Mai Sơn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 25/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công tác quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng tới xây dựng các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Mai Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Mô hình trồng cà chua Beef trong nhà màng của HTX Đại Phát, bản Nhạp, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Mô hình trồng cà chua Beef trong nhà màng của HTX Đại Phát, bản Nhạp, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Huyện Mai Sơn đã thành lập Tổ công tác phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của huyện; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi. Phối hợp với các doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến. Lồng ghép sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất cây giống và rau thương phẩm; xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại 4 xã trên địa bàn huyện; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư kho lạnh, lò sấy nông sản hướng tới đầu tư chế biến sâu; hỗ trợ xây dựng các chuỗi thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn...

Đến nay, toàn huyện có 8 HTX đã đầu tư nhà kính, nhà lưới sử dụng trong sản xuất cây giống và rau hàng hóa; 162 lò sấy long nhãn với tổng công suất trên 150 tấn/ngày; 6 container lạnh và 12 kho lạnh, công suất 1.950 tấn. Các HTX, doanh nghiệp đã đầu tư, quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với hơn 375 ha cây trồng áp dụng mô hình tưới tiết kiệm và tưới nhỏ giọt. Toàn huyện có 40 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu; 1.130 ha cây trồng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và khoảng 800 ha cây ăn quả, rau màu được sản xuất theo hướng hữu cơ; có 29 doanh nghiệp, hợp tác xã in và sử dụng tem truy suất nguồn gốc sản phẩm và mã QR-CODE; HTX Quỳnh Nghĩa, xã Chiềng Sung và HTX Ngọc Lan đang triển khai ứng dụng eGap, cổng thông tin eGap trong quản lý, giám sát, truy suất minh bạch và kết nối thị trường vùng nguyên liệu cấp tỉnh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp 4.0, nâng cao khả năng tiếp thị, cạnh tranh thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Với mục tiêu xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện xây dựng vùng cây trồng ứng dụng công nghệ cao đối với các diện tích nhãn, xoài, na và cà phê, những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, tiêu biểu của địa phương. Đến nay, các đơn vị, tổ chức đoàn thể đã làm việc với Đảng ủy 7 xã, thị trấn thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Vũ Văn Hường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Trung tâm đã phối hợp với xã Mường Chanh, Chiềng Ban và Chiềng Chung khảo sát, đánh giá thực trạng và vận động gần 1.000 hộ tham gia vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao. Các xã được quy hoạch, lựa chọn đều có diện tích trồng cà phê lớn của huyện Mai Sơn và đã thành lập HTX sản xuất, chế biến cà phê, một số hộ dân và doanh nghiệp đã áp dụng các phương pháp chăm sóc cà phê an toàn theo tiêu chuẩn UTZ. Năm 2022, Trung tâm sẽ phối hợp với doanh nghiệp cà phê Minh Tiến lựa chọn triển khai xây dựng 3 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê; doanh nghiệp sẽ ứng vật tư nông nghiệp trả chậm, Trung tâm hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật và tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ, HTX tham gia mô hình.

Bên cạnh đó, huyện Mai Sơn đã phối hợp với Trường đại học Tây Bắc tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho 29 học viên là thành viên của các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện; tạo điều kiện cho một số học viên tham gia học tập, trao đổi xây dựng mô hình du lịch tại Hải Phòng và Quảng Ninh. Rà soát, lựa chọn 6 hợp tác xã tại các xã Hát Lót, Cò Nòi, Chiềng Mung có vườn cây ăn quả diện tích lớn, phong cảnh đẹp để phát triển thành điểm du lịch trải nghiệm; đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng bản Mé, xã Mường Bon thành bản du lịch cộng đồng. Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh triển khai công tác tôn tạo Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi gắn với phát triển du lịch, đã hoàn thành Dự án Khu tâm linh Cò Nòi giai đoạn I. Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, huyện Mai Sơn đã đón trên 11.200 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 7 tỷ đồng.

Năm 2022, huyện Mai Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; huy động nguồn lực đầu tư, phát triển nhân rộng những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch; tăng cường quản lý, rà soát, cấp mã số vùng trồng cây ăn quả mới đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, sẵn sàng cho kế hoạch xuất khẩu nông sản trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mai-son-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-gan-voi-du-lich-49071