Mafia gốc Albania: Câu chuyện chưa có hồi kết!
Nhắc đến tội phạm có tổ chức ở châu Âu thì người ta nghĩ ngay tới một là mafia Ý, hai là mafia Nga. Vậy nhưng trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, một thế lực mới đã trỗi dậy để tranh giành địa bàn một cách ngang ngửa với các 'bố già' Ý và Nga. Đó không ai khác ngoài mafia Albania, và họ đang có vẻ như áp đảo.
Đi lên từ số 0
Khoảng thời gian trước và sau khi bức tường Berlin sụp đổ là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Albania kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Cái chết của lãnh tụ Enver Hoxha không chỉ để lại một khoảng trống quyền lực mà còn khiến chính phủ Albania mất hoàn toàn phương hướng. Trước sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa, một loạt các phần tử cơ hội xuất hiện gây náo loạn Albania, mà cao điểm là một lô những vụ lừa đảo đa cấp quy mô lớn “quét sạch” gần như toàn bộ tiền tiết kiệm của người dân, từ đó châm ngòi cho cuộc nội chiến diễn ra trong 6 tháng vào năm 1997. Đối mặt với chiến tranh và nạn đói, nhiều gia đình Albania không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đi tìm cuộc sống mới ở nước ngoài.
Ở Ý, Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ, dân di cư Albania tiếp tục phải vật lộn với những khó khăn về kinh tế, chính trị và xã hội: thiếu việc làm, không được nhận đầy đủ các quyền công dân, bị xã hội kỳ thị, v.v... Nhiều thanh thiếu niên gốc Albania vì thế đã đi vào con đường tội phạm. Nhà báo điều tra tội phạm người Ý Roberto Saviano nhớ lại: “Sau khi Rome tăng phạm vi và định mức hình phạt đối với tội phạm có tổ chức, tôi bắt đầu nhìn thấy các “gia đình” mafia sử dụng nhiều tay chân là người Albania hơn... Những tên du côn Albania nổi tiếng là cứng cựa, sẵn sàng đổ máu và không sợ bất kỳ thứ gì. Vào tù hay không được nhận bảo hiểm xã hội chẳng có gì là đáng sợ với chúng vì bình thường chúng sống còn khổ hơn. Các ông trùm Ý coi trọng điều đó, với lại dùng người dưng mà bị bắt thì bao giờ cũng ít sinh chuyện hơn là người trong “gia đình”.
Tất nhiên là những tên tội phạm Albania không chịu làm “kiếp trâu ngựa” mãi. Bước đầu tiên trong kế hoạch của chúng là chiếm được Rome, nơi chưa từng có tổ chức mafia Ý nào giành thế độc tôn. Chúng ủng hộ Fabrizio Piscitelli, một ông trùm địa phương và là “đầu lĩnh” nhóm cổ động viên quá khích (ultra) của đội bóng đá Lazio (CLB Lazio luôn có một lượng fan Albania đông đảo). Fabrizio Piscitelli là người đứng ra điều đình với các gia đình mafia khác ở Rome để phân chia địa bàn và chấm dứt “cuộc chiến” đã diễn ra bấy lâu nay. Gần hai năm sau khi các băng đảng mafia ký kết hiệp ước thành công, Piscitelli bị bắn chết khi đang ngồi trên ghế đá tại công viên Acquedotti.
Đồng minh của Piscitelli là ông trùm gốc Albania Dorian Petoku trở thành trung gian mới giữa các tổ chức tội phạm ở Rome. Petoku bị bắt vào năm 2019 vì tội chủ mưu kế hoạch đưa 7 tấn cocaine từ Brazil lên máy bay sang Ý. Mục tiêu của Petoku là “phá giá” thị trường ma túy Rome, khiến các đối thủ cạnh tranh bị sạt nghiệp, và rồi sau đó chiếm lấy thế độc quyền.
Petoku vào tù, nhưng thế giới ngầm vẫn còn Elvis Demce. Một thanh tra giấu tên thuộc đơn vị chống mafia Direzione Investigativa Antimafia (DIA) của Bộ Nội vụ Ý nhận xét về Demce: “Những tên tội phạm gốc Albania như Elvis Demce thạo về khoản networking. Tên nào vào tù là cũng thiết lập được quan hệ với mafia Camorra, ‘Ndrangheta, v.v...
Bây giờ băng đảng của Demce giữ vai trò người vận chuyển cocaine từ Nam Mỹ đến Ý. Chúng sẵn sàng trả cho các ông trùm người Brazil 30.000 euro cho mỗi kg cocaine. Giá tuy cao, nhưng vì nhu cầu nhiều nên chúng đi buôn luôn có lãi. Ở riêng Rome thôi mỗi tuần Elvis Demce lại bán được 30 kg ma túy”.
