Mái ấm Quỳnh Hoa

Được thành lập từ năm 2007, đến nay, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã giúp hàng trăm người khuyết tật không chỉ có nơi ăn, chốn ở, việc làm, thu nhập nuôi sống bản thân mà còn là mái ấm để những người thiệt thòi trong xã hội tìm thấy lạc quan, yêu đời, tự tin vượt lên chính mình, hòa nhập với cộng đồng.

Khó khăn nối tiếp những khó khăn

Men theo con đường nhỏ chạy dọc sông Tô Lịch, chúng tôi có mặt tại thôn Hữu Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Dù chẳng cách trung tâm thủ đô là mấy nhưng không gian nơi đây có vẻ trái ngược so với trung tâm thành phố. Nằm sâu trong con ngõ nhỏ, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa được biết đến là mái ấm của những người khuyết tật. Ở nơi đó, những người khuyết tật được chăm lo từ bữa ăn, chỗ ở, cho đến được dạy nghề rồi làm việc, có thu nhập như những người lành lặn. Đây thực sự là điểm tựa để những người được coi là thiệt thòi trong xã hội tự tin vượt qua chính mình, hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

Những thành quả đó là cả một quá trình vượt qua hết khó khăn này cho đến gian nan, thử thách khác của bà Đoàn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa. Càng chứng kiến sự quan tâm, động viên, dạy dỗ của bà Hoa đối với những người khuyết tật, chúng tôi càng nhận ra ẩn sâu bên trong người phụ nữ ấy là một tình yêu thương bao la vô hạn, để có thể có những việc làm đầy sự hy sinh, nhân nghĩa.

Năm 2005, trong một lần tham gia đoàn chữ thập đỏ của TP Hà Nội đi làm công tác từ thiện, bà Hoa tặng quà cho một em nhỏ bị khuyết tật. Sau thoáng chốc vui vẻ khi được nhận quà, nét mặt của em khuyết tật lại lộ vẻ âu lo. Thấy vậy, bà Hoa vỗ về, động viên và được em chia sẻ: “Con chỉ ước mơ có thể làm việc và tự lo được cho cuộc sống của chính mình để gia đình bớt khổ thôi ạ”.

Đem ước mơ “nhỏ bé” của em nhỏ bị khuyết tật trở về nhà, bà Hoa trăn trở, để giúp người khuyết tật có một cái nghề thì việc đầu tiên là phải dạy nghề cho họ. Nhưng mỗi người khuyết tật lại ở mỗi nơi, mỗi gia đình... chẳng ai hoặc người thầy nào có thể đến từng nhà dạy từng người cho được. Vì vậy, xây dựng một cơ sở dạy nghề tập trung cho người khuyết tật đã trở thành mục tiêu của bà Hoa. Cũng kể từ đó, hành trình khó khăn nối tiếp những khó khăn của bà Đoàn Thị Hoa bắt đầu.

 Bà Đoàn Thị Hoa (người đứng) hướng dẫn người khuyết tật nghề thủ công giấy cuộn.

Bà Đoàn Thị Hoa (người đứng) hướng dẫn người khuyết tật nghề thủ công giấy cuộn.

Đầu tiên là việc xây dựng cơ sở vật chất, từ nơi ăn, chốn ở, lớp học cho đến không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người khuyết tật. Những việc này đối với những người có điều kiện tốt về kinh tế đã chẳng phải là việc dễ dàng, giản đơn thì đối với bà Hoa lại càng khó khăn bội phần. Sinh ra từ “làng” với chút vốn liếng bao năm tích cóp được cùng dẻo đất của gia đình đang sinh sống, bà Hoa bàn với gia đình mở trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Vừa mới nghe ý tưởng ấy, cả gia đình bà Hoa ai cũng phản đối. Mọi người đều cho rằng, mở trung tâm dạy nghề cho người lành lặn ở cái nơi xa xôi trung tâm thế này đã là việc không tưởng rồi. Huống chi lại là trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, hơn nữa hoàn cảnh gia đình cũng chẳng lấy gì làm khá giả. Bằng việc san sẻ những tâm tư, trăn trở tự đáy lòng về người khuyết tật với gia đình, bà Hoa đã làm cho mọi người trong nhà thấu hiểu, cảm thông, đồng cảm với nỗi khó khăn, vất vả của những người thiệt thòi ấy và đồng ý xây dựng trung tâm.

Dù chẳng có thông báo tuyển sinh nào được đưa ra, nhưng khi khu ăn ở, học tập, nhà xưởng, sân chơi, vườn hoa cây cảnh được dựng nên trên diện tích hơn 1.000m2 đã có 15 người khuyết tật từ khắp nơi tìm đến xin vào học. Vượt qua được khó khăn để xây dựng xong trung tâm, thử thách mới lại ập đến với người phụ nữ hiền hòa, đôn hậu. Có nhà, có lớp, có mặt bằng xưởng, lo được ăn, ở rồi thì dạy nghề gì cho người khuyết tật? Người thì bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, em thì bị dị tật bẩm sinh không thể phát âm hay đi lại bình thường, bạn khác lại bị tai nạn mà liệt nửa người... dạy một nghề có phù hợp cho tất cả hay không? Đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ dạy và làm nghề mà không phù hợp với người khuyết tật thì sẽ phải giải quyết ra sao?... Mỗi câu hỏi đặt ra cũng chính là một bài toán hóc búa đối với bà Hoa lúc bấy giờ.

Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã tìm kiếm, dạy cho người khuyết tật hết nghề này đến nghề khác. Từ nghề may, móc len, dán vàng mã, thủ công giấy cuộn... hễ thấy nghề nào phù hợp là bà Hoa lại đi học về để dạy hoặc nhờ người dạy cho người khuyết tật. Sau nhiều năm bươn chải, lăn lộn của giám đốc, mái ấm Quỳnh Hoa đã giúp những người tưởng rằng chỉ “ngồi chơi”, sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, xã hội thì nay đã trở thành những con người mới, họ đã có thể tự tay làm ra sản phẩm từ đôi tay, khối óc của chính mình.

Tưởng chừng sau khi đã làm ra được sản phẩm thì sẽ đỡ vất vả, nhưng vấn đề tiêu thụ sản phẩm lại là công việc khó khăn. Đơn cử như nghề may, do chất lượng sản phẩm cũng như tiến độ hoàn thành công việc của người khuyết tật sẽ không thể bảo đảm như những người công nhân bình thường khác nên chỉ may được loại hàng đơn giản. Chẳng ít lần sản phẩm làm ra lỗi, bị trả về... Với những sản phẩm khác thì cũng là những câu hỏi: Bán cho ai? Bán ở đâu? Bán như thế nào?... Chỉ nghe kể thôi, chúng tôi đã hình dung phần nào nỗi vất vả mà bà Hoa đã trải qua như thế nào.

Vượt qua từng ấy khó khăn, thách thức, nốt thăng thì ít mà nốt trầm thì nhiều, đến nay trung tâm dạy nghề từ thiện của bà Hoa đã cơ bản ổn định với nghề làm tranh, làm thủ công giấy cuộn là chính. Sản phẩm của người khuyết tật làm ra bằng sự khéo léo, miệt mài đã thỏa mãn được yêu cầu của khách hàng. Sau những lần mang sản phẩm đi tham gia các hội chợ, ngày hội thương mại, giới thiệu sản phẩm, những tấm thiệp, hoa giấy, hộp kết bằng giấy cuộn, móc khóa bằng len... đã được nhiều người, nhiều nơi biết đến và đặt hàng mặc dù số lượng cũng không nhiều.

“Mong muốn nhất hiện giờ vẫn là tìm được đầu ra cho sản phẩm của các con. Bình thường đầu ra đã không nhiều do đặc thù sản phẩm là phục vụ khách du lịch là chính. Hiện nay cả thế giới đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên sản phẩm tiêu thụ ngày càng khó khăn. Sản phẩm các con làm xong lại đem cất vào tủ chứ chẳng gửi đi đâu bán được. Vì vậy, để bảo đảm cuộc sống cho các con đã khó, chứ chưa nói đến việc các con có của để dành” (ở trung tâm, người khuyết tật vẫn gọi bà Hoa là U và xưng là con). Những lời mộc mạc của Giám đốc Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa càng làm chúng tôi hiểu thêm về tấm lòng nhân hậu, cao quý của bà. Bao năm rồi vẫn vậy, bà vẫn một lòng hướng về những khuyết tật, người thiệt thòi trong xã hội, chẳng một chút nào nghĩ cho bản thân mặc dù năm nay tuổi bà đã suýt soát lục tuần.

Nụ cười đằng sau những nụ cười

Đến nay, sau gần 14 năm ra đời, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã che chở, giúp đỡ cho hơn 500 người khuyết tật. Họ chủ yếu là những người khiếm thính, khiếm thị, ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin, dị tật vận động... Trong số ấy đã có rất nhiều người đã nên thầy nên thợ, trở về đời thường với nghề nghiệp ổn định, hơn nữa, có người không những nuôi sống được bản thân mà còn giúp đỡ được những người khuyết tật khác tại địa phương. Tuy nhiên vẫn có những người chưa đủ khả năng về với quê hương còn ở lại trung tâm. Hiện tại, trung tâm đang dạy nghề cho 55 người. Trong đó có 35 người ở nội trú và 20 người ở bán trú.

Được biết, với người mới đến, tháng đầu tiên, trung tâm nhận của mỗi người 600.000 đồng để lo chi phí ăn, nghỉ, sinh hoạt. Từ tháng thứ hai trở đi, chi phí giảm xuống chỉ còn 300.000 đồng. Chỉ có số tiền tháng đầu là người khuyết tật phải đóng góp còn từ tháng tiếp theo, chi phí 300.000 đồng được trích từ chính thu nhập của người khuyết tật do bán sản phẩm làm ra sau một tháng học nghề mang lại. Chúng tôi khá tò mò vì với phép tính đơn giản, với 300.000 đồng/tháng, thì chia ra mỗi ngày chỉ 10.000 đồng và mỗi bữa chỉ vẻn vẹn có hơn 3.000 đồng. Đó là còn chưa kể tiền điện, tiền nước, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt. Hỏi ra mới biết, trung tâm nhận 300.000 đồng với mục đích là để động viên những người khuyết tật, để họ thấy mình tự nuôi được bản thân chứ không phụ thuộc vào gia đình, xã hội.

