Mạch nguồn hiếu học chảy mãi của đất Hồng Lam
Từ xưa tới nay, nói đến người Hà Tĩnh không thể không nói đến truyền thống hiếu học. Hiếu học đã trở thành mạch nguồn chảy mãi muôn đời của đất học Hồng Lam, bồi đắp nên những trầm tích văn hóa vô giá của vùng đất này.
Văn miếu Hà Tĩnh - di tích về nền khoa cử Nho học ở miền quê núi Hồng, sông La.
Đầu thế kỷ XIV, sách “An Nam chí lược” của Lê Tắc đã đánh giá: “Người Hoan Châu, Châu Diễn thì thuần tú mà ham học”. 5 thế kỷ sau, Bùi Dương Lịch trong “Nghệ An ký” (Nghệ An bấy giờ gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) lại tiếp tục khẳng định: “Người phương Bắc khen người Nghệ An thuần giản mà hiếu học”. Hiếu học đã trở thành một phẩm cách của người Hà Tĩnh.
Hiếu học đến mức dù đói khổ, khó khăn đến mấy vẫn không nản chí học hành. Ăn “cá gỗ”, ăn ngô, khoai ngày ba bữa vẫn học; học dưới ánh trăng, học trên lưng trâu, học lỏm bên ngoài lớp vì không có tiền học; dùng mo cau thay giấy, dùng gạch non, cành cây viết chữ trên đất, đá để học... Không thể kể hết sự hiếu học của người Hà Tĩnh xưa. Dân gian còn lưu truyền nhiều câu đối thể hiện truyền thống hiếu học của người Hà Tĩnh: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, ngày ba bữa; ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà” hoặc “Sáng khoai, trưa khoai, khoai một rổ; anh đậu, em đậu, đậu một tràng”...
Nói về sự hiếu học của người Hà Tĩnh không thể không nhắc đến ông Đoàn Tử Quang (1818-1928, quê xã Phụng Công, huyện Hương Sơn - nay thuộc xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ) cả cuộc đời đèn sách thi cử đến 20 lần nhưng chỉ 2 lần đậu Tú tài (năm 49 tuổi và năm 66 tuổi). Mãi đến lần thi thứ 21, khi đã 82 tuổi, ông Đoàn Tử Quang mới đậu được cử nhân. Có thể nói ông là một tấm gương tiêu biểu của sự kiên trì học tập, thi cử từ xưa đến nay không chỉ của Hà Tĩnh mà của cả đất nước.
Làng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ) - vùng đất khoa bảng nổi danh ở Hà Tĩnh.
Truyền thống hiếu học, khuyến học cũng đã tạo nên nhiều gia đình, dòng họ nổi danh học hành khoa bảng của đất học Hà Tĩnh. Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai có 13 con trai đều đỗ từ Hương cống trở lên; cha con Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy đều đỗ Trạng nguyên đời Trần; 2 anh em ruột Lê Quảng Ý và Lê Quảng Chí đều đỗ Tiến sỹ đời Lê; dòng họ Nguyễn (Tiên Điền, Nghi Xuân), dòng họ Nguyễn Huy (xã Kim Song Trường, Can Lộc), có nhiều người đỗ đạt làm rạng danh đất nước; làng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ) có 24 người đỗ đại khoa tiến sỹ trong số 44 tiến sỹ của huyện Đức Thọ...
Truyền thống hiếu học của người Hà Tĩnh đã tạo nên môi trường khuyến học không chỉ trong các gia đình, dòng họ mà còn lan tỏa ra toàn xã hội. Dưới thời phong kiến hầu như làng xã nào ở Hà Tĩnh cũng có học điền. Học điền là loại ruộng các thôn, xã trích lấy ruộng công hoặc tậu ruộng tư lấy hoa lợi để khuyến khích việc học. Học điền thông thường được chia tách thành ruộng nuôi thầy, ruộng giấy bút, ruộng khuyến khích học tập, ruộng thưởng những người đỗ đạt và được xem như thuộc sở hữu làng xã. Biết bao thế hệ học trò Hà Tĩnh thành danh từ những mảnh ruộng đầy nhân văn này.
Nhờ hiếu học, khuyến học nên trong các triều đại phong kiến, thời nào Hà Tĩnh cũng có người đỗ đạt cao. Trong số 183 khoa thi của Nhà nước phong kiến đã mở có đến 90 khoa có người Hà Tĩnh đỗ đại khoa, chiếm tỷ lệ gần 50%. Chỉ tính từ thời Trần đến thời Nguyễn, Hà Tĩnh có 148 vị đại khoa, trong đó người đỗ tiến sĩ trẻ nhất (18 tuổi) là Nguyễn Tử Trọng (Hương Sơn), người đỗ tiến sĩ cao tuổi nhất (52 tuổi) là Nguyễn Văn Suyền (Thạch Hà) và tiến sỹ được khắc tên vào bia cuối cùng tại Văn miếu Quốc Tử Giám (bia số 82) là Phan Huy Ôn (Lộc Hà) - năm 1779.
