Mai Đình - Vùng quê năng động ven sông Cầu

Địa hình trung du, xã Mai Đình (Hiệp Hòa) có vị trí khá đặc biệt: 3 phía Đông, Tây, Nam đều tiếp giáp với sông Cầu - bên kia sông là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Phần còn lại giáp với 2 xã Hương Lâm và Châu Minh cùng huyện. Những năm gần đây, Mai Đình được biết đến là vùng quê năng động, bứt phá trong phát triển kinh tế; giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Vùng quê năng động

Là vùng đất cổ ven sông Cầu, diện tích tự nhiên toàn xã hơn 9km², xã có 10 thôn, dân số gần 15 nghìn người; Mai Đình sở hữu nhiều di sản văn hóa đặc sắc, lâu đời như: Đình Đông Trước; hội bơi chải làng Tiếu Mai; tục kết chạ có lịch sử 430 năm giữa thôn Trâu Lỗ với thôn Kim Lũ (Sóc Sơn - Hà Nội). Nơi đây cũng là quê hương của Đình nguyên Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân, Tiến sĩ Đoàn Xuân Lôi - những danh nhân có công với dân, với nước.

Cơ sở sản xuất bún, bánh của anh Nguyễn Ngọc Ký, thôn Nguyễn cung cấp sản phẩm trong và ngoài huyện.

Cơ sở sản xuất bún, bánh của anh Nguyễn Ngọc Ký, thôn Nguyễn cung cấp sản phẩm trong và ngoài huyện.

Ông Đinh Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây, cuộc sống của đa phần người dân trong xã trông vào đồng ruộng. Bà con bươn chải đủ nghề từ mộc dân dụng, buôn bán nhỏ, làm bún bánh, thu mua phế liệu… song thu nhập cũng chỉ đủ ăn, nhiều hộ còn khó khăn. Hệ thống giao thông nông thôn lạc hậu bởi chưa có nguồn lực đầu tư. Vì vậy, khi rà soát các tiêu chí để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), điện, đường, trường, trạm … đụng đâu thiếu đó. Trẻ mầm non, tiểu học vẫn phải học ở các khu lẻ.

Chính sách hỗ trợ các xã thuộc An toàn khu II, nguồn lực hỗ trợ XDNTM; chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ do tỉnh, huyện triển khai đã tạo ra cơ hội mới cho vùng đất ven sông Cầu này. Gần đây, các công trình mới được cải tạo như: Tuyến mương từ thôn Mai Thượng đi thôn San; đường giao thông và kênh mương Cầu Lái thôn Đông Trước; đường giao thông và kênh mương thôn Nguyễn… đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn và các tuyến kênh mương đã được tu sửa, nâng cấp và cứng hóa. Cùng đó là các dự án của Nhà nước nâng cấp, cải tạo mặt đê sông Cầu; nâng cấp và mở mới các tuyến đường tỉnh, đường huyện qua địa bàn đã tăng năng lực kết nối giao thông từ xã đi các xã lân cận và sang tỉnh bạn.

Những năm gần đây, Khu công nghiệp Hòa Phú nằm trên địa bàn xã đi vào hoạt động; cùng đó là các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tạo việc làm cho hơn một nửa số lao động trong độ tuổi của xã (hơn 5 nghìn người) giúp người dân có thu nhập ổn định với mức từ 7 đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê hiện tại trên địa bàn xã có 54 doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký hoạt động. Tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ khá phát triển với các nghề: Mộc (hơn 200 cơ sở tập trung tại các thôn Mai Thượng, Mai Hạ, Đông Trước, Thắng Lợi); 300 hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ về may mặc, xay sát, cơ khí, xây dựng, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp... tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Hữu Bé, Trưởng thôn Nguyễn cho biết, thôn có 300 hộ với đa dạng các ngành, nghề từ làm ruộng, công nhân tại các doanh nghiệp, mở xưởng mộc, làm bún bánh. Hiện thôn có 8 hộ sản xuất bún cung cấp cho người dân trong xã, các xã lân cận và xuất bán sang Bắc Ninh, sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, hướng sẽ thành lập tổ hợp tác hoặc HTX để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững hơn.

 Khu nhà trọ của gia đình ông Lê Tuấn Chiến, thôn Mai Hạ.

Khu nhà trọ của gia đình ông Lê Tuấn Chiến, thôn Mai Hạ.

