Mái đa đền Bà Kiệu với nhà văn Nguyễn Dậu
Cái đêm bão Yagi vày vò Hà thành, bao nhiêu những bần thần thon thót khi nhác thấy trên mạng những than tiếc về cội đa mé bên trái đền Bà Kiệu đã bị bão Yagi quật đổ!
Cái tán đa cổ thụ như mái nhà chở che. Cái mái đa một thời của nhà văn Nguyễn Dậu!
Lần đầu tôi gặp nhà văn Nguyễn Dậu chẳng phải ông đang lúi húi miệt mài dưới mái đa Đền Bà Kiệu cắt tóc cho khách như sau này nhiều người biết. Mà là ông bắt gặp tôi đang đi cất trúm lươn ở Đền Ngọc Sơn.
Trúm lươn. Chứ sao. Cuối những năm 70, tôi nhập tịch vào Khu Tập thể báo Tiền Phong ở phố Hàng Trống trông ra Hồ Gươm. Làm cư dân Thủ đô, nhưng cái máu thuở hàn vi của thằng trai dân đồng chiêm xứ Thanh thi thoảng lại trỗi dậy. Khu vực Đền Ngọc Sơn thuở ấy ngó hoang vu tự nhiên chứ đâu được nghiêm cẩn bóng lộn như bây giờ. Phát hiện ra ngay vài vị trí rất đắc địa cho việc bắt lươn. Tôi về quê đem ra mấy cái trúm (dụng cụ để nhử lươn). Chiều muộn thì ra Ngọc Sơn thả trúm (giấu ở hồ). Sáng sớm thì cất. Lơ tơ mơ vậy mà thằng bố dư dả cái nhắm và quan trọng là thời thiếu đói ấy, thằng cu ăn cháo lươn mệt nghỉ.
Cái người đầm đậm có cái mũ nồi đội lệch trông ngồ ngộ tự dưng cứ dồn gạn kỹ càng cái việc trúm lươn. Nhưng người này ngó thiện ý chả thấy dọa dẫm nên tôi cứ tự nhiên tiếp chuyện. Vài lần như thế. Để ý, thì ra người mà tôi hay bắt gặp tinh mơ ở Đền Ngọc Sơn ấy là cái ông thợ chuyên cắt tóc ở gốc đa mé bên trái đền Bà Kiệu. Bên đền mé trái, phải đều có hai cụ đa cao niên sừng sững rợp cả một vùng. Có hai ông thợ cúp tóc. Một ông ngồi mé đền Ngọc Sơn. Cái ông kẹp giữa Nhà bia Alexandre de Rhodes và cội đa mé trái đền Bà Kiệu mà tôi mới quen có vẻ xôm khách. Khi im ắng, rủ rỉ. Lúc bất đồ dậy lên âm thanh của các cung bậc cười cả chủ lẫn khách. Chiều muộn là chỗ ông cúp tóc đâm nhộn nhịp. Anh hàng xén lưu động trên các ngả tàu điện “Lơ hồng tẩy trắng/ Thuốc nhuộm răng đen/ Giải rút bấc đèn/ Dầu cao con hổ” cùng vợ chồng ông hát xẩm lần lần mò về chỗ bậc đá của ngôi đền Alexandre de Rhodes. Đám thợ khắc bút cũng nhập bọn. Tán cây đa đền Bà Kiệu, chỗ ông thợ cúp chả phải che chắn gì nhưng kín đáo ấm áp mùa đông, râm mát suốt hè. Mưa dày hột mới phải căng hờ tấm ni lông. Tán cây như mái nhà như nơi tụ đắc địa của của cư dân lang thang sống bám vào con hồ.
Ông thợ cúp cứ nhá nhem chặp nhọ mặt người là khoác cái hòm gỗ kềnh càng nhường chỗ cho người khác. Ông sải những bước chầm chầm qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn.
* * *
Năm xa ấy, tôi tình cờ xin được của anh Thái Kế Toại cái đoạn lý lịch về nhà văn Nguyễn Dậu. Anh Thái Kế Toại học Khoa Văn ĐHTH trên chúng tôi 3 khóa. Sau này, anh làm công tác ở cơ quan bảo vệ văn hóa, hàm đại tá.
