Mãi giữ ngọn lửa nghề

Tháng sáu luôn có ý nghĩa đặc biệt với những người làm báo bởi có ngày thành lập Báo chí cách mạng Việt Nam. Nghề báo là một công việc mang tính đặc thù riêng với áp lực cao. Mỗi người đến với nghề đều do cơ duyên, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ cùng có chung niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề báo. Chúng ta hãy cùng đến với những chia sẻ đong đầy cảm xúc của một số phóng viên (PV) báo Lao động Thủ đô.

Nhà báo Vũ Thị Xuân Sinh - Trưởng ban Ban Thời sự - Nội chính:

Đam mê nghề chính là động lực thúc đẩy

Năm 1996, sau khi tốt nghiệp khoa báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi may mắn được về làm việc tại báo Lao động Thủ đô và gắn bó với ngôi nhà thứ hai từ đó tới nay. Dù mới ra trường, vẫn còn rất non nớt trong nghề, song được các anh chị đi trước chỉ bảo và tôi cũng được Ban Biên tập tin tưởng giao theo dõi mảng pháp luật, phụ trách trang Pháp luật - Bạn đọc của Báo. Rất vui song không kém phần lo lắng, nhiều hôm tôi đã mất ăn mất ngủ lo lắng làm sao đảm bảo đủ tin bài chất lượng cho trang của mình.

Tác nghiệp tại đồn Biên phòng Đất Mũi

Tác nghiệp tại đồn Biên phòng Đất Mũi

Tuy nhiên trách nhiệm và đam mê với nghề đã chọn, lăn lộn thực tế, qua từng bài viết, tôi ngày một mở rộng thêm mối quan hệ với cơ quan, đơn vị và đồng nghiệp, để tự tin hơn trong quá trình tác nghiệp của mình và có nhiều bài viết chất lượng.

Còn nhớ thời điểm đó, chỉ với một chiếc xe máy cũ cà tàng, tôi cùng các bạn đồng nghiệp đã vượt qua 60-70 cây số đến với bạn đọc để tìm hiểu đơn thư của họ gửi tới Báo, rồi gặp gỡ các cơ quan chức năng để góp tiếng nói bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bạn đọc.

Vất vả, áp lực, và đôi khi còn rất nguy hiểm, song xác định phải trách nhiệm với công việc, với bạn đọc nên đã chiến thắng chính mình, tiếp tục gắn bó với công việc. Những bài viết góp phần lấy lại được công bằng, quyền lợi cho bạn đọc, được bạn đọc ghi nhận đã giúp tôi thêm bản lĩnh và yêu nghề mỗi ngày.

Có thể nói, đam mê nghề chính là động lực thúc đẩy tôi đến với nghề và nuôi dưỡng tình yêu với nghề theo năm tháng.

Nhà báo Vũ Thị Quế - Trưởng ban Ban Kinh tế:

Nặng lắm một chữ… tình

Đến nay, báo Lao động Thủ đô 31 tuổi thì tôi có 24 năm gắn bó. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày kỷ niệm thành lập, chúng tôi, những thế hệ đầu vẫn xúc động, bồi hồi nhớ về những ngày gian khó mà vui và sâu đậm tình nghĩa anh em, bạn bè đồng nghiệp. Chúng tôi coi Lao động Thủ đô như ngôi nhà thứ hai của mình, dù có đi đâu luôn muốn trở về với tình cảm rất đỗi thương mến.

