Mãi mãi kính yêu Fidel Castro

Tôi có một may mắn trong đời là, có lẽ là người Việt Nam có cơ hội gặp gỡ Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhiều nhất, như một phiên dịch và một cán bộ ngoại giao, trong suốt 40 năm, từ khi còn là một lưu học sinh ở Cuba tới sau này làm việc trong ngành ngoại giao.

Tác giả và Chủ tịch Fidel Castro.

Tác giả và Chủ tịch Fidel Castro.

Nhờ thế mà tôi đã quen biết ông, hiểu ông, mãi mãi kính yêu và biết ơn ông, như vị Lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba; như Người bạn lớn thực sự chí nghĩa, chí tình của Việt Nam; như Người chiến sĩ quốc tế thật trong sáng, hào sảng; như một vĩ nhân kiệt xuất trên thế giới; như một Nhà lãnh đạo thật gần gũi, giản dị, nhân hậu, quần chúng và vì những gì tôi đã nhận được từ ông.

Người bạn chí nghĩa, chí tình

Lần đầu tiên tôi được gặp và dịch cho ông Fidel là dịp ông đến dự chiêu đãi Quốc khánh ngày 2/9/1965 của Đại sứ quán nước ta tại La Habana. Khi ấy tôi còn là sinh viên Khoa Văn học - Nghệ thuật, trường Đại học La Habana. Bởi vậy, tôi thật sự hồi hộp và lo lắng khi được Đại sứ giao nhiệm vụ.

Đứng bên cạnh Đại sứ đón khách, nhìn thấy vị Lãnh tụ tối cao của Cách mạng Cuba, trong bộ quân phục quen thuộc, rảo bước tiến vào, tim tôi đập dồn dập… Tôi cố trấn tĩnh! Chủ tịch Fidel bắt tay, ôm hôn Đại sứ rồi bắt tay tôi và tất cả cán bộ ngoại giao ta. Hơi ấm từ bàn tay ông nắm chặt bàn tay tôi, cử chỉ thân mật của ông với Đại sứ, cũng như khi đáp lại sự chào đón nồng nhiệt của khách có mặt, đã giúp tôi trấn tĩnh phần nào.

Rồi tôi ngồi dịch cho ông và Đại sứ. Ánh mắt long lanh, chăm chú, trìu mến, giọng nói nồng ấm, cử chỉ thân tình của ông Fidel làm cho tôi cảm thấy thoải mái, tự tin.

Ấn tượng của tôi về Chủ tịch Fidel trong cuộc gặp gỡ và được dịch cho ông lần đầu tiên ấy, là sự quan tâm thật sâu sắc, tình cảm thật nồng hậu, sự ủng hộ hết lòng và niềm tin của ông đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta cũng như sự gần gũi, giản dị, thân tình ấy của ông đã giúp tôi bình tĩnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Gần sáu năm ở Cuba, tôi đã có rất nhiều lần nữa được gặp, dịch cho ông Fidel, trong các cuộc ông tiếp, gặp gỡ Đại sứ, các đoàn đại biểu nước ta sang thăm Cuba. Tôi cảm thấy trở nên thật sự quen biết đối với ông và được ông quý mến. Các thầy, cô giáo Cuba đều đặt cho mỗi người trong đoàn lưu học sinh chúng tôi một tên Cuba. Các thầy cô gọi tôi là Rafael. Một lần Fidel hỏi tên tôi, và từ đó, ông đều gọi tôi bằng Rafa theo cách gọi thân mật bản địa.

Cuối năm 1965, tôi được Đại sứ quán cử đi dịch cho đoàn đại biểu nước ta, do Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Danh Tuyên dẫn đầu, sang dự Kỷ niệm lần thứ VII Cách mạng Cuba thành công và tham dự Hội nghị lần thứ nhất Đoàn kết châu Á, Phi, Mỹ Latinh do Cuba đứng ra tổ chức. Một cuộc mít tinh trọng thể gần một triệu người tham dự đã diễn ra tại Quảng trường Cách mạng José Martí, ở thủ đô La Habana, ngày 2/1/1966, vừa để kỷ niệm ngày Cách mạng thành công vừa để chào mừng các đoàn đại biểu tới tham dự sự kiện đánh dấu sự ra đời của Tổ chức đoàn kết ba châu. Trưởng đoàn đại biểu nước ta được bố trí ngồi ở chính giữa hàng đầu tiên trong các hàng ghế danh dự trên lễ đài, ngay phía sau bục diễn giả. Nhìn quảng trường đầy ắp biển người trước mặt, tôi xúc động thấy có những lá cờ đỏ sao vàng và cờ sao vàng trên nền nửa xanh, nửa đỏ, chân dung Hồ Chí Minh, khẩu hiệu “Viva Việt Nam!”, “Cuba y Viet Nam unidos vencerán!” (Việt Nam muôn năm!, Cuba và Việt Nam đoàn kết nhất định thắng!).