“Nguyễn Dậu, tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Song, cũng có tên là Trương Mẫn Song vì mẹ ông họ Trương, sinh ngày 25/10/1934 tại xóm Cống Xuất, khu Xi măng Hải Phòng (có nguồn nói ông sinh 1930. Lại có nguồn ông tuổi Dậu (sinh 1933 - năm Dậu nên mới có tên là Nguyễn Dậu?). Quê gốc ở huyện Hoài Đức, Sơn Tây. Sau khi học xong lớp Nhất trường Cố Đạo Jean Dupuis vừa lúc cách mạng tháng Tám nổ ra, Nguyễn Ngọc Song tham gia công tác tuyên truyền ở Hải Phòng.
Năm 1946, hoạt động trong đội võ trang tuyên truyền ở địch hậu Liên khu III sau đó gia nhập quân đội, học trường Thiếu sinh quân rồi phục vụ ở bộ binh, pháo binh, quân y. Sau cách mạng Trung Quốc thành công, năm 1950 ông được quân đội cử sang Trung Quốc học khóa đào tạo sĩ quan để làm phiên dịch (có lần ông nói với Thái Kế Toại sau khi về nước ông đã làm phiên dịch cho các cố vấn Trung Quốc về pháo binh, cao xạ pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thái Kế Toại còn nhớ có một bài báo nói về mấy nhà văn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ có đoạn về nhà văn Nguyễn Dậu).
Năm 1954, Nguyễn Dậu được điều chuyển về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị, rồi chuyển ngành. Lần lượt công tác ở Xưởng phim Việt Nam 1955, biên tập viên Nhà xuất bản phổ thông 1957, Tòa soạn báo Văn nghệ 1960.
1961 xuất bản tiểu thuyết Mở hầm tại NXB Thanh Niên, bị phê phán nặng nề.
1964 về Sở Văn hóa Hà Nội. Ngừng viết.
1970 bị kỷ luật tại Sở Văn hóa Hà Nội. Ra làm nghề cắt tóc ở Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch.
1984 vào TPHCM. Rồi sang Phnompenh.
Cuối 1985 bị bắt ở Phnom Penh. Di lý về Chí Hòa rồi ra Hà Nội.
12/1986 được Công an Hà Nội bảo lãnh ra khỏi tù.
Viết trở lại từ 1988.
Năm 1988, công bố “Ngựa phi trong bão tuyết” trên Người Hà Nội “ Con thú bị ruồng bỏ” trên Văn nghệ quân đội.
3/1990 được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam.
8/1993 in “Chúa Trời ngủ gật” NXB Lao Động. Bị rút giấy phép xuất bản, sách bị nghiền thành giấy vụn.
1995 in tiểu thuyết “Nhọc nhằn sông Luộc”
1997 Nguyễn Dậu về Hải Phòng sống với một người cháu. Tiểu thuyết “Nhọc nhằn sông Luộc” được Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm của thành phố Hải Phòng.
2000 in “Gió núi mây ngàn” (NXB HN) “Mầm sống vẫn xanh” (NXB Hải Phòng)
Mất 24/7/2002 tại Hải Phòng.
(Hết trích)
Tôi rủ nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn cũng cư dân Khu Tập thể Hàng Trống làm quen rồi nhung nhăng, lang thang với nhà văn Nguyễn Dậu. Không chỉ Hoàng Sơn mà còn Hoàng Minh Tường (PV báo Người giáo viên Nhân dân sau chuyển sang báo Văn Nghệ), rồi Quang Khải (NXB Lao Động) và vài tay viết khác.
