Mái ấm lan tỏa yêu thương
Dù không thân thích nhưng từ nhiều năm nay, hàng trăm người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV đã được cán bộ, nhân viên Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh (gọi tắt là cơ sở) tận tâm chăm sóc. Với những số phận kém may mắn ấy, nơi đây là mái ấm, là nơi họ nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc, sẻ chia từ các cán bộ, nhân viên như người thân trong gia đình.
Những mảnh đời bất hạnh
Đến thăm cơ sở vào hôm tiết trời se lạnh kèm những cơn mưa rả rích, khác với tưởng tượng của tôi về một không gian yên ắng, nơi đây, tiếng nói cười rộn rã khắp các hành lang. Trong mái ấm này, từ những em nhỏ 4-5 tuổi đến các cụ đã ngoài 90, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng câu chuyện về cuộc đời họ đều được miêu tả bởi hai từ “bất hạnh”. Với họ, nơi đây chính là mái nhà, là chốn nương tựa đầy yêu thương, chia sẻ.
Chị Tô Thị Tuyết (SN 1978), vừa là nhân viên, vừa là giáo viên của cơ sở kể cho tôi nghe về trường hợp em Nguyễn Thị H. Không ai biết chính xác H sinh năm nào bởi lúc nhỏ, cháu bị bỏ rơi ở cổng cơ sở. Chị Tuyết kể: “Tôi còn nhớ, năm 2007, khoảng 4 giờ sáng, khi đang nghỉ ở phòng trực thì bị đánh thức bởi tiếng gọi cửa dồn dập của mấy người dân ở gần cơ quan. Càng bất ngờ hơn khi họ trao cho tôi một đứa trẻ bé xíu khóc ngằn ngặt. Khi kiểm tra, người và chân tay con mọc rất nhiều mụn”. Nhận bé vào cơ sở, sau thời gian chăm sóc, H được khám sức khỏe tổng quát và phát hiện bị nhiễm HIV. Vì vậy, các “mẹ” ở đây khó khăn, vất vả hơn gấp nhiều lần trong việc chăm sóc H so với các trẻ khác. H hay ốm vặt hơn, quấy khóc cũng nhiều.
Đã vậy, ngoài việc phải cẩn thận hơn, tự trang bị kỹ năng trong khâu vệ sinh cá nhân, cơ sở luôn phải bố trí hai nhân viên thay phiên nhau đưa H đi kiểm tra sức khỏe, lấy thuốc hằng tháng, nhắc nhở con uống thuốc mỗi ngày. Lớn lên trong tình yêu thương của các mẹ, cô bé bị bỏ rơi ngày nào đã trưởng thành. H giờ là sinh viên một trường cao đẳng trong tỉnh và vẫn gắn bó dưới mái nhà chung nơi đây.
Ở cơ sở, ai cũng xót xa cho hoàn cảnh của cháu Nguyễn Văn Tý (SN 2008). Tý bị bỏ rơi ở cổng cơ sở khi mới lọt lòng. Không biết bố mẹ mình là ai nhưng Tý bất hạnh hơn cả vì cơ thể mang nhiều khuyết tật. Dù đã học lớp 9 nhưng Tý có thân hình nhỏ bé như đứa trẻ 8,9 tuổi. Em bị hở hàm ếch, khoèo cả hai tay, hai chân. Tuổi thơ của em hầu như là những tháng ngày trong bệnh viện. Trải qua 4 lần phẫu thuật, khuyết tật hở hàm ếch của Tý được cải thiện phần nào. Em đã nói được dù chưa tròn vành, rõ tiếng, di chuyển được dù những bước chân còn nhiều khó khăn.
Chị Hoàng Thị Bình (SN 1975), người trực tiếp nuôi dưỡng Tý chia sẻ: “Năm 2019, tôi phụ trách đưa con ra Viện Nhi T.Ư phẫu thuật lần thứ 4. Nằm viện một tuần, ba ngày đầu con khó ăn, cứ bón được vài thìa sữa con lại nôn ra hết. Nhìn con bé nhỏ, nằm yếu ớt trên chiếc giường bệnh, nhiều lúc con khóc, tôi cũng không cầm được nước mắt”.
Bước vào một căn phòng thuộc dãy nhà dành cho người cao tuổi neo đơn, tôi ngạc nhiên khi thấy một chiếc giường có thanh chắn bằng sắt được hàn chắc chắn. Hỏi ra mới biết, đó là sáng kiến của chị Nguyễn Thị Lan Hương (SN 1983). Chị Hương đảm nhận chăm sóc 17/33 cụ tại cơ sở. Các cụ hầu hết đã ở tuổi “gần đất xa trời” nên người thì lẫn, người thì chân tay run rẩy do bệnh parkinson, thậm chí cần người phục vụ mọi sinh hoạt. Chị nói: “Chiếc giường chế thêm kia là của cụ Phạm Thị Hiệu (SN 1933). Vào đây từ năm 2019, thời gian đầu cụ còn đi lại được. Nhưng gần hai năm nay, cụ nằm một chỗ, nhớ nhớ, quên quên. Tôi đề xuất lãnh đạo gia cố thêm chiếc giường để bảo đảm an toàn cho cụ lúc cho ăn hay vệ sinh cá nhân”.