Tội phạm Albania ở các nước Bắc Âu như Anh, Hà Lan, Bỉ hay Đan Mạch có phần may mắn hơn. Các quốc gia trên vốn thiếu những tổ chức tội phạm lớn mạnh, chính quy và manh động như mafia Ý, nhờ vậy mà mafia Albania nhanh chóng “đè bẹp” được đối thủ cạnh tranh. Ví dụ như ở Anh, nhóm mafia Shqiptare (nghĩa là “người Albania” trong tiếng Albania) đang trên đường nắm thế độc tôn trên thị trường ma túy trị giá 5 tỷ bảng Anh của nước này - theo như một báo cáo của Cơ quan Chống tội phạm quốc gia (NCA). Báo cáo của NCA cũng chỉ ra Shqiptare là lý do tại sao cocaine tinh khiết lại rẻ đến như vậy ở Anh - nhờ mafia Albania làm việc trực tiếp với các đầu mối sản xuất ở Colombia.
Ông Tony Saggers, nguyên giám đốc NCA, nhận xét: “Cái nguy hiểm của mafia gốc Albania là chúng không bị cái lợi trước mặt làm mờ mắt. Chúng thống trị thị trường ma túy bằng cách cung cấp sản phẩm chất lượng với mức giá không đổi trong một thời gian dài. Đấy là cách làm ăn của các doanh nhân lớn luôn hướng đến sự bền vững”.
Một phần chiến lược của mafia Albania là nắm được trong tay các hải cảng châu Âu lớn như cảng Antwerp của Bỉ. Mặc cho sự kiểm tra gắt gao của lực lượng cảnh sát các quốc gia Bắc Âu, hằng ngày vẫn có cả trăm kg cocaine được giấu trong những container chở hoa quả từ Nam Mỹ “lọt lưới” vào châu Âu.
Một tên mafia người Pháp gốc Albania thuộc cartel Kompania Bello khai với Europol: “Chúng tôi giấu ma túy trong các thùng container hai lớp. Mỗi lần chất cocaine vào hoặc lấy ra lại phải dùng đèn hàn để mở khoang bí mật. Cách thứ hai là cho ma túy vào túi xách cỡ nhỏ đặt lên kệ ở sau cửa container. Khi container xuống đến cảng thì người của Kompania Bello sẽ giả vờ đi vào kiểm tra hàng nhưng thực chất là giấu túi xách ma túy vào trong người. Cách nào đi nữa thì đều phải có người của băng đảng trong mọi bước”.
Vươn vòi bạch tuộc
Tuy các nhóm mafia Ý như ‘Ndrangheta vẫn giữ vai trò chủ chốt trong việc sản xuất và chế biến ma túy ở Trung và Nam Mỹ, nhưng mafia Albania lại nắm trong tay những tuyến đường vận chuyển sang Châu Âu. Thay vì trực tiếp đối đầu, các tổ chức tội phạm Albania lựa chọn giải pháp trở thành đồng minh với mafia Ý.
Theo nhiều nhà quan sát thì đó là một sự lựa chọn khôn ngoan. Tiến sỹ Antonio Maria Costam, nguyên Giám đốc Văn phòng Tội phạm và Ma túy của Liên hiệp quốc, nhận xét: “Sau khi các nhóm quân nổi dậy mang tầm quốc gia như lực lượng FARC của Colombia tan rã, hoạt động trồng và chế biến thuốc phiện rơi vào tay các tổ chức bán vũ trang nhỏ lẻ ở từng địa phương. Mafia Ý, đặc biệt là ‘Ndrangheta, đã tốn rất nhiều công sức để thiết lập mối quan hệ với các tổ chức nói trên. Để đổi lại việc phải ăn chia với mafia Ý, những kẻ buôn lậu ma túy Albania sẽ không phải làm việc trực tiếp với các thế lực bản địa, đồng thời đảm bảo có được nguồn cung ổn định cả về giá, số lượng và chất lượng”.
Vào ngày 20/4 qua, cảnh sát Tây Ban Nha đã tiến hành đột kích đồng loạt vào một số nhà riêng và cơ sở kinh doanh có liên quan đến ông trùm Albania nổi tiếng Kreshnik Budlla Farruku. Kreshnik Farruku chạy trốn lệnh truy nã đã được hơn một năm sau khi hải quan Tây Ban Nha thu giữ được 2 tấn cocaine giấu trong một container cá fillet đông lạnh đến từ Guayaquil, Ecuador.
