Mãi mãi đi theo con đường Bác Hồ đã chọn
Cách đây tròn 110 năm, ngày 5.6.1911, từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) với tên gọi Văn Ba, Bác Hồ kính yêu đã ra đi tìm đường cứu nước.
Đây là sự kiện quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người, đồng thời cũng là bước ngoặt lịch sử thay đổi về chất và từ đó mở ra con đường mới của cách mạng Việt Nam.
Sinh ra trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, dân tộc thuộc địa, đồng bào chịu áp bức nô lệ, lầm than; xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, trên quê hương truyền thống cách mạng kiên cường đã hun đúc lên nhân cách, tư tưởng, hoài bão và khát vọng cháy bỏng là giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam luôn khắc sâu trong người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Trải qua nhiều năm tháng dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận), Người đã chứng kiến cảnh bị áp bức bất công của người dân mất nước. Tuy bị lực lượng phản động ngày đêm theo dõi, kiểm soát, nhưng vượt qua tất cả, người thanh niên Nguyễn Tất Thành vẫn không hề nao núng ý chí sắt đá phải ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc.
Sau 10 năm ra nước ngoài hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận bản Luận cương sơ thảo Vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin như qua màn đêm tối bắt gặp ánh sáng mặt trời. Người khẳng định cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Như vậy, từ một thanh niên yêu nước mang khát vọng giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Việt Nam khi Người tán thành Quốc tế Cộng sản III do Lênin sáng lập với sự kiện khi dự Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp vào tháng 12.1920 và là một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp với tham luận nổi tiếng: Quốc tế II hay Quốc tế III, nếu quốc tế nào ủng hộ các dân tộc thuộc địa giành độc lập thì tôi tán thành Quốc tế ấy. Ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc phải xây dựng một chính Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân theo học thuyết của Lênin, Người đã từng bước vận dụng kiến thức đã lĩnh hội được từ Cách mạng Tháng Mười Nga và kinh nghiệm thực tiễn. Trở về Quảng Châu (Trung Quốc), nơi giáp biên giới Việt Nam, Người trực tiếp tuyển chọn những thanh niên ưu tú đang khát khao cách mạng giải phóng dân tộc, rồi thành lập Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam và đến mùa xuân năm 1930 Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam sang một trang sử mới: thống nhất về tư tưởng và hành động, từ cương lĩnh đến tổ chức dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ thiên tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, khi nhận thấy thời cơ cách mạng có nhiều chuyển biến mới, mùa xuân 1941, Người trở về Pắc Bó (Cao Bằng) trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5.1941, Người chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng thông qua quyết định chuyển hướng chiến lược quan trọng, mang tính lịch sử, đó là nhiệm vụ cấp thiết hàng đầu giải phóng dân tộc. Người đã đề ra sáng kiến thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp đông đảo người Việt Nam yêu nước. Chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Người trực tiếp chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22.12.1944), tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Khi thấy thời cơ chín muồi, tin phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, thời gian khởi nghĩa chỉ chưa đầy 1 tháng song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2.9.1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Từ đây cách mạng Việt Nam mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Sự kiện Cách mạng Tháng Tám thành công, Việt Nam tuyên bố độc lập là một minh chứng hùng hồn nhất cho tư duy độc lập sáng tạo, bản lĩnh kiên cường, tình yêu dân tộc vô bờ bến trong con người Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa Việt Nam sánh vai với các nước trên thế giới.
Ôn lại sự kiện 110 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước là thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người. Và để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên nâng cao nhận thức sâu sắc hơn nữa về thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Người, học tập đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, học Bác phương pháp tư duy khoa học, sáng tạo, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn, hy sinh cả cuộc đời vì nước, vì dân.
Kỷ niệm 110 năm hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong không khí phấn khởi chào mừng thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp vừa diễn ra vào dịp sinh nhật Bác, chúng ta nguyện chung sức, đồng lòng, ghi tâm khắc cốt lời Bác dạy; quyết tâm và mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/mai-mai-di-theo-con-duong-bac-ho-da-chon-169311