Mãi khắc ghi công ơn của cha ông
Tháng 7, tháng tri ân, tháng Đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà các địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7).
Tháng 7, đến các nghĩa trang liệt sĩ sẽ dễ dàng gặp nhiều người thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với những người đã hy sinh vì Tổ quốc; cũng rất dễ bắt gặp những mái đầu bạc trắng gục bên mộ bia nức nở gọi tên chồng, cha, bạn bè, đồng chí, đồng đội đã hy sinh khi tuổi mới mười tám, đôi mươi. Tháng 7 là dịp để nhắc nhở, giáo dục những người trẻ không được phép lãng quên lịch sử, những mất mát, hy sinh của cha ông. Vậy người trẻ hôm nay nghĩ gì về những hy sinh ấy để tiếp tục phát huy truyền thống cha ông?
“Người Việt trẻ phải hiểu về quá khứ của dân tộc, nhớ về sự hy sinh của cha ông để biết trân trọng và nhận thức được trách nhiệm trong việc góp công, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân tộc nào cũng vậy, cuộc sống hôm nay cũng chính là sự tiếp nối từ quá khứ và giá trị của lịch sử sẽ vẫn mãi trường tồn” - đoàn viên Nguyễn Văn Hùng (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bày tỏ.
Bạn trẻ Huỳnh Thanh Phong (thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, có thời gian gần 1 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. Cũng như nhiều đoàn viên, thanh niên khác, vừa qua, Phong chủ động đăng ký tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự và trúng tuyển. Ngày lên đường tòng quân, Phong tâm sự, bảo vệ đất nước là vinh dự của mỗi thanh niên, nhất là tuổi trẻ thì càng phải cống hiến. Đó cũng là phát huy truyền thống lịch sử của cha ông và thể hiện trách nhiệm đối với những lớp người đã ngã xuống, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Phong nhấn mạnh, nhắc nhớ về lịch sử không phải là để khơi lại nỗi đau hay gây thù hận mà là để giáo dục những người đang sống, thế hệ mai sau không được phép lãng quên lịch sử và đóng góp lớn lao của những thế hệ trước. Để từ đó, những người trẻ phải tiếp tục phát huy lòng yêu nước và biết trân quý những giá trị hòa bình, độc lập, tự do. Vì vậy, Phong cũng rất buồn khi có một số người trẻ xa rời lý tưởng cách mạng, sống buông thả, sa vào tệ nạn xã hội và tham gia vào các việc làm vi phạm pháp luật,...
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao nhưng nỗi đau và dư âm của chiến tranh khốc liệt vẫn còn đó. Vết thương bom đạn còn nằm lại trên thân thể nhiều cựu chiến binh. Những nghĩa trang liệt sĩ nằm trải dài từ Bắc vào Nam... Những nhân chứng sống, hình ảnh mất mát đó chính là biểu tượng cho lòng quả cảm của một dân tộc, lớp người sống không cúi đầu trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Những dư âm ấy cũng nhắn gửi đến những người trẻ phải có trách nhiệm để xây dựng cơ quan, đơn vị, quê hương, Tổ quốc.
Là thế hệ kế tiếp, những người trẻ phải nhận thức rõ giá trị cuộc sống hôm nay có được là từ những hy sinh vô giá của lớp lớp cha ông đi trước. Chính từ suy nghĩ đó, chàng trai trẻ Biện Văn Cường (công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) bày tỏ, là một người trẻ được sống trong hòa bình nên anh luôn trân trọng và biết ơn những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông trong cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống cha ông, những năm qua, Cường luôn cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống, công việc và giúp đỡ đồng chí, đồng đội. “Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay là phải ra sức gìn giữ, bảo vệ những thành quả cách mạng; phải sống, học tập, làm việc đầy trách nhiệm. "Bản thân tôi vẫn ngày ngày nỗ lực học tập, nâng cao trình độ và tìm tòi, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công việc” - Cường tâm sự.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn - Lê Xuân Thịnh cho biết: "Vào những ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt vào tháng 7, dịp tết, các cấp bộ Đoàn tổ chức nhiều hoạt động tình nghĩa như thăm hỏi, tặng quà các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng; thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ,... Truyền thống Đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn ấy được đoàn viên, thanh niên trong tỉnh xây dựng, gìn giữ, phát huy. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh luôn xác định công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, lòng yêu nước cho đoàn viên, thanh niên là một nhiệm vụ trọng tâm. Mặt khác, các cấp bộ Đoàn đã triển khai, thực hiện nhiều hoạt động, chương trình, phong trào để kêu gọi đoàn viên, thanh niên phát huy truyền thống cách mạng, xung kích trên các lĩnh vực. Qua đó, góp phần lan tỏa các phong trào thi đua trong đoàn viên, thanh niên và khơi lên khát vọng cống hiến, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Những người trẻ khi đã thấm nhuần, nhận thức đúng đắn về truyền thống dân tộc thì sẽ "miễn nhiễm" với âm mưu, thủ đoạn vu khống, xuyên tạc của thế lực thù địch"./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mai-khac-ghi-cong-on-cua-cha-ong-a138721.html