Mài 'dao sắc' để 'chặt cành sâu'

Để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh thì công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng chính là vũ khí để chống lại thói quan liêu, cửa quyền, ngăn ngừa các bệnh xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, đồng thời sàng lọc cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chính quyền.

“Chặt cành sâu để cứu cây”

>>> Bài 1: Đau xót nhưng kiên quyết “chặt cành sâu”

Khi “cành sâu” là người đứng đầu

Khi thực hiện loạt bài viết này, đi tìm hiểu công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, có những câu chuyện khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Một trong những băn khoăn ấy là danh sách đảng viên vi phạm bị kỷ luật hằng năm, có không ít “cành sâu” là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng.

Trở lại câu chuyện ở Đảng bộ xã Tà Chải, huyện Bắc Hà. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã có 5 đảng viên vi phạm bị kỷ luật Đảng, tăng 2 trường hợp so với nhiệm kỳ trước. Chúng tôi bất ngờ khi nhận được danh sách các đảng viên vi phạm có tên ông Lục Văn Lương, Phó Bí thư Thường trực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã. Năm 2017, ông Lương bị kỷ luật khiển trách vì sinh con thứ 3.

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bắc Hà nhiệm kỳ 2015 - 2020 triển khai công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng.

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bắc Hà nhiệm kỳ 2015 - 2020 triển khai công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng.

Khi được hỏi về điều này, ông Lục Văn Lương bộc bạch: Vợ chồng tôi đã có 1 con trai và 1 con gái, năm 2017, vợ chồng tôi sinh thêm cháu thứ 3 là con trai. Ngay khi phát hiện vợ có thai, tôi đã chủ động báo cáo chi bộ và nhận rõ trách nhiệm cũng như vi phạm của bản thân. Là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, lại là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã, tôi chấp nhận bị kỷ luật vì vi phạm của mình, lấy đó làm bài học để luôn nhắc nhở bản thân trong công tác.

Cũng ở Bắc Hà, mới đây bà Triệu Thị Ghến, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nậm Đét sử dụng văn bằng không hợp pháp bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Trước đó, cuối năm 2019, đảng viên Triệu Phúc Nhuần, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã Nậm Đét, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Đét cũng bị cách chức do sử dụng văn bằng không hợp pháp.

Ở Đảng bộ huyện Bảo Yên, trong nhiệm kỳ qua có 11 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó 1 đảng viên là Chủ tịch UBND huyện, 4 đảng viên là chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND, chủ tịch MTTQ xã; 2 đảng viên là trưởng phòng; 4 đảng viên là trưởng công an, phó trưởng công an xã. Ở Đảng bộ huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) có 6 đảng viên bị kỷ luật là chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND xã; 2 đảng viên là phó bí thư đảng ủy xã; 2 đảng viên là phó chủ nhiệm, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy xã; 3 hiệu trưởng nhà trường; chưa kể đến nhiều đảng viên vi phạm là cấp phó các phòng, ban của huyện, bí thư chi bộ ở vùng cao.

Qua tìm hiểu của phóng viên, vi phạm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đa số là vi phạm điểm C, khoản 1, điều 28 của Quy định 181 ngày 30/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về “Thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cấp dưới thực hiện sai hoặc quyết định sai”; vi phạm chính sách dân số, vi phạm về tệ nạn xã hội, nếp sống văn minh… Một số trường hợp sử dụng văn bằng không hợp pháp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Đồng chí Giàng Seo Giả, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bắc Hà khóa XXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho biết: Khi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là đảng viên bị kỷ luật sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Trước hết, cá nhân người đứng đầu sẽ mất uy tín, danh dự, niềm tin trước Nhân dân. Tiếp đó, việc nêu gương, tuyên truyền thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cấp dưới sẽ giảm hiệu quả. Chính vì thế, việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị mắc sai phạm cần phải thực hiện công khai, minh bạch, nghiêm minh, phân định rạch ròi giữa công và tội. Cây không thể sống khỏe và xanh tốt nếu có cành sâu, một cơ quan, tổ chức đảng không thể trong sạch, vững mạnh nếu có đảng viên vi phạm.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật đối với 4 đảng viên do cấp tỉnh và tương đương quản lý; huyện ủy, ban thường vụ huyện ủy và tương đương thi hành kỷ luật đối với 74 đảng viên; đảng ủy cơ sở thi hành kỷ luật đối với 229 đảng viên cấp cơ sở quản lý; chi bộ thi hành kỷ luật đối với 308 đảng viên.

Đảng viên bị thi hành kỷ luật là cấp ủy viên các cấp gồm 113 đồng chí (huyện ủy viên và tương đương 13 đồng chí; đảng ủy viên 56 đồng chí; chi ủy viên 44 đồng chí).

Mài “dao sắc” để “chặt cành sâu”

Từ trước đến nay, việc phê bình, kiểm tra, kỷ luật cán bộ, đảng viên luôn được coi là việc khó nói, khó làm. Có lẽ vì không cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị nào muốn bị lộ những sai phạm làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín, thành tích, thi đua. Đó là chưa nói tới để kỷ luật một đảng viên vi phạm gặp nhiều khó khăn do các mối quan hệ trên - dưới, sự nể nang, lợi ích nhóm… chi phối. Làm thế nào để “chặt cành sâu” là câu chuyện được quan tâm.

Ông Trần Mạnh Hùng, khi còn là Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa) cho biết: Để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng thì trước hết từ mỗi chi bộ đảng phải lựa chọn được những đảng viên thực sự gương mẫu và uy tín vào vị trí đứng đầu chi bộ làm nòng cốt; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đẩy mạnh tự phê bình, phê bình, đấu tranh chống biểu hiện suy thoái, tham ô, lãng phí...

Theo đồng chí Dương Đức Huy, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên khóa XXI: Muốn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng. Thông qua kiểm tra, giám sát để đánh giá cán bộ và sử dụng cán bộ tốt hơn. Việc kỷ luật cán bộ, đảng viên là việc “cực chẳng đã”, nhưng có tác dụng giáo dục, chấn chỉnh cán bộ vi phạm, giúp họ nhận ra khuyết điểm và sửa chữa để tiến bộ hơn.

Cũng theo đồng chí Dương Đức Huy, trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng thì mấu chốt nhất vẫn là con người. Một trong những khó khăn hiện nay là đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng còn bất cập về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm làm việc. Mặt khác, chức năng của kiểm tra, giám sát không phải là điều tra, nên đôi khi vẫn bỏ sót vi phạm của cán bộ, đảng viên. Các tổ chức đảng cần chú trọng lựa chọn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát vững về chuyên môn, có tâm, có đức, không quá cứng nhắc nhưng cũng không được giải quyết công việc qua loa, đại khái, cần xử lý mọi việc có tình, có lý. Trước đây, ủy ban kiểm tra các cấp thường chỉ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kiểm tra theo định kỳ, trong thời gian tới cần xây dựng tốt các kênh thông tin từ quần chúng để nắm kịp thời và đi vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc; kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

Kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là phương pháp “chặt cành sâu để cứu cây”, đây cũng là “bài thuốc” để trị bệnh, tăng sức mạnh cho Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, công tác này càng cần phải giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với các giải pháp trên, chúng tôi cho rằng, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, trước hết là người đứng đầu về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Đây chính là những con “dao sắc” để “chặt cành sâu” hiệu quả, làm cho Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo được niềm tin trong Nhân dân.

Bài cuối: “Không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”

Thanh Nam - Tuấn Ngọc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/mai-dao-sac-de-chat-canh-sau-z1n20201004102812934.htm