Công nghiệp về làng, bà con có thêm nghề mới bởi công nhân ở nhiều tỉnh, thành phố về làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Phú làm gia tăng nhanh nhu cầu tiêu dùng, dịch vụ, nhà trọ. Nhiều hộ đã khai thác lợi thế mở cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng và nhiều dịch vụ thiết yếu khác; xây dựng nhà trọ cho thuê. Tại thôn Mai Hạ hiện có khoảng 30 nhà trọ, trong đó 22 nhà trọ đã được cấp phép đủ điều kiện hoạt động với hàng trăm phòng trọ cho thuê. Ông Lê Tuấn Chiến (70 tuổi) ở thôn Mai Hạ cho biết gia đình ông hiện có 200m2 mặt bằng xây nhà trọ. Với 15 phòng trọ được xây dựng khép kín, sạch sẽ trang bị máy lạnh, giường ngủ, bảo đảm điều kiện phòng chống cháy nổ, vệ sinh, an ninh trật tự, đã được công nhân thuê kín, thu nhập mỗi tháng của gia đình ông từ nguồn này gần 20 triệu đồng.

Trong những năm gần đây diện tích đất nông nghiệp giảm dần do thu hồi đất xây dựng Khu công nghiệp Hòa Phú và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mặc dù vậy, để khai thác nguồn lực đất đai, bảo đảm an ninh lương thực, cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích bà con tận dụng diện tích để gieo trồng, chăn nuôi, nhất là ở các thôn còn nhiều đất sản xuất như: Giáp Ngũ, San, Nguyễn, Châu Lỗ. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng liên doanh, liên kết, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2023 đạt 120 triệu đồng/ha/năm.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, xã đã đặt ra mục tiêu xây dựng 3 trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng cơ sở vật chất cho con em học tập. Với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân trong xã trong công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm diện tích xây dựng trường lớp; cả 3 trường học của xã đã đạt chuẩn quốc gia vào năm 2021 (trong đó trường THCS được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2). 100% lớp học được kiên cố hóa. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Xã đã hoàn thành công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 99,6%. Năm 2021 xã Mai Đình được công nhận đạt chuẩn NTM.

Huy động nhiều nguồn lực giảm nghèo

Đi đôi với phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã Mai Đình thường xuyên quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân. Công tác giảm nghèo huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể. Hội Cựu chiến binh xã vận động hội viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; phối hợp với cán bộ chuyên môn hàng năm vận động 100% hội viên mua bảo hiểm y tế cho bản thân và gia đình; xây dựng quỹ đồng đội giúp nhau không tính lãi trị giá 540 triệu đồng. Các chi hội dùng quỹ hội cho các gia đình hội viên vay lãi suất thấp để sản xuất, kinh doanh với hơn 620 triệu đồng.

Hội Nông dân xã phối hợp quản lý hơn 10 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và duy trì quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Cùng đó, 10/10 chi hội thành lập tổ hội nghề nghiệp.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã xây dựng được nguồn quỹ hơn 450 triệu đồng, phối hợp quản lý hơn 10 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH và quỹ TYM giúp hội viên vay vốn làm ăn, xây dựng các mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững. Hội LHPN xã được Hội LHPN tỉnh chứng nhận đạt mô hình dân vận khéo trong vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Mô hình “tiết kiệm xanh” được nhân rộng ra 10/10 chi hội giúp hội viên sinh kế, vốn phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ xã Mai Đình chung tay xây dựng nông thôn mới”, hàng năm Đoàn xã tổ chức lao động giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vận động nguồn lực thăm hỏi, tặng quà hộ nghèo, động viên học sinh vượt khó hiếu học. Hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, xã đang triển khai hỗ trợ xây dựng và phấn đấu hoàn thành 4 nhà để trao cho các hộ trong năm nay.

 Cán bộ xã Mai Đình trao sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện từ nguồn vận động xã hội hóa cho các hộ nghèo trong xã.

Cán bộ xã Mai Đình trao sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện từ nguồn vận động xã hội hóa cho các hộ nghèo trong xã.

Các chính sách giảm nghèo được triển khai tích cực, đồng bộ đã đem lại hiệu quả như: Chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản; cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; cho vay đối với học sinh, sinh viên; vay xây dựng công trình nước sạch - vệ sinh… Đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt 28,6 tỷ đồng, được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Đối với các hộ nghèo không còn khả năng lao động, xã quan tâm rà soát, đề xuất cơ quan chức năng giải quyết hưởng chính sách bảo trợ xã hội; vận động xã hội hóa trao 48 sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 48 trường hợp. Phong trào xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm. Năm 2021, toàn xã có 175 hộ nghèo (5,6%); 134 hộ cận nghèo (4,3%). Năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 50 hộ (chiếm 1,61%); 99 hộ cận nghèo (chiếm 3,18%).

Mỹ Bình

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/mai-dinh-vung-que-nang-dong-ven-song-cau-150832.bbg