Malavi - Thiên đường leo núi

Tại Malawi, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhiều người cho rằng môn leo núi chỉ dành cho nam giới da trắng.

Shalom Maholo, 22 tuổi, đang tạo ra một tuyến đường leo núi mới. Ảnh: Kiran Kallur

Shalom Maholo, 22 tuổi, đang tạo ra một tuyến đường leo núi mới. Ảnh: Kiran Kallur

Tuy nhiên, một nhóm đang nỗ lực vượt định kiến và khó khăn về tài chính để biến nơi đây thành thiên đường của môn thể thao mạo hiểm.

Cô gái làm nên lịch sử

Shalom Maholo treo mình lơ lửng trên vách đá với chiếc máy khoan điện trên tay. Cô gái 22 tuổi này giữ thăng bằng trước khi khoan một lỗ trên vách đá. Cô cẩn thận làm sạch lỗ đó bằng bàn chải trước khi đóng chiếc bu lông rồi siết chặt bằng cờ lê.

Cô buộc thiết bị vào dây đai, leo xuống dưới 2 mét rồi thực hiện những việc tương tự, cứ thế lặp lại trong 20 mét cho đến khi chạm đất 90 phút sau. Đó là một quá trình đòi hỏi kỹ thuật cao, mệt mỏi về thể chất mà Shalom phải thực hiện chính xác vì nhiều người leo núi sau này sẽ dựa vào những chiếc bu lông đó để sống sót trong nhiều thập kỷ tới.

Shalom đang tạo ra một tuyến đường leo núi mới, trên đó người tham gia có thể kẹp dây vào các bu lông được khoan sẵn để leo lên.

Tại Mulundi, trên biên giới phía Tây Malawi với Mozambique, Shalom cũng đang làm nên lịch sử. Cô là người phụ nữ Malawi đầu tiên bắt đầu một tuyến leo núi mới và cô đặt tên nó là Zikomo, có nghĩa là “cảm ơn” trong tiếng Chichewa.

“Leo núi đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Mọi người ở đây nghĩ rằng đó là việc chỉ nam giới da trắng mới làm, nhưng tôi muốn chứng tỏ rằng leo núi dành cho tất cả mọi người, kể cả phụ nữ”, Shalom chia sẻ.

“Chúng tôi là phụ nữ và xã hội cho rằng chúng tôi không thể làm được điều đó, nhưng chúng tôi cần phá bỏ những rào cản này”, cô nói thêm.

Trong thập kỷ qua, leo núi đã phát triển từ một môn thể thao trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và gây sốt trên toàn thế giới. Môn thể thao này đã xuất hiện lần đầu tại Thế vận hội mùa Hè 2020 ở Tokyo và sẽ xuất hiện trở lại ở Paris trong năm nay.

Ngoài ra, bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar mang tên “Free Solo” đã biến nhà leo núi người Mỹ Alex Honnold thành một ngôi sao khi anh chinh phục ngọn núi El Capitan cao 914m mà không có dây thừng hoặc thiết bị an toàn năm 2017.

Năm 2022, tờ The New York Times cho biết, leo núi có thể là “tương lai của ngành du lịch” ở Malawi nhờ những mặt đá granit cao vút khiến người ta so sánh với Công viên quốc gia Yosemite ở Mỹ, một trong những trung tâm leo núi toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi riêng Yosemite có hơn 2.000 tuyến đường leo núi thể thao thì Malawi vẫn chưa đạt tới con số 50.

 Hoạt động leo núi được ca ngợi là 'tương lai của ngành du lịch' ở Malawi. Ảnh: Kiran Kallur

Hoạt động leo núi được ca ngợi là 'tương lai của ngành du lịch' ở Malawi. Ảnh: Kiran Kallur

Nỗ lực tạo ra sự thay đổi

Shalom vẫn là một trong số ít người Malawi được đào tạo để phát triển các tuyến leo núi mới, nhưng đây là nhóm tình nguyện viên đa dạng, gồm nam và nữ ở các độ tuổi khác nhau. Họ mong muốn chứng kiến Malawi phát huy hết tiềm năng của mình như một quốc gia leo núi.

Trung tâm Climb, một phòng tập thể dục ngoài trời ở thủ đô Lilongwe, là trái tim của mục tiêu trên. Phòng tập thể dục này được điều hành bởi Climb Malawi, một tổ chức phi chính phủ nhằm thu hút giới trẻ Malawi tham gia leo núi. Họ tạo ra các tuyến đường mới trên khắp đất nước, phát triển hoạt động leo núi địa phương và quốc tế của Malawi.

Theo Ngân hàng Thế giới, tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nơi 2/3 dân số sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, leo núi là một môn thể thao có thể cực kỳ tốn kém. Riêng giày leo núi có thể có giá ít nhất là 30 USD (mua trực tuyến từ nước ngoài).

Tuy nhiên, Climb Malawi cho biết, họ sẽ không bao giờ từ chối ai đó nếu họ không thể trả tiền mua thiết bị phù hợp hoặc chi phí di chuyển đến các địa điểm leo núi – tất cả những khoản này đều được trợ cấp thông qua sự đóng góp tự nguyện từ những người có đủ khả năng chi trả.

Global Climbing Initiative là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm trang bị cho cộng đồng leo núi trên toàn thế giới kiến thức và tài nguyên. Việc có quan hệ đối tác với tổ chức này cũng đã giúp Climb Malawi có thể đào tạo chuyên nghiệp cho thế hệ người leo núi và người lập tuyến đường mới.

 Bất kỳ ai cũng có thể đến Trung tâm Climb ở Lilongwe tập leo núi, dù họ có đủ khả năng chi trả hay không. Ảnh: Kiran Kallur

Bất kỳ ai cũng có thể đến Trung tâm Climb ở Lilongwe tập leo núi, dù họ có đủ khả năng chi trả hay không. Ảnh: Kiran Kallur

 Malawi thiếu cơ hội giải trí cho giới trẻ, nhưng các nhóm nam nữ có thể tập leo núi sau giờ làm việc và vào cuối tuần. Ảnh: Kiran Kallur

Malawi thiếu cơ hội giải trí cho giới trẻ, nhưng các nhóm nam nữ có thể tập leo núi sau giờ làm việc và vào cuối tuần. Ảnh: Kiran Kallur

Những thách thức

Theo Climb Malawi, không có nơi nào để mua bu lông, dây thừng hoặc giày leo núi, vì vậy người leo núi phải dựa vào sự quyên góp, nhập khẩu và tình nguyện viên để có các thiết bị này.

Malawi là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu. Điều này có nghĩa là lũ lụt và nhiệt độ cao lên tới 40 độ C trong mùa nóng từ tháng 9 đến tháng 11, có thể hạn chế cơ hội leo núi.

Thách thức lớn nhất là thu hút nhiều người Malawi tham gia môn thể thao leo núi để họ tham gia phát triển và xây dựng một cộng đồng để truyền cảm hứng cho người khác.

Celebrate Nhlane, 18 tuổi, là người thường xuyên đến Trung tâm Climb, nhưng cô chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội tạo ra các tuyến leo núi mới trong nước. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến Shalom hoàn thành Zikoma, cô nói rằng mình rất muốn trở thành người tiếp theo.

“Nếu cô ấy đang làm điều đó thì tôi biết mình cũng có thể làm được” - Celebration nói - “Chúng tôi có thể biến Malawi thành một nơi tuyệt vời để mọi người leo núi”.

Theo Al Jazeera

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/malavi-thien-duong-leo-nui-post692405.html