THPT Chu Văn An tính đến nay đã có 113 năm 'tuổi đời'. Đây được xem là một trong những trường phổ thông được cho là lâu đời và giàu truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam, là niềm tự hào của bao thế hệ học sinh Hà Nội.
Trường Trung học phổ thông Quốc gia Chu Văn An là một trường trung học phổ thông công lập ở Hà Nội. Được thành lập từ năm 1908, cho đến nay Chu Văn An là một trong những trường phổ thông được cho là lâu đời và giàu truyền thống nhất của nền giáo dục Việt Nam.
Trường THPT Chu Văn An (phường Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội), tiền thân là Collège du Protectorat (trường Trung học Bảo hộ) do chính quyền Pháp xây dựng năm 1908. Tổng diện tích của Chu Văn An là hơn 42.000m2 với 13 tòa nhà, gồm các dãy nhà học chính (A, B, C, D, S, T); hội trường Thăng Long; khu KTX - căn tin (Nhà K); nhà truyền thống; khu thư viện; nhà thi đấu và khu tập luyện thể chất ngoài trời, sân bóng.
Mới đây, cô bạn Lê Ngân Hà (SN 2002, cựu học sinh THPT Chu Văn An), hiện là sinh viên năm 2 ngành Quan hệ Công chúng Đại học Kinh Tế Quốc dân đã chia sẻ những khoảnh khắc cực đẹp mắt tại ngôi trường bản thân gắn bó suốt 3 năm.
Từng khoảnh khắc của Chu Văn An do chính tay Lê Ngân Hà chụp lại, từng cảm xúc đọng lại, hiện lên nguyên vẹn trong trí nhớ như ngày đầu chập chững bước vào Chu Văn An.
Khu nhà S tắm nắng cùng thảm lá vàng. "Mùa lá rơi đẹp nhất mà mình lại lỡ hẹn, vì bận ôn thi từ Duyên hải đến thi học kì, cuối mùa mới chụp vội được bức ảnh. Giờ nghĩ lại cứ tiếc mãi, tiếc lắm, giá như lúc ấy bớt vội hơn, ngắm Chu nhiều hơn", Ngân Hà chia sẻ.
Khoảnh khắc chiều tà ở nhà B, được Ngân Hà chụp từ bãi gửi xe. "Nắng đẹp lắm, lúc đó bãi xe còn mỗi xe của mình, bác bảo vệ giục về, cất máy ảnh rồi nhưng vẫn phải nán lại chụp cho bằng được. Chụp xong bị mắng, nhưng mà đẹp nên đáng lắm", cựu học sinh của Chu Văn An nhớ lại.
Khu nhà A vào một ngày nắng đẹp.
Khu nhà E đón nắng hoàng hôn. "Kì 2 lớp 11 là lúc vui nhất, đi chơi suốt, tưng tửng suốt vì vừa thi quốc gia xong chẳng lo nghĩ gì, rồi học hành thi cử gì cũng thuận lợi. Cái sân kia là chỗ đá cầu (và thỉnh thoảng đá bóng rồi cầu lông) của Sử Địa, trẻ trâu hết sức nhưng mà vui. Sử Địa cách nhau 1 cái cầu thang, lúc nào cô Thảo cũng gào ầm lên vì mình chạy sang lớp Địa nhiều quá, rồi sao mà 2 cái lớp này lắm đôi thế, nhưng rồi thì cũng chỉ là kí ức thôi, giờ muốn nghe cô mắng cũng không được nữa rồi", những kí ức ùa về với nữ sinh.
"Đã rất nhiều lần muốn ích kỉ giữ cho riêng bản thân mình, và cũng rất nhiều lần muốn đăng lên để cùng chia sẻ cảm xúc, nhưng rồi bận, rồi bẵng đi, mà mình không dám mở những kí ức đã chôn giấu thật sâu ấy ra nữa, vì sợ nhiều cảm xúc quá lại viết không nổi, không xứng với từng chiếc ảnh.
Để ở đây, trong một đêm chợt nhớ về Chu Văn An những bức ảnh mà mình đã chụp suốt 3 năm, khi còn được khoác lên mình bộ đồng phục Chu Văn An đẹp đẽ nhất.
Và những kí ức ấy sẽ thật trọn vẹn nếu có thêm những câu chuyện của mọi người. Hãy gửi lại ở đây, ở Chu một vài lời, để không bao giờ phải tiếc nuối, không bao giờ phải ôm giấc mộng nhớ Chu nhưng lại dằn vặt, vì không biết nói thành lời như thế nào, mọi người nhé!", nữ sinh Ngân Hà chia sẻ.
Khu nhà C thân yêu với khung cảnh nhuốm màu thời gian.
"Bên trong cánh cửa ấy là các thể loại câu chuyện, từ tiết Sử của cô Hiền đến tiết toán tiết hóa tiết lý dài dằng dặc, rồi cả lúc lớp như cái chợ vỡ, chí chóe cãi nhau vì kỉ yếu, lễ trưởng thành. Cũng có mấy đứa khóc nhè trong lớp. Rồi đống sách vở để lại trong tủ, không biết đã có ai dọn chưa? Nhớ cả mấy lúc ôn thi, lớp chia ra 2 kiểu, ngồi học hoặc ngồi buôn. Thêm cả mấy hành động ngu người khó hiểu (có hôm tí thì choảng nhau), rồi cái mùi lúc đá bóng buổi trưa xong của mấy thằng dở hơi. Thế mà rồi, giờ lớn hết cả, có ai còn nhớ?"
