Mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh

ĐBP - Gần 12 năm hoạt động, Làng trẻ em SOS Ðiện Biên Phủ đã trở thành mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh. Những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa được đón về đây chăm sóc, nuôi dưỡng với tình thương yêu như gia đình ruột thịt, được học hành, nuôi dạy đến lúc trưởng thành...

Mẹ Quàng Thị Hươi chăm sóc các con.

Trong tiết trời nắng vàng như rót mật của tháng 3, chúng tôi đến thăm Làng trẻ em SOS Ðiện Biên Phủ. Trước khi đến đây, chúng tôi đã có thời gian tìm hiểu về Làng trẻ - nơi nhiều năm qua nâng đỡ những phận đời kém may mắn của 10 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Ðược biết, Làng trẻ em SOS Ðiện Biên Phủ nằm trong hệ thống Làng trẻ em SOS quốc tế và đã đi vào hoạt động được 10 năm. Làng hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 180 trẻ mồ côi với 14 nhà gia đình và một lưu xá thanh niên. Làng có tổng số 42 cán bộ, nhân viên, trong đó có 14 mẹ, 6 dì, 9 cô trường mẫu giáo luôn tận tâm, tận lực, trao gửi tình yêu thương, tạo dựng niềm tin cho những trẻ em thiếu may mắn trong cuộc sống. Bấy nhiêu thông tin là đủ để chúng tôi có thể nắm sơ lược về Làng. Nhưng để hiểu sâu xa hơn nữa, có lẽ, chúng tôi cần phải chuyện trò cùng những mảnh đời đã gắn bó lâu năm với nơi này.

Người chúng tôi gặp gỡ đầu tiên là em Lò Minh Phúc, 14 tuổi nhưng đã ở Làng được gần 12 năm. Trước lúc gặp Phúc, các cô ở đây có dặn, chuyện trò, hỏi han việc học hành, sinh hoạt thôi, còn về hoàn cảnh thế nào thì nên hỏi các cô. Chúng tôi hiểu vì các cô thương, rồi ái ngại khi phải nhắc lại hoàn cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới 2 tuổi của Phúc trước mặt em. Nhưng có lẽ những bất hạnh ấy lại tôi luyện nên cậu thiếu niên rắn rỏi với ánh mắt sáng và giọng nói đầy nghị lực. Em Lò Minh Phúc tâm sự: “Cả tuổi thơ gắn bó với Làng trẻ, con thấy ở đây như đang được ở nhà mình vậy. Biết chúng con chịu nhiều thiệt thòi nên các cô, các mẹ, các dì thương chúng con lắm. Tình cảm đó đã phần nào khỏa lấp những mất mát, thiếu thốn mà con phải gánh chịu từ nhỏ. Ở đây con có tình thương của các mẹ, được chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ được học hành như các bạn bè cùng trang lứa. Một năm con lại được về Mường Lay thăm ông bà một lần. Các anh, chị em khác trong nhà cũng vậy. 9 anh chị em đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, coi nhau như người ruột thịt. Ở ngoài con là em út của 2 chị gái. Các chị vẫn thường xuyên vào đây thăm con. Còn ở trong làng, dưới con còn 5 em nữa nên phải nêu gương như một người anh trong gia đình để các em noi theo”. Trong lời chia sẻ của Phúc, chúng tôi nghe có chút nghẹn ngào. Vì chỉ ít tháng nữa thôi, khi bước vào tuổi dậy thì, Phúc sẽ được chuyển sang khu lưu xá thanh niên với các anh lớn tuổi hơn. Ở đó, xa vòng tay của người mẹ chăm sóc gần 12 năm, Phúc sẽ phải trưởng thành hơn.