Tình người ở lại
Là một trong hai đơn vị bảo trợ xã hội công lập trên địa bàn tỉnh, hiện cơ sở đang chăm sóc, nuôi dưỡng 145 người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, nhiễm HIV. Nhờ được quan tâm từ ngân sách và các nguồn tài trợ khác, hoạt động của cơ sở ngày càng đi vào nền nếp. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc cơ sở cho hay, cán bộ, nhân viên của cơ sở được đào tạo bài bản, từng bước chuẩn hóa về yêu cầu chuyên môn, kỹ năng. Hơn thế, 24 anh, chị, em trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hầu hết đều có thâm niên từ 6 năm trở lên. Áp lực công việc vô cùng lớn nhưng họ vẫn cố gắng thu xếp vẹn toàn "niềm riêng" để lo cho việc chung, tận tình chăm sóc những người không phải ruột thịt.
Mỗi ngày của nhiều cán bộ, nhân viên nơi đây bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Hằng tuần, chị em phân công nhau trực đêm nhưng hiếm khi được giấc ngủ tròn vì các cụ già hay trẻ nhỏ ở đây sức khỏe yếu, nhẹ thì đau đầu, đau bụng, nặng thì đang đêm phải đưa vào viện. Những lúc như vậy, các chị em lại thay phiên nhau túc trực ở bệnh viện, lo lắng, chăm sóc như những người thân trong gia đình.
Mỗi con vào đây đều mang một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng chúng thực sự quá đáng thương khi bị chính người thân của mình bỏ rơi. Vì vậy, công việc dù vất vả đến đâu, chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng để bù đắp những thiệt thòi, bất hạnh ấy”.
Chị Hoàng Thị Xiêm, cán bộ Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh
Có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với cơ sở và công việc chăm sóc trẻ mồ côi, chị Hoàng Thị Xiêm (SN 1976) chia sẻ: “Mỗi con vào đây đều mang một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng chúng thực sự quá đáng thương khi bị chính người thân ruột thịt của mình bỏ rơi. Vì vậy, công việc dù vất vả đến đâu, chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng để bù đắp những thiệt thòi, bất hạnh ấy”. Áp lực, khó khăn là vậy nhưng may mắn, các chị luôn được gia đình ủng hộ, chia sẻ.
Các em nhỏ bị bỏ rơi, mồ côi, không xác định được nhân thân đều được lãnh đạo, cán bộ nơi đây hỗ trợ trong việc khai sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các con đến trường sau này. Như trường hợp em Đỗ Lưu Triết về cơ sở năm 2019 khi con mới được 7 ngày tuổi. Trên người Triết lúc đó có hai giấy chứng sinh nên một đồng chí lãnh đạo cơ sở phải đứng ra làm chủ hộ để khai sinh cho con. Nhìn cậu bé có khuôn mặt khôi ngô, nụ cười trong trẻo đang vui đùa cùng các bạn, tôi cảm nhận được hơi ấm của tình người, sự yêu thương ngập tràn trong mái nhà chung đó.
Gắn bó, chia sẻ vui buồn hằng ngày cùng nhau, cán bộ ở cơ sở với các đối tượng được nuôi dưỡng tại đây coi nhau như người thân trong gia đình. Những ngày lễ, Tết, cơ sở tổ chức gặp mặt, liên hoan, tham quan các di tích văn hóa. Nhiều cụ vào đây trở nên khỏe ra, gắn bó hơn với cơ sở. Thậm chí có cụ khi người thân đến xin nhận về gia đình chăm sóc không muốn đi. Có trường hợp, cán bộ, nhân viên nơi đây trở thành người thân cuối cùng để các cụ gửi gắm niềm tin trong những ngày tháng cuối đời. Cụ Trần Thị Ngọ (SN 1933), ở xã Cương Sơn (Lục Nam) vào cơ sở đã 12 năm.
Khi còn minh mẫn, cụ dặn dò chị Hương - người trực tiếp chăm sóc cụ về việc lo hậu sự và cúng giỗ sau này. Tâm nguyện của cụ Ngọ và nhiều người già neo đơn ở đây được thực hiện đầy đủ.
Rời cơ sở, tôi không thể quên ánh mắt ngây thơ của cậu bé 5 tuổi Nguyễn Trí Thiện. Con nhìn tôi, một người xa lạ và trả lời dõng dạc câu hỏi: “Ở đây con có thích không?”. “Con thích lắm vì con có bạn, có các anh, chị, nhất là mẹ Bình (người phụ trách chăm sóc con)”. Bằng tình yêu thương, cán bộ, nhân viên của cơ sở đã mang đến cho những mảnh đời bất hạnh một mái ấm thực sự mà nơi đó, có tình người, có hy vọng.
Bài, ảnh: Tường Vi
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mai-am-lan-toa-yeu-thuong-110013.bbg