Mải vui quên trách nhiệm

Nhiều năm qua, trong báo cáo đại hội hay tổng kết hoạt động của các hội văn học nghệ thuật địa phương, Trung ương ở nhiều chuyên ngành đều có nhắc đến tình trạng nghiệp dư trong hoạt động hội và sáng tác của hội viên.

Các hội nghệ thuật là nơi các văn nghệ sĩ vừa sinh hoạt nghề nghiệp, trao đổi chuyên môn để nâng cao chất lượng tác phẩm, vừa gặp gỡ, giao lưu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Tấm thẻ hội viên, đặc biệt là các hội nghệ thuật Trung ương, trên một phương diện nhất định, là một "bảo chứng" cho năng lực sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ. Vào hội, đó là một niềm vinh dự, tự hào của người nghệ sĩ. Đi kèm với vinh dự, tự hào ấy là trách nhiệm, là thử thách trong việc duy trì cảm hứng sáng tác, xuất bản tác phẩm mới thường xuyên, đều đặn. Nhiều nghệ sĩ ý thức rằng hội nghệ thuật thật sự là một “thánh đường nghệ thuật”, là một bệ phóng, là nơi giúp mình có thể đi xa nhất trên con đường sáng tạo. Họ tranh thủ tối đa những lợi ích khi vào hội để trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp. Trong những trại sáng tác do các hội tổ chức, họ gặp gỡ, trao đổi về nghề với các bậc đàn anh, những người cùng trang lứa hay những đồng nghiệp nhỏ tuổi. Họ tận dụng những chuyến đi thâm nhập thực tế lấy tài liệu để làm giàu thêm vốn sống, vốn hiểu biết. Những khoản kinh phí tài trợ của hội mặc dù còn ít ỏi nhưng cũng giúp họ tạm quên đi mối lo “cơm áo gạo tiền” thường nhật để chuyên chú vào nghệ thuật. Và “quả ngọt” đến với họ như một điều tất yếu. Sách đôi ba năm lại ra một quyển, triển lãm tranh đều đặn năm này qua năm khác, những ca khúc mới nhanh chóng được phát trên đài, xuất hiện trong các chương trình ca, múa, nhạc... Họ được đồng nghiệp trân quý, cảm phục, được công chúng yêu nghệ thuật cả nước “nhớ mặt, quen tên”.

Đáng tiếc đây đó vẫn còn không ít hội viên các hội nghệ thuật không có được nhận thức đúng đắn ấy. Với họ, vào hội (nhất là các hội Trung ương), trước để lấy danh, sau để có nơi, có chốn vui chơi, giao lưu, thù tạc, tạo thêm quan hệ cho những công việc phi nghệ thuật sau này... Việc trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghệ thuật, trớ trêu và đáng buồn thay lại là mục đích sau cuối, có cũng được, không có cũng chẳng tổn hại gì. Dẫu sao “bảng vàng cũng đã ghi danh” rồi thì cứ nhẩn nha, ung dung năm này qua năm khác, không việc gì phải vội. Thiên hạ đầy người thế, có phải mỗi mình mình đâu mà ngại, mà ngượng. Những suy nghĩ như trên phổ biến đến mức một nữ thi sĩ nọ mấy năm trước đã táo bạo đề xuất phương án phải ra quy định cụ thể về việc ra mắt tác phẩm của hội viên. Nếu sau thời gian mấy năm từ ngày nhận thẻ hội viên mà không có sách mới thì phải buộc ra khỏi hội, phấn đấu lại từ đầu. Đề xuất mang tính cách mạng nhằm bảo toàn tính chuyên nghiệp trong hoạt động của hội và sáng tác của hội viên ngay lập tức rơi tõm vào thinh không như "đá ném ao bèo". Cứ thế, những câu chuyện, câu hỏi, tranh luận về kết nạp hội viên, về sáng tác của những người sau khi được kết nạp vào cứ diễn ra khi âm ỉ, lúc sôi nổi, lặp lại năm này qua năm khác như vòng tròn xuân-hạ-thu-đông của tạo hóa. Lặp lại nhưng không có biến chuyển gì. Dường như đó đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”!

Việc nhiều hội viên khi vào hội sao nhãng chuyện chuyên môn, nghiệp vụ, rồi mải vui thú với việc “hội hè đình đám” là họ đang tự mình đánh mất sứ mệnh cao quý của mình đối với xã hội và công chúng. Rất nên nhớ rằng, khi tất cả đã về với đất mẹ, việc có lưu lại với hậu thế điều gì không là điều những người nghệ sĩ cần cân nhắc, suy nghĩ. Nghệ sĩ tồn tại là ở tác phẩm và thời gian không chờ đợi một ai.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mai-vui-quen-trach-nhiem-642385