Mãi vang vọng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo Hiệp định Genève và quyết định của Hội nghị Trung Giã, Thủ đô Hà Nội thuộc khu vực tập kết 80 ngày. Sau đó (ngày 8/10/1954), tiểu đoàn đầu tiên của ta sẽ vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đại đoàn 308 được Trung ương và Chính phủ giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa chào đón của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa chào đón của 20 vạn người dân Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tại Đền Hùng, Bác Hồ trực tiếp gặp và giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308. Theo hồi tưởng của Đại tá Đàm Tái Hưng - nguyên cán bộ Đại đoàn 308, hôm đó, Bác ân cần căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Vào tiếp quản, bộ đội phải giữ gìn kỷ luật, làm dân vận sao cho từ cụ già đến trẻ em đều quý mến, tin tưởng vào chính sách của Chính phủ. Tuy quân Pháp đi rồi, song vẫn phải đề cao cảnh giác, không để sa ngã... Xưa kia, các Vua Hùng có công dựng nước ta, bây giờ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Về sau, ý của Bác được viết gọn thành hai câu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đúng kế hoạch, Tiểu đoàn Bình Ca, dưới danh nghĩa là một đơn vị cảnh vệ vào tiếp quản 35 vị trí quân sự có quân Pháp chiếm đóng. Sáng ngày 9/10/1954, các đội công tác ngoại thành phối hợp với bộ đội tiến vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi. Đúng 16 giờ, ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên sang phía Gia Lâm. Công cuộc tiếp quản Thủ đô thành công tốt đẹp. Ta đã tiếp thu an toàn và nhanh gọn 129 công sở, công trình công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, trong đó, có các vị trí quân sự và các cơ quan đầu não quan trọng như Thành Hà Nội, Đồn Thủy, sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Phủ Toàn quyền, Phủ Thủ hiến Bắc Việt, Sở Mật thám liên bang...

Đặc biệt, mọi mặt sinh hoạt của nhân dân vẫn giữ được bình thường; các ngành điện, nước, vệ sinh... hoạt động đều; các cơ quan y tế, văn hóa, giáo dục vẫn làm việc; giao thông, liên lạc được giữ vững; các cửa hàng, cửa hiệu, các chợ mở như thường lệ; an ninh chính trị, trật tự xã hội bảo đảm tốt. Hà Nội được tiếp quản trọn vẹn từ tay đối phương mở ra một trang sử mới của Thủ đô.

Ngày 10/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng viết: “Tuy vậy, từ nay, Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta. Chính phủ và nhân dân phải cùng nhau ra sức giữ gìn trật tự, an ninh. Trật tự, an ninh tốt thì mọi người mới an cư, lạc nghiệp. Chúng ta phải cùng nhau gây nên một phong trào cần, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong. Chúng ta phải thực hiện chính sách công và tư đều được chiếu cố, chủ và thợ đều có lợi. Các bạn công nhân hăng hái sản xuất. Bà con công, thương hăng hái kinh doanh. Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta. Chính phủ và các vị cha mẹ học trò phải cùng cố gắng để cho con cháu ta được tiếp tục học hành. Các nhà văn hóa, giáo dục phải hăng hái phục vụ nhân dân. Chúng ta phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa”. Người dặn dò: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ. Mọi người đều đưa hết tài đức của mình để khôi phục Thủ đô và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”.

Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị. Ảnh: Bích Nguyên

Thủ đô Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị. Ảnh: Bích Nguyên

Thực hiện lời dạy của Bác, quân và dân Hà Nội cùng nhau làm tốt nhiệm vụ tiếp quản, xây dựng miền Bắc vững mạnh và rồi cùng cả nước đứng lên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,0% (cùng kỳ tăng 5,97%); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt 61,7% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ); vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,55% (cùng kỳ tăng 9,0%)...

Những phát hiện khảo cổ học cho biết, cách ngày nay khoảng vài vạn năm, trên đất Hà Nội đã có cuộc sống của con người mà dấu tích để lại là những công cụ đá thô sơ thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá cũ tìm thấy trên những doi đất cao ở Đông Anh. Lịch sử Hà Nội nổi bật lên một đặc điểm lớn là sớm được chọn làm kinh thành của đất nước từ thời cổ đại và giữ vai trò này gần như liên tục qua nhiều thời kỳ lịch sử cho đến ngày nay.

Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội; chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục lập được những thành tựu mới. Đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 70 năm: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Nguyễn Hải Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mai-vang-vong-loi-can-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-post481826.html