Mãi tri ân 32 dân công hỏa tuyến
Sự kiện 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc anh dũng hy sinh là bài học sáng mãi trong trang sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân Bình Chánh, TP HCM
Ngày 7-7, nhằm ngày 20-5 âm lịch, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh, TP HCM tổ chức lễ giỗ 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968 lần thứ 55 (1968-2023). Dự lễ giỗ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức.
Tô thắm trang sử vẻ vang
Phát biểu ôn lại truyền thống, ông Phạm Văn Lũy - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh, cho biết đêm 15-6-1968 (nhằm ngày 20-5 âm lịch), đoàn dân công gồm 55 người vượt đồng bưng xuống Đức Hòa, Long An để tải đạn về Sài Gòn. Đến góc bưng của kinh Láng Cát, đoàn bị địch phát hiện, bắn xối xả. Cuộc tấn công ác liệt khiến 32 dân công hỏa tuyến gồm 25 nữ, 7 nam hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, trong đó có nhiều người chưa lập gia đình.
Sự hy sinh kiên cường, anh dũng của những người con quê hương Vĩnh Lộc anh hùng đã minh chứng cho lời thề chung: "Dù núi Trường Sơn có chuyển mình, sông Cửu Long có dậy sóng, thề cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, không có gì quý hơn độc lập tự do".
Ông Lũy khẳng định sự kiện 32 dân công hỏa tuyến anh dũng hy sinh là bài học sáng mãi trong trang sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quân và dân Bình Chánh, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
"Mảnh đất Vĩnh Lộc ngày xưa, nơi "mỗi vuông tre đều thấm máu qua ba thế hệ" giờ đây xanh lại màu xanh cuộc sống, đang chuyển mình đổi mới từng ngày. Dấu chân của các dân công ngày ấy vẫn còn nơi cánh đồng bưng ngày nào nhưng nay đã nở hoa, tỏa sắc. Sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ, vững bước đi lên của Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B chính là sự tri ân có ý nghĩa thiết thực nhất đối với công ơn to lớn của các thế hệ cha anh" - ông Lũy nhấn mạnh.
Lan tỏa giá trị cao đẹp
Ông Huỳnh Công Hòa là em của liệt sĩ Nguyễn Thị Bưa, một trong 32 dân công hỏa tuyến đã hy sinh. Ông Hòa nói trong những năm qua, thân nhân các liệt sĩ luôn nhận được những tình cảm, sự quan tâm, thăm hỏi, chăm lo, động viên từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể. "Thay mặt cho thân nhân của 32 liệt sĩ, tôi xin gửi lời cảm ơn các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để chúng tôi được gặp gỡ, được ôn lại những ký ức hào hùng của dân tộc, để thấy tự hào về những người mẹ, người cha, người chị, người em... của mình" - ông Hòa bày tỏ.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Bí thư Huyện Đoàn Bình Chánh, cho rằng 32 dân công đã hy sinh hạnh phúc của riêng mình vì hạnh phúc chung của nhân dân, đã chiến đấu anh dũng để cho đất nước hôm nay được độc lập. Sự hy sinh của họ đã hun đúc và bồi đắp các giá trị của tuổi trẻ trong thời đại Hồ Chí Minh: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên"; "Tổ quốc gọi, thanh niên đáp lời"; biết lấy khát vọng cống hiến làm lẽ sống cho thanh niên.
"Cảm ơn các dân công hỏa tuyến đã lan tỏa giá trị cao đẹp, năng lượng tích cực, trở thành hình mẫu cho thanh niên ngày nay noi theo; khơi dậy và thúc đẩy trong mỗi bạn trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng như câu nói bất hủ của anh hùng Lý Tự Trọng: Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác" - ông Nguyễn Quang Tuấn nói.
Được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân
Để ghi nhớ công lao của 32 dân công hỏa tuyến, năm 1980, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Lộc (nay là xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc B) đã dựng ngôi đền nhỏ và lập bia tưởng niệm. Đến năm 2005, ngôi đền được tôn tạo, mở rộng với tổng diện tích gần 10.000 m2. Tượng đài Dân công bằng đồng đen cao 3 m cũng được dựng lên tại đây.
Cũng trong năm 2005, đền thờ Dân công hỏa tuyến đã được UBND TP HCM công nhận Di tích Lịch sử cấp thành phố. Đến năm 2010, tập thể 32 dân công hỏa tuyến được Đảng và nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/mai-tri-an-32-dan-cong-hoa-tuyen-20230707221854123.htm