Khu nhà D vào giữa trưa nắng "vỡ đầu", lúc này cô cậu học trò nào cũng ước sân trường bé đi một tí, để chạy nắng.
Khu nhà T cùng cây bàng đang trổ lá non xanh mơn mởn. "Nhớ Ctour, cứ đến nhà T là giới thiệu với các em, chữ T ngoài có nghĩa là thí nghiệm ra còn viết tắt cho từ "thính" - đặc sản ở Chu. Chưa được ăn đặc sản ấy lần nào, mà toàn mình đi flirt (thả thính) người ta, chán thật, thế xong vớ được quả mối tình 3 năm mãi chưa chịu bỏ", Ngân Hà nhớ lại.
Nhà Hiệu bộ trong một ngày trời xanh nắng vàng
Phía sau Hội trường Thăng Long. "Mình thích chỗ này lắm, vì nó tách biệt, yên bình đến lạ. Tầng 1 là chỗ họp của BTC Sparkling 2018, tầng 2 là chỗ họp thường ngày của CTeam. Mấy lần Cteam rủ về Chu mà mình đều lỡ hẹn. Nhưng nhớ lắm, vì đi họp với CTeam tác phong lúc nào cũng phải chuẩn, không đem gì ngoài sổ và bút, take note thì cứ gọi là liên tục luôn, tự dưng nói lại nhớ thế, cho về Chu chạy skien cùng CTeam đi"
Nhà K - Canteen/Kí túc xá, chụp từ trong nhà E, vẫn là vào một ngày nắng.
"Bao nhiêu hạnh phúc, bao nhiêu kỉ niệm đáng nhớ nhất cùng với lũ Sử Địa đều là ở sân bóng. Có trường nào có sân bóng đẹp đến như thế, sân đẹp, nắng đẹp, view hồ Tây đón gió (mỗi tội mùa đông thì run cầm cập). Tất cả, từ Sử Địa, đến 3 mùa Sparkling, bao nhiêu lần sút quả bóng trúng vào gôn, ghi bàn trong trận vòng loại, rồi sút trượt pen trận bán kết, rồi cùng vui cùng cười cùng khóc với mấy thằng Sử Địa, đều là ở chính nơi này. Nhớ cảm giác cứ khi nào rảnh là lại lết xác ra sân bóng ngồi, ngắm Sử Địa, rồi cũng vì cái sân bóng này mà mình thích cái thằng dở hơi kia, nhớ cả những lúc nghịch cao su dưới sân rồi ném lung tung, nằm ra sân, học trên sân, chụp ảnh, lăn lộn vật nhau với mấy đứa nhà B, ngã, bị bóng đập vào người, gọi nhau í ới từ sân 1 sang sân 3, thi thoảng trốn tiết ra đá bóng nữa. Cảm giác chỉ có sân bóng là nơi thật nhất, thật từ cảm xúc, đến những khoảnh khắc cùng anh em, nơi mình được là chính mình. Viết bao nhiêu cũng không đủ cho cái mảnh sân đầy nắng và cũng đầy kỉ niệm này. Yêu lắm"
Nắng chiều tà ở THPT Chu Văn An thực sự là "siêu phẩm"
Thư viện được xem là biểu tượng của trường THPT Chu Văn An. Theo lời Ngân Hà, Nhà Bát giác đẹp thật sự. Nhìn bức ảnh này khiến cô nữ sinh nhớ văn phòng Đoàn với những hôm họp BTC cùng cô Tuyến, rồi cả những hôm làm hậu cần chuẩn bị trước sự kiện, đồ đạc bày lung tung, nóng lắm nhưng mà vui. Nhớ cả thư viện với những hôm ngồi tự kỉ học trước khi thi tuyển. Nhớ tầng 3 Nhà Bát giác với vô số những shot quay, mà shot nào cũng dọa mọi người. Nhớ cả mấy lúc "tụng kinh" học thuộc Sử bằng cách đi bộ tầm 20 vòng xung quanh Nhà Bát giác nữa. Và không thể thiếu, đấy là view ngắm hoàng hôn không nơi nào ở hồ Tây đẹp bằng - từ Nhà Bát giác Chu Văn An.
Thêm một bức ảnh đầy nắng cho nhà E xa lắc xa lơ nhưng cũng thân yêu vô cùng này
Cửa sổ ở Chu. Mở bất kì một chiếc cửa sổ nào ở Chu, ùa vào trong tầm mắt mình cũng sẽ là một bức tranh thật đẹp. Đẹp lắm, nhất là vào mùa lá vàng.
"Chiếc ảnh mà mọi người thấy ở cổng trường, ở rất nhiều fanpage và mình cũng đã up mấy lần rồi. Nhưng lá đẹp, nắng đẹp, nhà E đẹp, tâm hồn mình cũng hạnh phúc vô cùng mỗi lần được ngắm lại khoảnh khắc ấy. Tự hào lắm, vì mấy chữ "học sinh Chu Văn An"", Ngân Hà bồi hồi.