Majuli đảo sông lớn nhất thế giới đang chìm
Miền Tây mình và cả Sài Gòn những ngày triều cường giờ đã rất rõ tác động của biến đổi khí hậu. Những ngày lang thang ở miền đất cứ gợi nhớ sông nước Nam bộ, cả việc sắp sửa bị nhấn chìm… tôi cứ hoài liên tưởng và chùng lòng sâu.
Tuổi thơ tôi gắn nhiều với sông nước. Những chiều trốn học tắm sông, đêm cuối tuần tám chuyện trên cây cầu – “điểm vui chơi” miễn phí của cái thị xã đìu hiu. Nên yêu nhiều sông nước, nếp sống mộc mạc ven bờ mà lạ thay, tôi thấy khá tương đồng không chỉ ở nước Việt mà cả Mekong, Hằng Hà, Irrawaddy, Mahakam, Chao Phraya… từng lang bang. Cả sông thiêng Brahmaputra nổi tiếng Nam Á nhưng ít người mình biết.
Tôi từng ta bà chốn thượng nguồn lẫn nơi Bhramaputra đổ vào Hằng Hà, ra bể khơi. Ngày hành hương Kailash (Ngân Sơn) ngơ ngẩn ở hồ thiêng Manasarovar tôi nào biết cội nguồn sông ở đó. Mấy chuyến Tây Tạng, mê mẩn Yarlung Tsangpo (Nhã Lỗ Tạng Bố) trong veo ngọc bích giữa hè, lấp lánh giá băng ngày thu, tôi vẫn chưa biết về xuôi sông sẽ là Brahmaputra. Hơi ngược, chưa thăm những đoạn giữa của Brahmaputra, tôi đã lê la miền hạ lưu. Lang thang đồng bằng châu thổ, lênh đênh rừng ngập mặn lớn nhất thế giới Sundarban kiếm coi cọp biết bơi, ăn thịt người, nghe cứ ngỡ như chuyện miền Tây thời khai thiên lập địa của Phi Vân, Bình-nguyên Lộc…
Xuôi dọc Brahmaputra (Ấn Độ) nhiều nhưng không biết trên con sông dài 2.900km, thứ 15 địa cầu (Mekong hạng 12) này lại có đảo sông lớn nhất thế giới Majuli. Và rất độc đáo khi cách đó chừng 200km ngược dòng, lại có đảo sông có người cư trú nhỏ nhất hành tinh, Umananda. Nên, vừa được nghe “giải ngố” là tranh thủ vọt.
Các nhóc tì, bên đạo, bên đời chơi pháo ở (satra) Auniati, Majuli ngày Tết ánh sáng Dieali.
Tôi tới Majuli sau khi tuột xuống từ miền sơn cước lạ Ziro, Himachal Pradesh. Nên khác hành trình bình thường đi phà từ bến Nimatighat, Jorhat băng khúc sông rộng 2,5km, tôi lê lết mấy bận xe pháo. Trưa đó tới North Lakhimpur trễ, hết xe đi thẳng Majuli rất nhanh bằng tỉnh lộ 21, tôi lên chuyến xe theo lộ 15, rẽ vô lộ 22, rồi quẹo qua lộ 21… Gần một vòng. May sao, cung này đi cầu qua các nhánh sông nhỏ không tàu phà lôi thôi và tôi được ông chú ở bến gửi cho tài, lẫn phụ ở xe đầu, nên mỗi lần đổi chuyến là được dắt trao tay. Rệu rã tới thị trấn Gamura 9 giờ đêm đen mịt, lò mò kiếm lữ điếm La Maison de Anada, tôi lăn ra ngủ để mai sớm ngỡ ngàng trước Majuli xanh đẹp. Và sao gần gũi thương quen.
Từng rộng 1.250km2 hồi thế kỷ 19, giờ teo đâu đó 350km2, Majuli là đảo sông lớn nhất thế giới, theo GUINESS. Ít khách Á, Majuli được The Guardian, Telegraph… vinh danh là điểm đến sinh thái cho khách Âu Mỹ tìm về thiên nhiên. Miên man sông nước rạch kênh nên đất đai mướt mát, nương đồng thẳng cánh cò bay, y chang miền Tây mình ngày cũ.
“Ngày cũ” là nói đến môi trường thiên nhiên được giữ gìn, khi ven đường, sát phố lũ cò vạc đông đen, ngoài đồng đầy đàn lượn bay. Majuli là điểm đến của du khách ngắm chim, thêm nhiều loại lạ, hiếm ở mùa thiên di. Ao hồ nhiều gọng vó giăng, tam bản buông cần… – mà miền Tây giờ nếu không nhiễm thuốc sâu, thì xiệc điện càn quét… cá tôm hẻo lắm. Các nhà sàn tranh tre soi bóng ao hồ đồng vườn trở thành điểm nhấn các pô hình. Siêng năng thì sáng sớm đạp xe ngắm bình minh trên sông đồng. Liều mạng thì chiều đi kiếm hoàng hôn mà sau thời khắc rực rỡ, mặt trời chìm xuống nước là đường đất đen thui không đèn đóm, nhà cửa để hỏi han. Không để ý đường sá, nhớ các mốc… thì mấy chỗ rẽ, các ngã ba, ngã tư, lạc đường là cái chắc.
Không chỉ ở nương đồng, chim chóc quần tụ làm tổ rất nhiều ở những cây ngay sát đường cái.
Lạ và na ná cồn Phụng miền Tây mình với ông Đạo Dừa, điểm cuốn hút khác của Majuli là tôn giáo, nơi phát sinh nhánh Neo-Vaishnavite (từ Hindu giáo), với hoạt động, cách sống khác biệt, cả nghệ thuật độc đáo. Có từ thế kỷ 15, thời quang đại nhất lên tới 65, giờ còn 22 satra – đạo tràng, là nơi tu tập kinh kệ, sinh sống, giảng đạo… cũng là trung tâm văn hóa, tôn giáo của làng xã. Satra tổ chức các puja – lễ cúng dường, các sự kiện, làm các loại mặt nạ độc đáo cho lễ hội, đồ thủ công mỹ nghệ… Cộng với việc đảo có nhiều dân tộc, giao thoa các nền văn hóa nghệ thuật…
Majuli được xem là thủ đô văn hóa bang Assam. Không hoành tráng, tinh xảo, các satra nhỏ xinh cổ kính thường lọt giữa vườn xanh, yên tĩnh, thi thoảng đệm tiếng chuông, kinh kệ ngân nga. Trừ bữa tôi đến trúng Tết ánh sáng Diwali, các nhóc bên đạo bên đời tụ tập đốt pháo vang trời. Đương nhiên là tôi nhào vô ké, tìm lại niềm vui ấu thơ.
Lãng đãng mấy ngày trong đồng đất Majuli ít thấy, hôm chia tay lên phà từ bến Kamalabari nhìn ngược về thấy rất rõ sự xói lở. Đất đai sạt chìm lẫn cây cối ven bờ rạp ngã rối bời. Biến đổi khí hậu, băng tan nhanh trên Himalaya thay đổi tốc độ dòng chảy… chung tay nhấn chìm Majuli, mà nghe nói chỉ còn 15 – 20 năm nữa. Còn miền Nam mình, cũng hơn gì đâu khi dự báo tới năm 2050 là ngập trong nước biển. Nghe lòng chùng xuống, sâu thật sâu!