Tháng 7/1967, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu, sang thăm và tham dự kỷ niệm lần thứ XIV cuộc tấn công vào pháo đài Moncada. (Trong ảnh: Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Chủ tịch Fidel và tác giả)

Tháng 7/1967, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu, sang thăm và tham dự kỷ niệm lần thứ XIV cuộc tấn công vào pháo đài Moncada. (Trong ảnh: Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Chủ tịch Fidel và tác giả)

Sẵn sàng hiến dâng cả máu

Phát biểu tại mít tinh, khi đề cập tình hình đàm phán Nghị định thư về quan hệ thương mại với Trung Quốc cho năm 1966, Chủ tịch Fidel đã nói rõ các lý do phía Trung Quốc nêu ra, trong đó có “vì phải viện trợ cho Việt Nam” để giảm mạnh lượng gạo bán cho Cuba, rồi dõng dạc tuyên bố: “Nhưng khi nêu lên vấn đề này, chúng ta không yêu cầu phía Trung Quốc sửa đổi. Chúng ta chấp nhận các lý do về kinh tế và các lý do về chiến lược họ đã đưa ra. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể phản đối điều này, lại càng không thể khi nhắc đến tên Việt Nam. Bởi lẽ, vì nhân dân Việt Nam, chúng ta sẵn sàng hiến dâng không chỉ đường mà còn cả máu của mình, là thứ còn quý giá hơn rất nhiều so với đường”.

Tháng 7/1967, tôi đi dịch cho Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu, sang thăm và tham dự kỷ niệm lần thứ XIV cuộc tấn công vào pháo đài Moncada.

Sau khi tham dự Lễ kỷ niệm, sáng ngày 27/7, tôi đang ngồi chờ cùng Phó Thủ tướng và Đại sứ nước ta tại Nhà khách Chính phủ, để đi thăm một trung tâm chăn nuôi bò theo thông báo của lễ tân bạn, thì nghe thấy tiếng xe ô tô đến.

Tôi nhìn ra, ngạc nhiên thấy Chủ tịch Fidel rảo bước tiến vào. Ông bắt tay, ông hôn nồng nhiệt Phó Thủ tướng, Đại sứ và mấy anh em chúng tôi đi tháp tùng, rồi dẫn ông Nghị đi ra chiếc xe Jeep mui trần. Chủ tịch Fidel mời Phó Thủ tướng lên ghế trước bên phải, rồi nhanh nhẹn lên ngồi vào ghế người lái, vừa lái xe tới trung tâm, vừa nói chuyện.

Ông nói: “Chúng ta đi thăm một trung tâm chăn nuôi bò”, rồi giới thiệu đây là một trung tâm nuôi bò trọng điểm, giống Hà Lan cao sản, ở La Habana, do chính người anh trai Ramón Castro làm Giám đốc.

Đến trung tâm, Fidel trực tiếp dẫn Phó Thủ tướng đi thăm lần lượt các trại, cơ sở kỹ thuật, dắt từng con bò điển hình ra thuyết trình cụ thể về đặc điểm, kỹ thuật chăm sóc, năng suất sữa thịt… so sánh với các giống khác.

Kết thúc hành trình thăm, khảo sát thực tế, ông mời Phó Thủ tướng, Đại sứ cùng đoàn dùng cơm trưa thân mật với người anh trai và lãnh đạo trung tâm. Trong bữa ăn, ông Fidel lại nói chuyện về chủ đề chăn nuôi. Ông nhấn mạnh yếu tố quyết định năng suất là con giống.

Tôi thật sự ngạc nhiên và ấn tượng trước sự hiểu biết uyên thâm của Fidel về lĩnh vực cụ thể này trong nông nghiệp. Song, ấn tượng sâu sắc nhất, làm cho tôi vô cùng xúc động là tấm lòng đặc biệt nồng hậu của Chủ tịch Fidel đối với Việt Nam. Chủ tịch Fidel nói với Phó Thủ tướng trong lúc ăn trưa là sau ngày thắng lợi, Việt Nam phải phát triển chăn nuôi bò, gà để có thịt, nhất là sữa và trứng cho nhân dân. Sữa và trứng là thực phẩm rất bổ dưỡng, đặc biệt cần thiết cho trẻ em và người cao tuổi.

Vậy là, trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra ác liệt, vị Lãnh tụ tối cao của Cách mạng Cuba đã có niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của Việt Nam và đã suy nghĩ thế nào để sau ngày thắng lợi có thể giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước một cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất và phù hợp với khả năng của Cuba. Và đặc biệt ông luôn nghĩ trước hết đến nhân dân ta, đến trẻ em và người cao tuổi!

Đúng sáu năm sau, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên tháng 9/1973, Chủ tịch Fidel đã tặng nhân dân ta năm công trình vô cùng quý giá, cơ bản, thiết thực, giúp nhân dân ra xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề và góp phần chuẩn bị cho cuộc chiến đấu cuối cùng giành toàn thắng.

Trong năm công trình đó có các cơ sở nền tảng để phát triển chăn nuôi bò và gà, thực hiện điều ông đã nghiền ngẫm, ấp ủ từ những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy.

Còn riêng với tôi thì Chủ tịch Fidel có một cử chỉ thật đặc biệt. Tôi được bố trí ngồi cùng ăn bên cạnh Phó Thủ tướng, nhưng chỉ tập trung dịch. Đang say sưa câu chuyện, đột nhiên Fidel nói với Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị: “Chúng ta tạm dừng cho Rafa nó ăn một chút”.

Tôi dịch cho Phó Thủ tướng lời Fidel mà thấy tim đập dồn dập! Cử chỉ quan tâm, chu đáo, nhân hậu ấy của Fidel đối với cá nhân tôi, làm sao tôi có thể quên được!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mai-mai-kinh-yeu-fidel-castro-130458.html