Đến nay, nhiều thuyết giải thích vì sao hổ được gọi là Ông Ba Mươi. Thuyết được nhiều người tin nhất căn cứ theo sách Lĩnh Nam Chích Quái. Người Việt xưa thường có tục thờ hổ vào 30 Tết. Cũng có thuyết cho rằng thời vua Gia Long ban lệnh cấm giết hổ, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt 30 trượng; nếu bắt sống hổ được thưởng 30 quan tiền. Vì lệ này, hổ được gọi là Ông Ba Mươi.
Hổ là loài động vật có vú thuộc họ mèo, thường sống trong rừng cổ thụ hoặc đồng cỏ. Hổ thường được gọi với những tên khác như Cọp, Hùm, Kễnh, Khái, Ông Ba Mươi hay Chúa sơn lâm.
Mai Thúc Loan, chưa rõ năm sinh, mất năm 722, quê gốc ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, sau lưu lạc sang sống ở vùng đất Nam Đàn, Nghệ An. Năm ông lên 10 tuổi, mẹ ông bị hổ vồ, Mai Thúc Loan cùng dân làng vào rừng giết hổ dữ báo thù cho mẹ.
Căm phẫn trước ách áp bức bóc lột của nhà Đường, năm 713, Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa ở Nghệ An, chống lại nhà Đường đô hộ. Năm 714, quân Đường bị đuổi về nước, ông lên ngôi vua, sử cũ gọi là Mai Hắc Đế.
Sau khi dựng cờ khởi nghĩa, Mai Thúc Loan cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An (thuộc xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn hiện nay), tích cực rèn tập tướng sĩ. Cuộc nổi dậy của ông nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong nước và có cả sự liên kết với Lâm Ấp và Chân Lạp.
Theo sử sách, năm Giáp Dần (714), Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Thái thú nhà Đường là Quang Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống cự lại được, phải bỏ chạy về nước. Cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan kéo dài trong khoảng 10 năm.
Trong cuộc chiến chống lại quân Đường tấn công, Mai Thúc Loan rút vào rừng ẩn náu. Rừng sâu, nước độc, ông bị bệnh chết. Cuộc khởi nghĩa từ đó bắt đầu suy yếu.
Sau khi Mai Hắc Đế qua đời, con trai ông là Mai Thúc Huy lên thay, xưng là Mai Thiếu Đế, tiếp tục sự nghiệp chống lại nhà Đường nhưng chỉ một năm sau thì Mai Thiếu Đế bị tử trận. Sau đó, người con thứ 3 của Mai Thúc Loan là Mai Kỳ Sơn lên ngôi vua ở An Hải, huyện An Lão, Hải Phòng, tiếp tục lãnh đạo cuộc chiến chống giặc Đường ở miền Bắc. Do có mái tóc bạc bẩm sinh, ông được nhân dân gọi là Bạch Đầu Đế (Hoàng đế đầu bạc). Về sau, ông bị trúng tên độc chết (có nguồn ghi ông tự tử).
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing