Mãi còn em mùa thu Hà Nội
Từ khi về ở ẩn tại Bà Rịa, nhạc sỹ Trần Quang Lộc ít gặp gỡ với bạn bè và cũng ít đi chơi xa. Ông chỉ chơi với vài người bạn ở chung quanh, thỉnh thoảng tham gia Hội VHNT Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lần đầu tiên tôi gặp ông là vào giữa năm 2013, khi đó ông mới từ Mỹ về. Ông kể khi mới qua Mỹ, nghe tin ông là tác giả Về đây nghe em, Có phải em mùa thu Hà Nội, Chợt nghe em hát... một số trung tâm băng nhạc tại Mỹ mời ông tham gia một số chương trình. Nhưng được một thời gian ông đòi về Việt Nam. Lý do ông đưa ra là không hợp với cuộc sống bên đó.
Bà Nguyễn Thị Thiện - Vợ ông kể, các con của ông thấy vợ chồng ông nghèo khổ đã làm thủ tục bảo lãnh qua Mỹ. Tốn phí biết bao nhiêu nhưng qua tới nơi ông lại đòi về. Chiều ông, bà lại cùng ông trở về.
Lần gặp đầu tiên đó với ông, ông đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội, một thời mà theo ông đầy lãng mạn của tuổi trẻ. Dù rằng vì ca khúc, ông đã phải lận đận suốt một thời gian nhưng điều đó khiến ông thêm tự hào vì đứa con tinh thần của mình trải qua bao sóng gió đã được khán giả đón nhận.
Từ Có phải em mùa thu Hà Nội cho tới Về đây nghe em rồi Chợt nghe em hát, Em còn nhớ Huế... Những đứa con tinh thần đã giúp cho nhiều người biết tới ông. Vì thế dù ông sống ở một nơi heo hút nhưng học trò rồi ca sỹ vẫn tìm tới đặt bài hay đăng ký học nhạc. Nhà nhỏ nên lớp học cũng là chỗ sinh hoạt chung của cả gia đình. Tan lớp, thầy và trò tự dọn dẹp bàn ghế.
Ông cũng hay tham gia các phong trào sáng tác ca khúc, hội diễn, sinh hoạt với văn nghệ sỹ tại địa phương. Có một giai thoại, ông đi hát karaoke với vài người bạn trong Hội Văn học, khi mọi người cùng thi hát ca khúc Về đây nghe em của ông thì nhạc sỹ chỉ được máy chấm 60 điểm. Trong khi các bạn của ông lại hát được tới 100 điểm. Nghe bình phẩm, ổng chỉ cười: “Nhạc máy sai, lời hát trên máy cũng sai thì sao chấm điểm cho tôi được!”.
Năm 2014, Trần Quang Lộc phải nhập viện cấp cứu vì ung thư bàng quang. Mấy năm trời chữa chạy, căn bệnh ngày càng nặng khiến sức khỏe của ông đi xuống. Nhưng ông vẫn đứng lớp, vẫn sáng tác. Sau này, ít ca sỹ đặt bài nên ông tự thu, tự hát và đưa lên trang cá nhân. Ông tự xây dựng phòng thu nghiệp dư, mua những máy móc cũ về để chế lại. Trần Quang Phương Nam- con trai ông cho biết, ông còn hơn 200 ca khúc đã thu âm hoặc còn trên giấy. Ông vẫn giữ kỹ để hy vọng tìm được ca sỹ phù hợp mới đưa ra.
Nhà thơ Đào Xuân Mai kể, khi nhạc sỹ Trần Quang Lộc bệnh, ông vẫn nhận viết bài cho một số ca sỹ. Bản nhạc cuối cùng là cho ca sỹ Tuyết Lê ở Canada mang tên Nếu có kiếp sau. Mới gửi ca sỹ được mấy ngày thì ông rơi vào hôn mê, không kịp nghe ca khúc của mình. “Anh Lộc nhiệt tình lắm, ai đặt anh cũng viết, kể cả những ca sỹ chưa tên tuổi. Có người đặt tiền nhưng cũng có người chỉ nhờ không. Nhưng anh ấy đáp ứng tất. Anh nói với tôi, họ có tin mình thì họ mới nhờ, sao lại từ chối được. Chính vì thế mà dù nổi tiếng anh ấy vẫn không giàu bằng sáng tác của mình”, Đào Xuân Mai nói.
Nhà thơ Lê Huy Mậu - Chủ tịch hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa- Vũng Tàu kể: “Có một thời gian anh Lộc tham gia với Hội chúng tôi nhưng sau này vì sức khỏe, anh ấy cũng ít tham gia. Chúng tôi rất trân trọng những sáng tác của anh ấy, hôm rồi chúng tôi dự tính làm một đêm nhạc để ủng hộ anh ấy. Nhưng chưa kịp thì anh ấy đã ra đi. Anh em trong Hội ai cũng buồn vì mất đi một người anh tài hoa”.
Dù cuộc sống khá khó khăn nhưng Trần Quang Lộc may mắn có được người vợ hiền tần tảo, chăm lo hết mực cho ông. Bà Nguyễn Thị Thiện từng là Hoa khôi ở Huế rồi sau này trở thành nàng thơ cho nhiều văn sỹ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Yêu mến tài năng của Trần Quang Lộc, bà đã từ bỏ tất cả đi theo người nhạc sỹ, chấp nhận cuộc sống khó khăn nhưng được đồng hành trên con đường âm nhạc với chồng.
Khi ông lâm bệnh, một tay bà chăm sóc, nấu từng bữa ăn, lo từng viên thuốc cho ông. Bà Thiện nghẹn ngào kể: “Bốn đứa con gái giờ bên Mỹ hết. Dịch cúm này có đứa nào về được đâu. Tôi cũng buồn lắm nhưng mệnh trời, ai mà biết được. Giờ tôi mà gục ngã mấy đứa lại lo thêm nên tôi cố gắng gượng. Điều tôi an ủi là trước khi đi, anh ấy tỏ ra mãn nguyện vì đã cùng tôi song hành trên cuộc đời này”.
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc mất đi, các con và anh em ở xa nhưng bà Thiện không cô đơn, rất đông những tri kỷ, tri âm, học trò của nhạc sỹ tới phụ giúp gia đình lo tang lễ. Nhiều nghệ sỹ dù ở xa cũng gửi vòng hoa chia buồn như gia đình Ngọc Hải (Em ruột ca sỹ Ngọc Sơn), ca sỹ Hạ Vy, trung tâm Thúy Nga....
Viếng nhạc sỹ, mọi người cúi đầu trước vong linh ông trong tiếng loa nho nhỏ Có phải em mùa thu Hà Nội, Về đây nghe em... Dường như nhạc sỹ vẫn bên mọi người.
Nhạc sỹ Trần Quang Lộc - Tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Có phải em mùa thu Hà Nội (Phổ thơ Tô Như Châu), Về đây nghe em, Chợt nghe em hát… mất chiều 7/6 tại nhà riêng thuộc TP Bà Rịa (Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Tang lễ nhạc sỹ Trần Quang Lộc tổ chức tại nhà riêng số 179 Trương Hán Siêu - Phường Long Toàn - TP Bà Rịa. Lễ di quan diễn ra vào lúc 3h30 sáng 10/6 và sau đó Thánh lễ an táng được tổ chức tại Thánh đường giáo xứ Long Tâm - TP Bà Rịa. Thi hài nhạc sỹ hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Long Hương, TP Bà Rịa.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/mai-con-em-mua-thu-ha-noi-1670195.tpo