Nhà báo Vũ Thị Quế (ngoài bìa bên trái) nhận khen thưởng từ Ban Biên tập Báo

Nhà báo Vũ Thị Quế (ngoài bìa bên trái) nhận khen thưởng từ Ban Biên tập Báo

Với suy nghĩ nhiều người, việc không thay đổi cơ quan nào từ khi vào nghề là sự trì trệ, ít trải nghiệm và ngại dấn thân. Nhưng với bản tính trọng tình, chung thủy, ngại thay đổi thì sự lựa chọn của mình là hợp lý và tôi tự hào về điều đó. Nói là hạnh phúc và hài lòng trọn vẹn với sự lựa chọn này thì cũng không hẳn, bởi trong những năm tháng làm nghề, cũng có giây phút, giai đoạn cảm thấy mệt mỏi, có chút hoang mang, bất an, so đo suy tính và cũng có ý định thay đổi. Nhưng sau nhiều suy nghĩ, nhiều quyết định, cuối cùng tôi vẫn chọn ở lại và gắn bó với Lao động Thủ đô bởi đã lỡ yêu. Từ môi trường này đã cho tôi nhiều cơ hội, nhiều bài học quý báu và trên hết, mang đến cho tôi thật nhiều tình cảm, tình chị em, đồng nghiệp và tri kỷ trong cuộc đời mình.

Làm báo ở Thủ đô khắc nghiệt so với các tỉnh bạn là phải cạnh tranh thông tin với hàng trăm, hàng nghìn đầu báo. Vì vậy, để khẳng định mình, mỗi người làm báo phải xả thân, hết mình và chân tình với nghề. Bài học lớn nhất mà cá nhân đúc kết được sau những năm tháng làm báo chính là giữ uy tín nghề trong xã hội, bởi mọi nghề chân chính đều tạo ra giá trị!

Nhà báo Nguyễn Văn Công - Ban Thời sự -Nội chính:

Yếu tố xác thực đặc biệt quan trọng trong thông tin

Tôi gắn bó với nghề báo khá sớm. Trong quá trình theo học tại khoa Phát thanh truyền hình của Học viện báo chí, tôi đã tham gia cộng tác với một số tờ báo. Việc viết bài vừa để thực hành những gì được học vừa giúp tôi có nhuận bút lo cho các việc chi tiêu như: Tiền trọ, tiền ăn, tiền làm bài tập…

Tác nghiệp trong chuyến công tác Trường Sa.

Tác nghiệp trong chuyến công tác Trường Sa.

Sau khi ra trường, tôi may mắn đã được nhận vào làm việc ở một cơ quan báo chí, nhờ vậy có mức thu nhập ổn định hơn. Dần dần, tôi ngày càng cảm thấy yêu nghề hơn. Với tôi, làm báo là công việc để mưu sinh, cũng đúng với chuyên môn được đào tạo ở trường Học viện báo chí.

Khó khăn khi làm nghề là tiếp cận với các nguồn tin. Đặc biệt, khi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ thông tin về lãnh đạo Thành phố. Những năm gần đây có sự biến động, vậy nên luôn phải thích ứng với nhân sự và tình hình mới. Để khắc phục, tôi đã tự cố gắng xây dựng cho mình những mối quan hệ gần gũi và bền vững với các đầu mối kết nối công tác như: Cán bộ văn phòng, anh chị em đồng nghiệp các báo theo mảng thời sự, cán bộ các Sở, ngành, địa phương... Tôi đã có được lịch làm việc của lãnh đạo để bám sát và không để sót sự kiện. Bên cạnh đó, việc không được tiếp cận trực tiếp nguồn tin gây khó khăn cho việc xác minh tính chính xác của thông tin. Trong khi đó, tin thời sự đòi hỏi nhanh và phải chính xác. Tôi luôn lựa chọn yếu tố chính xác lên trên, thông tin được xác thực, bảo đảm tin cậy và bản thân hiểu mới sử dụng để làm tin, bài.

Ngọn lửa nhiệt huyết đã hun đúc nên bao thế hệ người làm báo can trường, ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc. Những PV gắn bó với nghề báo bởi đam mê, tâm huyết và trách nhiệm với bạn đọc. Dẫu năm tháng trôi, các PV của báo Lao động Thủ đô và những người làm báo trên mọi miền Tổ quốc vẫn mãi giữ ngọn lửa nghề chân chính trong tâm.

Thái Bình (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/mai-giu-ngon-lua-nghe-157297.html