Ngôi nhà chúng tôi tìm đến tiếp theo là của mẹ Quàng Thị Hươi, nhà Hoa Sữa số 9. Dáng người nhỏ bé, nhưng ít ai biết được rằng một tay mẹ Hươi đang chăm sóc cho 13 con: 9 con đang ở với mẹ, 4 con là nam đến tuổi trưởng thành được chuyển sang khu lưu xá thanh niên nhưng vẫn thường xuyên về thăm nhà. Với một gia đình bình thường, có cha, có mẹ với trung bình là 2 con thì công việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đôi khi còn khó. Nhưng ở đây một mẹ đảm nhận công việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 8 - 10 trẻ nhỏ như vậy chắc chắn khó khăn gấp nhiều lần. Mẹ Hươi tâm sự: “Mới đầu các con được đón về Làng còn rất nhỏ, lại nhiều dân tộc khác nhau, phong tục tập quán khác nhau, mẹ con bất đồng ngôn ngữ nên việc cố gắng hòa nhập và cùng chung một tiếng nói không hề đơn giản. Từ những việc nhỏ nhất như rửa tay, chân, tắm rửa... mẹ đều phải làm, hướng dẫn con để nhanh chóng làm quen với cuộc sống mới. Rồi việc rèn luyện cho các con hòa đồng với các anh chị em mới cũng vậy. Nhiều lúc các con cũng ngang bướng, không chịu nghe lời mẹ. Những lúc như thế mẹ lại phải tìm đến “sự trợ giúp” của các cô ở đây hay chia sẻ với các mẹ, các dì nhà khác để có cách tháo gỡ. Ðấy là thời gian đầu thôi! Bây giờ cũng đỡ hơn nhiều rồi. Các con đều ngoan, nghe lời mẹ, đi học về đã biết giúp mẹ việc nhà. Nhất là mấy cô con gái lớn thì càng gần gũi hơn về có việc nọ, việc kia là tâm sự với mẹ. Bây giờ, các con đều bảo là vắng mẹ một ngày, không được ăn cơm mẹ nấu là nhớ, chỉ mong mẹ về thôi...”

Ðể cho các con trọn vẹn tình yêu thương, các mẹ ở Làng trẻ SOS Ðiện Biên Phủ đã phải hi sinh rất nhiều. Ða phần các mẹ, các dì đều chưa từng lập gia đình, quê lại ở xa nên đây được xem như ngôi nhà chính thức với họ. Mà đã là nhà thì phải ở đây 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần, bất kể lễ tết. Mỗi năm, các mẹ, các dì chỉ về thăm quê một, hai lần tùy vào hoàn cảnh cụ thể. “Cứ đến dịp tết là bố mẹ tôi lại hỏi sao không về? Lúc ấy tôi chỉ biết nghẹn ngào nói với bố mẹ: Con mà về thì bọn trẻ phải làm sao? Ai lo cơm nước, quần áo cho bọn trẻ? Chúng cũng rất cần tình thương của mẹ trong những ngày đặc biệt này. Bố mẹ thông cảm cho con...”. - Mẹ Hươi xúc động kể lại.

Khi chúng tôi hỏi phần thưởng lớn nhất đối với mình là gì, mẹ Hươi cười đáp: “Ðó là các con khôn lớn, ngoan ngoãn và trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Rồi sau này, dù có đi đâu về đâu cũng sẽ nhớ về mái ấm này, nơi tràn đầy tình thương của các cô, các mẹ, các dì”. Có lẽ, đây không chỉ là phần thưởng dành riêng cho mẹ Hươi, mà còn là món quà lớn lao đầy ý nghĩa dành tặng cho các cô, các mẹ, các dì của Làng trẻ SOS Ðiện Biên Phủ. Họ đã san sẻ yêu thương của mình để bù đắp thiệt thòi cho những mảnh đời bất hạnh. Dưới mỗi mái ấm ở Làng trẻ này, chúng tôi biết rằng dù mẹ - con, anh - chị - em không chung huyết thống, dù từng là người xa lạ nhưng khi đã về đây, họ lại xum vầy trở thành một gia đình luôn tràn ngập tình yêu thương.

Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/185579/mai-am-cho-nhung-manh-doi-bat-hanh