Nỗ lực của giáo viên, học sinh đã góp phần làm nên những thành tích đáng tự hào sau mỗi mùa thi.
Tiếp nối truyền thống quý báu đó của cha ông, từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, mạch nguồn hiếu học của đất học Hà Tĩnh vẫn mải miết chảy. Vượt lên bao gian khó của chiến tranh, đói nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt, tinh thần hiếu học của người Hà Tĩnh tiếp tục tỏa sáng.
Tháng 2/1949, Hà Tĩnh trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thanh toán nạn mù chữ, được Bác Hồ gửi thư, điện khen ngợi, được Chính phủ tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Rõ ràng, truyền thống hiếu học của người Hà Tĩnh là yếu tố cơ bản đã làm nên kỳ tích “diệt giặc dốt” đầy ấn tượng ở thời điểm ấy.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình, dòng họ của Hà Tĩnh tiếp nối truyền thống “Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”. Gia đình Phó Giáo sư Lê Bá Hán (xã Đức Bồng, Vũ Quang) cả 5 cha con đều là giáo sư, phó giáo sư; gia đình Giáo sư Phùng Hồ (xã Bùi La Nhân, Đức Thọ) 2 cha con đều là giáo sư, trong đó, con là Viện trưởng Viện Toán học - là giáo sư được phong trẻ tuổi nhất Việt Nam; gia đình bà Đặng Thị Ất (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) có 6 con, cháu có học vị tiến sỹ; gia đình ông Nguyễn Viết Luân (thị trấn Nghèn, Can Lộc) có 3 tiến sỹ, 4 thạc sỹ... Đến nay, Hà Tĩnh có 75% gia đình học tập, 79% dòng họ học tập, 84% cộng đồng học tập...
Phong trào khuyến học, khuyến tài đã giúp cho không ít học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn thực hiện được ước mơ của mình. Nếu xưa có học điền thì ngày nay chúng ta có quỹ khuyến học. Các Quỹ Khuyến học đất Hồng Lam, Quỹ Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học cùng rất nhiều quỹ khuyến học của các tổ chức, dòng họ đã góp phần chắp cánh ước mơ của con em Hà Tĩnh trên con đường học vấn.
Phan Xuân Hành - HCV Olympic Hóa học quốc tế 2022 (thứ 4 từ phải sang), Đinh Cao Sơn - HCV Olympic Hóa học quốc tế 2023 (thứ 5 từ phải sang) cùng các thầy cô giáo Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
“Đất sỏi có chạch vàng”, nhờ hiếu học, học sinh Hà Tĩnh đạt nhiều giải quốc gia, quốc tế, tiêu biểu là các em: Võ Anh Đức - HCV Olympic Toán quốc tế 2013; Phan Nhật Duy - HCV Olympic Toán quốc tế 2017; Phan Xuân Hành - HCV Olympic Hóa học quốc tế 2022; Đinh Cao Sơn - HCV Olympic Hóa học quốc tế 2023. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Hà Tĩnh nhiều năm lại nay có thứ hạng cao so với cả nước; năm học 2022-2023 đạt 99,81%, thuộc nhóm 10 tỉnh có điểm trung bình các môn cao nhất nước.
Mạch nguồn hiếu học của Hà Tĩnh đã tạo nên một đội ngũ trí thức bậc cao cống hiến cho quê hương, đất nước. Từ năm 1945 lại nay, Hà Tĩnh có 779 giáo sư, phó giáo sư, chiếm gần 12% số giáo sư, phó giáo sư của cả nước. Trong số này, nổi lên nhiều tên tuổi lớn trên nhiều lĩnh vực như: Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Đào Vọng Đức, Hà Huy Khoái ở lĩnh vực toán, vật lý; Trần Vĩnh Diện ở lĩnh vực hóa học; Võ Quý, Phan Nguyên Hồng ở lĩnh vực sinh học; Phạm Khắc Quảng, Lê Kinh Duệ, Phạm Song ở lĩnh vực y học; Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn ở lĩnh vực sử học; Nguyễn Đổng Chi, Lê Khả Kế, Hà Xuân Trường, Hoàng Trinh, Vũ Ngọc Khánh, Hoàng Ngọc Hiến ở lĩnh vực văn hóa, văn học...
Những tên tuổi đã được khẳng định và những gương sáng tiêu biểu của thế hệ trẻ đang tiếp bước, cho thấy sự tiếp nối mạch nguồn hiếu học chảy mãi bất tận từ ngàn xưa cho đến hôm nay trên mảnh đất Hồng Lam “địa linh nhân kiệt”.