Mai một nhà sàn truyền thống của người Thái
Không ít nơi, trong các bản của đồng bào chỉ còn lác đác vài căn nhà sàn và tương lai không xa các ngôi nhà sàn này sẽ biến mất nhường chỗ cho nhà xây.
Với đồng bào Thái Sơn La, ngôi nhà sàn chứa đựng nét văn hóa tín ngưỡng dân tộc, được hun đúc từ bao đời nay. Trước đây, ở các bản làng người Thái bà con đều sinh sống trong các ngôi nhà sàn truyền thống. Nhưng bây giờ ở không ít nơi, trong các bản của đồng bào chỉ còn lác đác vài căn nhà sàn và tương lai không xa các ngôi nhà sàn này sẽ biến mất nhường chỗ cho nhà xây.
Bà Lù Thị Hương ở bản Bó năm nay đã ngoài 70 tuổi. Tuy con cháu bà đã xây xong nhà được mấy năm nay, nhưng vì bà vẫn ở trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, do bà đã quá quen ở nhà sàn rồi, bây giờ chuyển về ở nhà xây thấy lạ. Cùng với lý do đó còn nhiều thói quen sinh hoạt khác đã ăn sâu trong tâm trí của bà, như quen có bếp (Chi phay) trong nhà tiện lợi cho việc đi lại nấu nướng, có gác bếp (xá) để đồ khô. Ngoài bếp ra, trong ngôi nhà sàn quan trọng là gian thờ tổ tiên (Cọ lọ hóng) của đồng bào. Gian thờ tổ tiên bao giờ cũng là gian cuối của ngôi nhà ngay cạnh buồng ngủ của gia chủ. Bên gian ngoài cùng còn để (Nếp tạy, nếp hò) treo giỏ đan cho trẻ khi sinh ra có ý báo với tổ tiên là gia đình có thêm thành viên mới. Trong ngôi nhà sàn thường có cột trụ bà con gọi là (Sàu hẹ) thường treo cung, tên, nỏ và vỏ con rùa trên nóc cột để trừ tà ma.
Bà Lù Thị Hương cho biết: "Ở nhà sàn thoáng mát hơn, các con tôi cũng muốn tôi về ở cùng. Nhưng quen ở nhà sàn có bếp ngay giữa nhà, quen ăn, ở, sinh hoạt ở nhà sàn rồi. Xã hội bây giờ có điều kiện ai cũng làm nhà xây hết, còn có mấy cái nhà sàn thôi, nhà sàn từ thời ông cha mình để lại".
Gia đình ông Lường Văn Đích, cùng ở bản Bó cũng đã dỡ nhà sàn cũ đi và xây lên một căn nhà cấp 4. Theo ông Đích, nhà xây bền chắc hơn so với nhà sàn, nguyên vật liệu có sẵn ngoài thị trường, nhà sàn thì thời gian sử dụng không được lâu bền, nhanh hỏng hóc, gỗ làm nhà khó tìm kiếm. Mặc dù ở trong ngôi nhà xây vững chắc, nhưng trong thâm tâm ông Đích vẫn nhớ nhà sàn vì không chỉ thoáng mát mà mọi thói quen sinh hoạt trong gia đình đều diễn ra trong ngôi nhà sàn. Nay về ở nhà xây, mọi sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của gia đình đều phải sắp xếp khác đi.
Ông Đích nói: "Nhà sàn làm lâu rồi, hỏng hóc, cũ kỹ, phải làm nhà mới. Nhưng vào rừng bây giờ không còn gỗ nữa, phải làm nhà xây. Thực sự buồn vì từ thủa cha ông ta đã quen ở nhà sàn rồi. Bây giờ ở bản này nhà sàn còn ít lắm, không giữ được bản sắc văn hóa của ông cha để lại. Nếu có gỗ thì cũng muốn làm nhà sàn, ở nhà sàn thoáng mát hơn, đây cũng là điều trăn trở của nhiều người".
Bản Bó có 300 hộ, nhưng giờ chỉ còn lác đác mấy ngôi nhà sàn. Thay vào đó là ngày càng nhiều nhà xây mọc lên. Đây cũng là thực trạng chung ở không ít bản làng người Thái ở thị trấn các huyện, hay thành phố Sơn La hiện nay. Thậm chí có bản chỉ còn một ngôi nhà sàn là nhà văn hóa của bản.
Ông Cà Văn Chung, người am hiểu về văn hóa Thái ở thành phố Sơn La cho biết, nhà sàn bị mai một dần, đó cũng quy luật tất yếu của sự phát triển. Khi nhà sàn mất đi thì mọi sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của bà con cũng phải thay đổi sao cho phù hợp.
"Hiện nay, nhà sàn đang mất dần theo năm tháng vì không có gỗ làm, nhà sàn tuổi thọ không được lâu bền, nên bà con chuyển sang làm nhà xây. Nhà sàn mất đi thì phong tục tập quán, sinh hoạt cũng sẽ mất dần như: sàn ngoài thường để trai, gái tâm sự, sàn bên trong ( quản ) là nơi để đàn ông đan lát sẽ không còn. Góc thờ tổ tiên (Cọ lọ hóng), góc thờ bà mụ (hỏng một) cũng mất đi. Làm nhà xây bà con cũng thiết kế xây dựng cho phù hợp nhưng không thể được như nhà sàn. Những người muốn nghiên cứu về nhà sàn văn hóa Thái cũng không cơ sở để nghiên cứu", ông Chung chia sẻ.
Ngôi nhà sàn của đồng bào Thái chứa đựng nhiều ý nghĩa là vậy, làm thế nào để lưu giữ và bảo tồn những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc? Câu trả lời có lẽ phải giành cho các cấp chính quyền và mỗi gia đình người Thái ở đây./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/mai-mot-nha-san-truyen-thong-cua-nguoi-thai-959324.vov