Trong số những người khuyết tật tại trung tâm, trường hợp của anh Trần Văn Đại, quê tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh lại có phần khác biệt. Anh không phải là người khuyết tật bẩm sinh hay do bệnh tật đưa đến. Sinh năm 1987, với cơ thể khỏe mạnh, đến năm 2009, chàng trai trẻ Văn Đại không may bị tai nạn vỡ cột sống, khiến anh bị liệt vĩnh viễn hai chi dưới. Kể từ đó, cuộc sống của anh dường như khép lại với 4 bức tường, quanh năm, suốt tháng. Những ngày đầu còn có bạn bè, người thân đến thăm hỏi, động viên Trần Văn Đại, nhưng sau rồi anh cũng chẳng còn ai để bầu bạn, chia sẻ... cuộc sống đi vào bế tắc. Đến năm 2017, tình cờ biết đến trung tâm của bà Hoa, anh Đại tìm đến xin ở và học nghề. Trần Văn Đại cho biết: “Ban đầu, tôi tìm đến trung tâm của U Hoa chỉ với mục đích được sống, hòa nhập, nói chuyện với mọi người cho khuây khỏa đầu óc, với bớt sự chán nản, tự ti. Từ khi sống ở đây tôi như tìm lại được chính mình. Qua lời U Hoa động viên, chia sẻ hằng ngày, tôi cũng như mọi người hiểu xã hội còn nhiều người khó khăn hơn mình. Để từ đó cùng nhau cố gắng. Cũng bởi vậy mà bất cứ ai trong chúng tôi cũng đều vui vẻ, hạnh phúc khi ở đây. Mình tự nuôi được mình là điều hạnh phúc vĩ đại nhất mà U Hoa mang lại cho chúng tôi. U Hoa như người mẹ thứ hai vậy!”.

Còn trường hợp của chị Phạm Thị Nguyệt, trú tại thôn Vinh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội bị khuyết tật hai chân không thể đi lại được bình thường. Nhờ học được nghề may tại trung tâm của bà Hoa, đến nay chị Quỳnh đã về nhà tự mở hiệu may của riêng mình. Niềm vui không chỉ ở chỗ hiệu may ấy không những mang lại thu nhập cho gia đình mà chị Quỳnh còn noi theo bà Hoa dạy nghề và tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ khác tại địa phương.

Không chỉ là nơi nuôi, dạy nghề cho người khuyết tật, trung tâm của bà Hoa còn là cầu nối mang hạnh phúc lớn lao đến với những người khuyết tật khi đã tổ chức hôn lễ cho 23 đôi khuyết tật đến với nhau trong niềm vui vỡ òa của gia đình, bè bạn. Vợ chồng Nguyễn Văn Thìn (quê ở tỉnh Hà Tĩnh, bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin)-Dương Thị Vân (quê ở tỉnh Lạng Sơn, bị khuyết tật 1 chân), vẫn nhớ như in ngày cưới. Sau 4 năm yêu nhau tại trung tâm, ngày trọng đại nhất trong đời của họ cũng diễn ra không phải ở nhà trai hay nhà gái mà chính tại mái ấm Quỳnh Hoa. Đến nay, thành quả của vợ chồng Thìn-Vân là một công việc ổn định và một cậu con trai kháu khỉnh.

Bà Nguyễn Phương Anh, Ban Lao động-Thương binh và Xã hội xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội cho biết, Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa là một trung tâm đặc biệt. Trung tâm này hướng tới những người khuyết tật, những cá nhân thiệt thòi trong xã hội. Không chỉ lo ăn, ở, mà trung tâm còn dạy nghề, hướng nghiệp giúp người khuyết tật vươn lên, hòa nhập trong cuộc sống. Điều này tạo nên một giá trị nhân văn sâu sắc. Nhận thấy việc làm giàu nhân nghĩa, bác ái của bà Đoàn Thị Hoa khi xây dựng, duy trì trung tâm, ở địa phương từ cán bộ, lãnh đạo cho đến bà con nhân dân ai cũng đều mến mộ, cảm phục.

Rời căn phòng làm việc cấp 4 của giám đốc trung tâm với nhiều tầng bằng khen, giấy khen do các cấp trao tặng, chúng tôi ra về, bà Đoàn Thị Hoa tiễn ra tận cổng. Ngoái nhìn lại trung tâm, hình ảnh bà Hoa cười mãn nguyện khi thấy những người khuyết tật vui vẻ cùng nhau cứ níu theo chúng tôi mãi.

Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/mai-am-quynh-hoa-631928