Mãi mãi là nghề cao quý
Sức khỏe là vốn quý nhất của con người; chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là công việc cực kỳ quan trọng, được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Dẫu có những vấp váp, mất mát của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế thời gian qua, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, đến những người khoác áo bluse, song không thể làm mất đi sự cao quý của nghề 'Lương y phải như từ mẫu'.
Nghề của sự hy sinh thầm lặng
Tôi có người thân không may bị bạo bệnh, bao đêm ròng nằm trên giường bệnh, vật vã với những cơn đau khủng khiếp. Gia đình và người thân thay nhau chăm sóc còn mệt mỏi. Tiếng kêu rên của người bệnh, tiếng thổn thức của người nhà bệnh nhân xen lẫn tiếng máy đếm nhịp tim… thật trĩu nặng. Vậy mà, các y, bác sĩ gần như không ngủ, thường xuyên theo dõi người bệnh; nhiều khi phải đưa ra những quyết định táo bạo để giành lại mạng sống cho bệnh nhân.
Thật lòng, nếu không làm việc trong ngành Y tế, khó có thể hiểu được những vất vả, hy sinh của các y, bác sĩ công tác ở lĩnh vực điều trị hay khối dự phòng, tại các bệnh viện hoặc các trạm y tế. Thực tế cho thấy, phải mất nhiều năm rèn luyện trong môi trường y khoa với cường độ cao, mới có thể đáp ứng được việc khám, chẩn đoán và điều trị. Do đó, không có chỗ cho những người thiếu kiến thức, thiếu đạo đức, trách nhiệm hay thiếu tấm lòng bao dung.
Bác sỹ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, chia sẻ: Ngay từ những ngày trên giảng đường đại học, chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều, vừa học vừa đi thực tế tại các bệnh viện để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm cứu chữa bệnh nhân. Tốt nghiệp đại học, đi làm, nhưng chúng tôi lại tiếp tục theo học các lớp chuyên khoa, chuyên sâu, nâng cao trình độ chuyên môn, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.
Diễn biến dịch Covid-19 vừa qua càng thấu hơn nỗi vất vả của các y bác sĩ khối y tế dự phòng và khối điều trị. Hình ảnh những thầy thuốc ở các khu điều trị bệnh nhân F0 dốc hết lực giúp đỡ người bệnh chiến thắng bệnh tật; lực lượng cán bộ y tế tăng cường cho tuyến đầu chống dịch có nguy cơ nhiễm bệnh cao, càng thêm trân quý những người khoác áo bluse.
Ai cũng biết nghề “trị bệnh cứu người” thật khó. Khó bởi trăm người trăm bệnh, mỗi bệnh đòi hỏi phương pháp điều trị riêng và phù hợp với thể trạng sức khỏe của từng người bệnh; thậm chí cùng một bệnh, nhưng phương pháp điều trị cũng không giống nhau. Dù rằng thường xuyên tiếp xúc với các loại dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng không làm giảm sự tận tâm của đội ngũ thầy thuốc trong việc giành lại sự sống cho bệnh nhân từ “tử thần” và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bác sĩ Mè Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh, tâm sự: Chúng tôi làm việc không theo giờ hành chính, mà bất cứ lúc nào, kể cả là đêm, hay ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết, có bệnh nhân là đều khẩn trương cấp cứu, bởi chỉ cần nhanh vài giây cũng có thể giành lại sự sống cho người bệnh, hoặc ngược lại.
Nghề với bao thăng trầm, ở đó có những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán đúng bệnh để có phác đồ điều trị hiệu quả. Và cũng có những nỗi buồn khi đã hết sức nỗ lực mà người bệnh vẫn không qua khỏi, còn có trường hợp phải chịu những phản ứng tiêu cực, không đáng có từ người nhà bệnh nhân...
Cũng thật buồn, khi hầu hết các y, bác sỹ đang hết mình vì người bệnh, lại có những cán bộ trong ngành không vượt qua được sự cám rỗ của vật chất, dẫn đến sai phạm trong quá trình thực hiện các gói thầu mua sắm trang bị y tế, gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước và quyền lợi của bệnh nhân. Thật đau sót, 2 trường hợp là lãnh đạo Sở Y tế và một số cán bộ khác đã bị truy tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị khai trừ ra khỏi Đảng và một số cán bộ phải xử lý kỷ luật...
Song, đó chỉ là những trường hợp hy hữu. Đội ngũ thầy thuốc Sơn La vẫn luôn nêu cao trách nhiệm trong nghề "trị bệnh cứu người", vượt lên những khó khăn, vất vả, những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Lương tâm và trách nhiệm
Chia sẻ về nghề, bác sĩ Mè Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh, tâm sự: Khoa là tuyến cuối của tỉnh điều trị các bệnh nặng, nên chúng tôi thường xuyên nghiên cứu để nâng cao kỹ năng xử trí những tình huống phát sinh khi cấp cứu bệnh nhân. Là phụ nữ, tôi phải bố trí công việc thật hài hòa, khoa học để vẫn làm tốt vai trò của người thầy thuốc và làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình. Song, nhiều khi vì cấp cứu bệnh nhân, công việc gia đình đành nhờ người thân hỗ trợ.