Tôi nhớ lần ấy cả bọn theo chân Nguyễn Dậu lên đền Ngọc Sơn. Buổi ghé “di tích” nơi từng cư ngụ suốt 17 năm, Nguyễn Dậu say sưa thuật lại cái cách kiếm cá mà lão nói là học được của thi sĩ Phùng Quán. Nói thẳng ra là trộm cá. Thi sĩ Phùng Quán cư ngụ bao năm ở mạn Hồ Tây có cái nhà rách nát thèo đảnh ngó ra hồ mà thi sĩ vống lên là Chòi ngắm sóng. Phùng Quán từng kiếm sống theo phương thức rượu chịu - mua chịu/ cá trộm văn chui - văn viết cho người khác đứng tên còn mình thì hưởng thù lao - như cây viết Mạc Lân PV Báo Tiền Phong). Cách ấy là dùng một cái lờ tre có hom hai đầu. Dùng một đoạn dây thừng, lấy lòng trắng trứng vịt (hoặc gà) phết thật lực lên đoạn thừng, đem phơi nắng. Ba lần phết, ba lần phơi sao cho thứ lòng trắng ấy queo cứng quyện chắc sợi thừng. Đóng hai cái cọc buộc sợi dây thừng qua hom lờ.
Cái giống thủy tộc hồ Trả Gươm của vua Lê tuy khảnh ăn nhưng đánh hơi được vị tanh của lòng trắng trứng đang rữa ra cứ thế mải mê tóp tép luồn theo sợi thừng mà tự nguyện chao mình xuyên vào lờ.
Qua đêm sáng ra đã trĩu một lờ nặng cá các loại. Ăn thì chỉ vài con. Nguyễn Dậu bỏ vào túi vải đem sang chợ Hàng Bè. Nơi chợ ấy, Nguyễn Dậu “canh ti” lâu rồi với mấy bà hàng cá!
“Đây là nơi ngài ngự” Nguyễn Dậu với vẻ mặt nghiêm nghiêm cùng cái cười nửa miệng cố hữu chỉ vào phía hậu cung đền Ngọc Sơn.
Giữa những tượng cùng chuông mõ, xệp vuông một chỗ nằm. Đó là vị trí của các bà các cô khi lễ bái thường tọa thiền nghiêm ngắn.
Suốt 17 năm, cựu nhân viên của Ty văn hóa Thủ đô Nguyễn Dậu làm cư dân của đền Ngọc Sơn của Hồ Gươm như thế!
Ban đầu lãnh đạo Ty Văn hóa cũng có tiếp nhận được vài sự phàn nàn của cánh công an hộ khẩu. Nhưng chừng như nhắc nhở những nặng nhẹ mà cái anh cán bộ bị thải hồi kia cừ lờ tăng tít rồi cười trừ. Vả lại thấy anh này cũng lành lành, đơ đơ nên công an hộ khẩu lẫn lãnh đạo cũng lờ đi.
* * *
...Có một buổi tụ, nhân cả bọn đang kháo nhau về trữ lượng về thế mạnh của Hoàng Minh Tường (khi ấy lão này chưa công bố “Thủy hỏa đạo tặc” chưa viết “Thời của Thánh thần”) nhưng trong truyện ngắn của lão, chất tự nhiên roi rói đời sống phồn thực đực cái không kiểu này thì kiểu khác cứ lăm le phát lộ.
Bất ngờ lão Quang Khải vốn kiệm lời nhưng tự nhiên gật gù “Mà này, Tường với bác Dậu cứ như đồng bệnh tương lân ý nhỉ”. Rằng cứ đọc bác Dậu thì biết. Trong bất kỳ truyện ngắn nào chứ đừng nói dài hơi như tiểu thuyết, cái chất, cái chi tiết “trữ tình ngoài đề” cái đẹp phồn thực bản năng của phái nữ đôi khi cứ luyến láy e ấp chỉ chực tràn trang.
Hoàng Minh Tường cười hề hề “cái thời năm 59-60 mà em viết như bác Dậu thì chết”. Mở hầm của Nguyễn Dậu chỉ lẩy ra vài chi tiết cánh viết khi ấy rất ngại coi là kiêng kỵ về đời sống tình dục. Cơ hồ chỉ là thứ gia vị để chuyển tải những thông điệp về mảng xã hội khi ấy cần điều tiết cho hợp lý. Vậy mà đi cả đám những Nguyễn Thế Phương với “Đi bước nữa” với “Vào đời’’ của Hà Minh Tuân vv… Cuốn “Chúa Trời ngủ gật’’ (NXB Lao Động) của Nguyễn Dậu còn bị rút giấy phép xuất bản, bị nghiền thành giấy vụn. Có tờ báo săm soi nghiệt ngã rằng Nguyễn Dậu đã quá liều đã nâng đời sống đực cái tình dục lên thành triết lý .
