cảng.
Vở bi kịch "Macbeth" được sáng tác cách đây hơn 400 năm, nhưng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Kịch nói Hải Phòng và ê-kíp sáng tạo đã truyền được “sức nóng”, được “hơi thở” đương đại vào một đề tài vốn “xưa cũ” và được đông đảo công chúng hào hứng đón nhận.
Thành công của vở diễn đã chuyển tải được thông điệp đến với mọi người cả trong quá khứ cũng như cuộc sống hôm nay - Đó là những “tham vọng” đen tối của con người trên con đường bước đến đỉnh cao quyền lực và cái kết cục bi thảm tất yếu sẽ đến như quy luật “nhân-quả” vốn có.
"Macbeth" hay "Vở bi kịch về Macbeth" là vở kịch bi thảm và ngắn nhất của William Shakespeare được cho là viết vào khoảng năm 1603 và 1607. Câu chuyện kể về Macbeth, lãnh chúa xứ Glamis, cùng với Banquo, tổng tư lệnh quân đội của Scotland dẫn quân chinh phục Na Uy và Ireland.
Trên con đường chinh phạt, Macbeth đã gặp các phù thủy và những phù thủy đã tiên tri: Macbeth sẽ là lãnh chúa xứ Cawdor, sau này sẽ trở thành vua…
Sau chiến thắng, Macbeth được vua Duncan truyền ban cho thành lãnh chúa xứ Cawdor. Bất ngờ với sự linh ứng của các phù thủy, không chỉ Macbeth và cả vợ ông ta - phu nhân Macbeth cũng say đắm và mong muốn lời tiên tri kia sẽ thành sự thật.
Những tham vọng quá lớn, cùng sự xúi giục mù quáng của vợ mình đã thôi thúc Macbeth ra tay sát hại vua Duncan chiếm ngôi.
Và từ một chiến binh anh hùng xông pha trận mạc, Macbeth đã lún sâu trong tham vọng quyền lực và trở thành tên ác vương hung bạo, sẵn sàng làm mọi việc tàn ác nhất để đạt được mục đích, tham vọng đen tối của mình.
Cuộc tắm máu và nội chiến đã nhanh chóng đưa Macbeth và phu nhân Macbeth vào sự điên loạn và cái chết cũng là kết cục cho tấn bi kịch thường thấy trong tác phẩm của William Shakespeare.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ, "Macbeth" được đông đảo công chúng đón nhận là một sự thành công tiếp nối của các vở diễn trước đó như “Romeo và Juliet” hay vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” đã “thắp sáng” sân khấu thành phố Cảng trong thời gian qua.
Một điều may mắn cho thành phố là Hải Phòng vẫn duy trì hoạt động thường xuyên của cả 5 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, điều mà không phải địa phương nào cũng có được.
Cùng với đó, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Hải Phòng vẫn luôn đau đáu được diễn, được sáng tạo, được “cháy” hết mình trên sân khấu để cống hiến, đưa nghệ thuật đến với người xem, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo công chúng.
Thành công của vở “Macbeth” tiếp tục là dấu mốc quan trọng khẳng định sự đầu tư đúng hướng của thành phố Hải Phòng, cũng như sự nỗ lực của ngành văn hóa thành phố trong hành trình sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Trưởng đoàn Kịch nói Hải Phòng Trần Trung Hiếu cho biết, câu chuyện xảy ra thời Phục hưng, nên đòi hỏi không gian sân khấu cũng phải nổi bật bối cảnh uy nghiêm tôn kính của các triều đại vua chúa khi đó, cùng những nét đặc trưng trong kiến trúc, trang phục và đạo cụ theo đúng phong cách thời đó để bảo đảm giá trị thẩm mỹ của tác phẩm.
Mặt khác, vở diễn cũng được thiết kế nhịp độ nhanh, tiết tấu dồn dập với thời lượng hơn 2 giờ đồng hồ - vừa đủ thời gian cho người xem cảm nhận…
Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Như Lai, đạo diễn vở kịch cho biết, ra đời đã hơn 400 năm, nhưng giá trị nổi bật của "Macbeth" vẫn nóng hổi trong thế giới đương đại.
Và ê-kíp sáng tạo đã nỗ lực trong dàn dựng, biểu diễn, đưa “hơi thở” đương đại vào vở diễn, vừa tăng tính hấp dẫn, vừa bảo đảm độ hoành tráng của tác phẩm và quan trọng là tiếp tục thể hiện được giá trị nổi bật của tác phẩm trong cuộc sống đương đại.
Qua đó, mọi người cũng phân biệt rõ giữa “khát vọng” và “tham vọng”, cũng như kết cục bi thảm của những “tham vọng” đen tối…
Bà Tô Minh ở phố Lê Lợi, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) sau khi thưởng thức vở diễn tại sân khấu Nhà hát thành phố đã chia sẻ, vở diễn kinh điển, cũng như không gian sân khấu mang đặc trưng của thời kỳ Phục hưng và sự thể hiện của ê-kíp sáng tạo, sự “hóa thân” của các nghệ sĩ, diễn viên đã tạo nên thành công của vở diễn một cách sinh động nhất.
Người xem cảm nhận thông điệp rõ ràng đến từ vở diễn như một lời cảnh báo đối với lòng tham vô bờ và đầy tội ác sẽ luôn dẫn đến những bi kịch đau lòng.
Qua vở diễn, mọi người sẽ tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình để tâm hồn trong sáng hơn và cuộc sống thêm tươi đẹp, có ý nghĩa hơn… Đó cũng là “sức mạnh” của nghệ thuật nói riêng và của văn hóa nói chung.
Trưởng đoàn Kịch nói Hải Phòng Trần Trung Hiếu cho biết, dàn dựng những vở kịch kinh điển là mơ ước và cũng là thử thách của các nhà hát trong cả nước nói chung và Đoàn Kịch Hải Phòng nói riêng.
Đoàn Kịch Hải Phòng đã nỗ lực để đưa một vở diễn kinh điển, nổi tiếng như "Macbeth" đến với công chúng qua sân khấu kịch nói.