Cũng nói về nghề, bác sỹ Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, chia sẻ: Với đặc thù riêng của ngành, chúng tôi thường xuyên tham gia trực cấp cứu, rất nhiều lần thức thâu đêm để cấp cứu bệnh nhân, ngày hôm sau vẫn tiếp tục cấp cứu bệnh nhân. Công việc cứ xoay vần như vậy quanh năm, nên có ít thời gian dành cho gia đình. Nhất là các nữ bác sĩ có con nhỏ, ông bà ở xa, chồng đi công tác, đành mang theo con trực đêm tại bệnh viện. Dẫu có khó khăn, nhưng đội ngũ thầy thuốc trong bệnh viện vẫn luôn tận tâm làm tròn nhiệm vụ “trị bệnh cứu người”; tích cực nghiên cứu khoa học để áp dụng trong cứu chữa người bệnh. Các bác sĩ đã thực hiện được nhiều kỹ thuật y học mà trước đây chỉ bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương mớ thực hiện, như: Phẫu thuật sọ não cấp cứu; mổ thay khớp háng nhân tạo; mổ tái tạo dây chằng khớp gối; mổ nội soi tuyến giáp…
Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Phù Yên, cùng với đồng nghiệp từ các huyện, thành phố về hỗ trợ, đội ngũ thầy thuốc trong huyện đã không quản nguy hiểm, hàng ngày, trực tiếp chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân F0 tại khu điều trị bệnh nhân F0 của huyện. Bác sĩ Lò Văn Hưng, Bệnh viện Đa khoa Phù Yên, tâm sự: Tôi được phân công nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khu điều trị bệnh nhân F0 của huyện. Mặc dù nguy cơ lây nhiễm bệnh ở mức cao, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng tôi đã vượt lên tất cả những hiểm nguy đó, toàn tâm, toàn lực cứu chữa bệnh nhân F0. Vài tháng không về thăm nhà, cường độ làm việc cao; có đồng nghiệp nhiễm bệnh trong thời gian thực hiện nhiệm vụ... nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng để giành lại sức khỏe, sự sống cho người bệnh.
Hiện nay, ngành Y tế tỉnh có 3 đơn vị quản lý về y tế; 16 đơn vị y tế dự phòng; 19 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện; 204 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 1 Bệnh viện đa khoa tư nhân, và Trường cao đẳng y tế. Với tổng số 5.101 cán bộ, nhân viên, trong đó trên 2.000 người có trình độ đại học và sau đại học, còn lại là cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Thật khó nói hết được cái khó của nghề cũng như sự vất vả, nguy hiểm của những người khoác áo bluse trong việc “trị bệnh cứu người” - Công việc của họ liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, cho nên luôn đòi hỏi họ thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời kỳ mới.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, phấn khởi: Nhiều kỹ thuật y học trước đây ngành Y tế Sơn La chưa thực hiện được phải chuyển bệnh nhân về tuyến Trung ương, đến nay đã áp dụng thành công nhiều kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới, như: Phác đồ truyền hóa chất nội bàng quang; nạo vét hạch cổ triệt căn trong ung thư đầu mặt; nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng ống mềm có sinh thiết; tán sỏi nội soi qua da bằng đường hầm mỏ; phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng, cắt sụn chêm; chụp X-quang số hóa, điều trị tiêu sợi huyết… Nhờ vậy, hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến trên, giúp người dân được tiếp cận với các tiến bộ y học tại địa phương.
Chia sẻ về việc nghiên cứu, áp dụng tiến bộ y học trong cứu chữa bệnh nhân, bác sỹ Nguyễn Công Bằng, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh, tâm sự: Hơn 20 năm trong nghề, tôi đã nghiên cứu nhiều đề tài khoa học và đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế điều trị cho người bệnh. Trong đó, giải pháp “Nghiên cứu áp dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị viêm phúc mạc ruột thừa” được áp dụng hiệu quả tại Bệnh viện và chuyển giao tại các đơn vị y tế tuyến huyện. Giải pháp này đã đoạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 6 năm 2018 và Giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 năm 2019. Từ năm 2020-2022, tôi đều cùng các đồng nghiệp trong Khoa nghiên cứu nhiều đề tài khoa học để áp dụng vào thực tế cứu chữa bệnh nhân. Trong đó, có đề tài: “Nghiên cứu, áp dụng phẫu thuật nội soi đặt lưới trong điều trị thoát vị bẹn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh”; “Nghiên cứu áp dụng phẫu thuật nội soi 1 lỗ trong điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em”. Đề tài này đã được giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7 năm 2020. Nhưng với tôi, giành lại sức khỏe cho nhiều bệnh nhân mới là phần thưởng lớn nhất.
Bà Nguyễn Thị Ven, tổ 8, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, vừa được xuất viện cách đây 7 ngày, kể: Năm nay tôi gần 80 tuổi, do mắc bệnh tiểu đường, tôi ăn uống kiêng khem không đúng cách trong nhiều ngày, dẫn đến bị tụt huyết áp sâu, hôn mê và không còn khả năng nhận biết. Được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh và được các y, bác sĩ cấp cứu kịp thời. Ngày hôm đó, nếu không được các bác sĩ xử trí kịp thời, tôi có thể đã tử vong. Trong thời gian điều trị, hàng ngày, tôi được các y, bác sĩ đến thăm khám, điều trị, hướng dẫn ăn, uống khoa học, đủ chất và phòng tránh các bệnh mà tuổi già thường mắc. Sau 10 ngày điều trị, tôi hồi phục sức khỏe và được xuất viện. Tôi rất cảm ơn các y, bác sĩ đã tận tâm giúp tôi phục hồi sức khỏe.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông từng nói: “Đạo làm thầy thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người, phải lo cái lo của con người, vui cái vui của con người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi kể công”. Vượt qua khó khăn, đội ngũ thầy thuốc trong tỉnh đang nỗ lực chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân. Khi họ đã chọn nghề, nghĩa là họ đã “hiến mình” cho sự nghiệp, đề cao y đức và không có gì lay chuyển được trách nhiệm của người thầy thuốc trong việc bảo vệ sức khỏe của hơn triệu con người trên vùng đất Sơn La. Họ luôn phấn đấu xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mai-mai-la-nghe-cao-quy-51504