Mách nhỏ cách bảo quản sữa hạt tại nhà cực hữu ích, để lâu không hỏng
Sữa hạt là loại thức uống bổ dưỡng và rất dễ làm. Tuy nhiên, sữa hạt tự làm tại nhà không có chất tạo độ kết dính, không sử dụng chất bảo quản nên sẽ không để được lâu và rất dễ hỏng. Hãy bảo quản sữa hạt đúng cách để làm sữa không mất đi dinh dưỡng vốn có.
Thật vậy,sữa hạt là loại sữa được chế biến từ một hoặc nhiều loại hạt có trong tự nhiên. Ví dụ như: Sữa đậu nành, sữa hạt óc chó, sữa hạt dẻ hay sữa đậu xanh...
Sữa hạt thường được chế biến hoàn toàn từ tự nhiên và không sử dụng chất bảo quản. Bên cạnh đó, nó còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, giúp người dùng giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh như: huyết áp cao, tim mạch, béo phì, tiểu đường...
Chính vì những lợi ích trên mà sữa hạt đang dần được nhiều người tiêu dùng lựa chọn trong những bữa ăn hay thay thế cho nước uống hàng này.
Cách bảo quản sữa hạt tốt nhất
Sữa hạt sau khi chế biến cần chờ nguội hẳn mới cho vào cái chai/ bình đậy nắp để bảo quản. Sữa hạt nếu được nấu vào buổi sáng và chỉ bảo quản ở nhiệt độ thường thì sẽ rất nhanh hỏng vào buổi chiều cùng ngày.
Do đó, nếu muốn thời gian sử dụng được lâu hơn, bạn nên bảo quản sữa hạt đã nguội trong ngăn mát tủ lạnh.
Không bảo quản sữa ở phần cánh tủ lạnh vì đây là nơi chênh lệch nhiệt độ thường xuyên, dễ gây hỏng sữa.
Nhiệt độ lý tưởng nhất để bảo quản trong ngăn mát đó là từ 3 - 5 độ C. Nếu duy trì ổn định được thì bạn có thể kéo dài thời gian sử dụng sữa lên đến 3 - 4 ngày.
Một số lưu ý khi bảo quản sữa hạt
Sữa hạt sẽ thơm ngon và giữ được nhiều dưỡng chất dinh dưỡng nhất khi được uống trong vòng 24h sau chế biến. Không nên cho ngay vào chai đậy kín khi sữa còn nóng, vì việc này sẽ gây tình trạng bí hơi, đọng nước và khiến sữa nhanh bị hỏng.
Đối với sữa hạt không đường, bạn có thể bảo quản trong 3 ngày ở nhiệt độ từ 3 - 5 độ C. Tuy nhiên, với các loại sữa hạt có đường đặc biệt như: Hạnh nhân, óc chó, hạt điều... thì bạn chỉ sử dụng để từ 1 - 2 ngày. Ở nhiệt độ thường, các loại sữa này để bên ngoài hơn 3 tiếng là sẽ bị hỏng.
Khi lấy sữa từ tủ lạnh ra, bạn nên uống bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Đồng thời cần nhanh chóng cho phần sữa còn lại vào tủ để sữa không bị hư khi thay đổi nhiệt độ.
Sữa có thể hâm nóng lại (nếu cho trẻ nhỏ uống), nhưng nên uống ngay sau đó. Tuyệt đối không nên để sữa đã hâm nóng vào lại tủ lạnh vì sẽ khiến cho sữa bị hỏng.
Không nên sử dụng sữa sau nấu quá lâu, vì sữa hạt không sử dụng chất bảo quản nên rất dễ lên men, kết tủa và sinh ra độc tố.