Trong số các đối tượng bị bắt giữ ngày hôm đó có giám đốc công ty thực phẩm nhập khẩu container cá đông lạnh kể trên vốn cũng đang trốn lệnh truy nã. Tên này khai: “Tôi không hề biết trong cá có giấu cocaine. Chỉ có ông trùm mới biết trong mỗi chuyến hàng giấu thứ gì với số lượng bao nhiêu... Người chất hàng lên ở Ecuador, công ty vận chuyển hàng từ trên tàu xuống ở Tây Ban Nha đều là người của ông trùm”.
Ma túy tinh khiết còn được coi như một công cụ để Kreshnik Farruku và những ông trùm mafia Albania khác đem ra thương lượng. Vào tháng 9/2021, cảnh sát Bồ Đào Nha đã bắt được một container thuốc trừ sâu chứa 10 tấn hashish Morocco trước khi lô hàng này xuất cảng đi Nam Mỹ. Doanh nghiệp xuất khẩu là một công ty bình phong khác của Kreshnik Farruku, và 10 tấn hashish trên nếu vận chuyển trót lọt sẽ được dùng để đổi lấy cocaine từ các cartel Mỹ Latinh.
Ở Ecuador cứ 100.000 người Ecuador thì có 8 nạn nhân bị sát hại, cao hơn cả Mexico và Brazil. Nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng bạo lực ở quốc gia vùng Andes này là tội phạm ma túy. Ecuador hiện là “cửa ngõ” vận chuyển ma túy từ Colombia và Peru. Điểm nóng ma túy Ecuador là tỉnh Esmeraldas, nơi có thành phố cảng Guayaquil. Tỷ lệ nạn nhân bị sát hại ở Guayaquil là 47,7 trên 100.000 người. Các băng đảng tại Guayaquil tranh giành khốc liệt quyền kiểm soát 5 cảng container, và đứng sau chúng là những cartel quốc tế như mafia Albania.
Nhà báo điều tra người Ecuador Jefferson Sanguna viết: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến quốc tế tại Guayaquil. Nếu như không có tiền và vũ khí từ “nhà tài trợ” nước ngoài, chắc chắn các băng đảng không thể duy trì cuộc đổ máu lâu đến thế... Việc đô la hóa nền kinh tế cộng với bộ máy chống tham nhũng yếu kém dẫn đến hiện tượng hối lộ diễn ra ngang nhiên ở Esmeraldas. Chỉ cần có nhiều tiền và quen biết quan chức là bất kỳ ai cũng có thể có giấy tờ giả hay xóa thông tin khỏi hồ sơ cá nhân của mình”.
Jefferson Sanguna được biết đến như tác giả một loạt bài điều tra trên tờ La Posta về 6 người Albania khác nhau bị sát hại tại Esmeraldas trong vòng một thập kỷ vừa qua. Cả sáu nạn nhân đều sử dụng tên giả và giấy tờ giả. Một số trường hợp bị bí mật ám sát, nhưng cũng có nạn nhân bị xử bắn giữa thanh thiên bạch nhật. Riêng một trường hợp chết vì ôtô bị gắn bom. Jefferson Sanguna điều tra ra được những kẻ bị giết đều là trung gian được mafia Albania phái đến Ecuador. Kẻ giết họ là những băng đảng địa phương được sự hậu thuẫn của mafia Nga và Mexico.
Cuộc chiến giữa mafia Albania và các đối thủ cạnh tranh quốc tế khác không chỉ gói gọn lại ở Nam Mỹ. Tháng 12/2022 vừa qua tại Hy Lạp đã xảy ra một vụ sát hại 2 thủ lĩnh của mafia Albania khi cả hai đang ngồi trong quán rượu tại thị trấn Nea Smyrni gần thủ đô Athens. Sau đó cận vệ của hai nạn nhân đã nổ súng AK về phía những kẻ ám sát.
Cuộc đọ súng chỉ kết thúc sau khi cảnh sát Hy Lạp đến hiện trường. Họ bắt được hai tên sát thủ là người Croatia được nhóm cartel Kavač của Montenegro thuê thủ tiêu đối thủ cạnh tranh các tuyến vận chuyển ma túy ra vào Hy Lạp. Dự báo những vụ việc tương tự sẽ còn xảy ra trên khắp châu Âu. Các tổ chức tội phạm đang cảm thấy bất an trước việc mafia Albania trỗi dậy nhanh chóng và sẵn sàng làm mọi việc để lật đổ sự thống trị của chúng.