Chất giọng Nguyễn Dậu như chùng xuống lào phào “Thời này thì dễ thở hơn rồi. Có thể viết được nhiều điều…”; Rồi chất giọng ấy bỗng như khoát hoạt “Nói thật với các chú, anh bây giờ chỉ có hai ước nguyện là được viết và được chữa bệnh”.
Chữa bệnh chẳng phải Nguyễn Dậu chữa chứng cao huyết áp cố hữu hay tật bệnh nào đó của mình. Mà là được chữa bệnh cho mọi người. Tôi thoáng nghĩ đến trình độ tiếng Trung nổi trội của Nguyễn Dậu. Người đã từng dịch Má Năm (Nguyễn Văn Thông), Ông Năm Hạng (Nguyễn Quang Sáng), Huệ Ngọc (Nguyễn Dậu)… Sách từng được Nhà xuất bản Bắc Kinh ấn hành năm 1963. Phương tiện tiếng Trung cùng kiến thức về Trung y (Đông y) sẽ giúp Nguyễn Dậu thêm tự tin thêm vui sống bởi ông từng bị hạch hỏi bị cấm cản một thời gian dài khi hành nghề chữa bệnh để kiếm sống.
Nguyễn Hoàng Sơn hăm hở ôm về tờ Tiền Phong Chủ nhật mấy cái truyện ngắn của Nguyễn Dậu trong đó “Chó sói gửi chân” khá nổi trội. Rồi Hoàng Minh Tường cùng khảo được Nguyễn Dậu vài chùm truyện bắt mắt trong đó có “Vòng dưỡng sinh”. Ngô Vĩnh Bình lãi hơn đem về “Con thú bị ruồng bỏ” cho Văn nghệ Quân đội. BTV kiêm thi sĩ Quang Khải hối Nguyễn Dậu chuẩn bị bản thảo cho một tập truyện cho nhà xuất bản Lao Động.
Đời văn của Nguyễn Dậu tưởng đã phải hạ một dấu chấm kết thúc sau cuốn Mở hầm. Nhưng gần 30 năm sau cái tên Nguyễn Dậu xuất hiện trở lại lợi hại hơn xưa với một loạt 20 truyện ngắn khác lừng lững trên các tờ Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tiền Phong, Lao động, Tác phẩm mới... Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Dậu đã được các nhà Hội Nhà văn và NXB Văn hóa in thành sách.
* * *
...Chuyện đang rôm trong căn nhà lá thèo đảnh 8 m2 vuông của Nguyễn Dậu trên mặt đê La Thành thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Cửa hé. Một vành nón nghiêng. Một thiếu phụ khó đoán tuổi dáng mỏng mày hay hạt người đầm đậm.
Chơi với nhau lâu lâu rồi. Cứ gọi là thân, là gần. Nhưng trong chúng tôi, chưa có ai có cung bậc khéo mồm những hỏi han xa xôi hoặc toạc toàng toang chuyện vợ con như nào của anh… Một Nguyễn Dậu với những trang viết mà nhân vật nữ của ông, không hiểu sao, cứ nhang nhác cái dáng đầm đậm hoặc lầm lụi cùng cơ man nào là những cơ nhỡ cùng là thua thiệt…
Cái người này chúng tôi chưa gặp lần nào. Chiếc túi tòn ten lộ mấy bìa đậu trong tay chị như đương sắp sửa một bữa cơm gia đình?
...Bẵng đi một dạo. Nghe tin anh Nguyễn Dậu về Hải Phòng ở với một người cháu. Dưới Hải Phòng nghe nói có điều kiện để anh thỏa cơn viết bao năm kìm nén.
Chưa kịp mừng thì tiếp được tin dữ, nhà văn Nguyễn Dậu đột ngột ra đi ở tuổi 72!
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mai-da-den-ba-kieu-voi-nha-van-nguyen-dau-post1673238.tpo