Malaysia công bố báo cáo về vụ hai trực thăng đâm nhau

Ngày 30/5, Malaysia công bố báo cáo đầy đủ liên quan tới vụ va chạm giữa 2 chiếc trực thăng của Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) hồi tháng 4 tại một căn cứ hải quân ở Lumut, Perak, khiến 10 quân nhân thiệt mạng.

Hiện trường vụ tai nạn giữa 2 chiếc trực thăng của Hải quân Hoàng gia Malaysia ngày 23/4. Ảnh: Đơn vị cứu hỏa và cứu hộ Malaysia

Hiện trường vụ tai nạn giữa 2 chiếc trực thăng của Hải quân Hoàng gia Malaysia ngày 23/4. Ảnh: Đơn vị cứu hỏa và cứu hộ Malaysia

Trước đó, thông báo chính thức từ RMN cho biết 2 chiếc trực thăng HOM AW139 và Eurocopter Fennec đã va chạm khi đang tham gia chuyến bay diễn tập cho Lễ duyệt binh Ngày Hải quân lần thứ 90 ngày 23/4. Theo đoạn phim ghi lại vụ việc, trực thăng Fennec đã va chạm với trực thăng HOM khi cả hai rẽ phải. Vào thời điểm đó, cánh quạt chính của Fennec đâm vào chiếc HOM, khiến cả 2 chiếc bốc cháy và rơi xuống mặt đất.

Để xác định nguyên nhân và các yếu tố góp phần gây ra vụ tai nạn, một ban điều tra gồm 9 thành viên bao gồm các chuyên gia về bay và kỹ thuật của hải quân Malaysia đã phân tích tất cả hồ sơ chuyến bay ngày hôm đó bằng cách sử dụng mô phỏng và máy bay thực tế.

Đối với máy bay trực thăng HOM, việc điều tra dựa trên phân tích hộp đen bao gồm các thông tin quan trọng về các thông số như góc nghiêng, thời gian, tốc độ và công suất, từ đó tìm kiếm manh mối về cách thức và lý do xảy ra vụ va chạm. Trong khi đó, trực thăng Fennec không được trang bị hộp đen nên việc xác định nguyên nhân vụ tai nạn được các nhà điều tra dựa trên tài liệu cũng như “phân tích hình ảnh và âm thanh”.

Các nhà điều tra cũng đã tìm kiếm sự trợ giúp và lời khuyên từ Airbus Helicopter, hãng sản xuất Fennec, về việc liệu các thiết bị của Fennec có bất kỳ dữ liệu nào có thể giúp ích cho việc điều tra hay không. Tuy nhiên, Airbus Helicopter cho biết không có thiết bị nào trên Fennec có bộ nhớ ổn định có thể giúp điều tra.

Nhìn chung, báo cáo đưa ra kết luận rằng vụ va chạm trên không giữa hai trực thăng xảy ra do một trong những chiếc trực thăng bay sai độ cao. Cụ thể, Hải quân Malaysia cho biết: “Trực thăng Fennec không ở độ cao và hướng đã định và đã đi vào đường bay của HOM AW139”.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác được công bố tới từ việc phi hành đoàn trực thăng HOM tập trung sự chú ý cao độ khi thực hiện chuyển hướng và bỏ qua các thông tin về tình hình toàn diện, từ đó khiến phản ứng trong việc tránh va chạm bị hạn chế. Hiện tượng này còn được gọi là “channelised attention”.

Tuyên bố của hải quân chỉ mô tả thông tin mới nhất là “báo cáo cuối cùng” và không nêu rõ bất kỳ hành động hoặc biện pháp tiếp theo nào được thực hiện sau vụ tai nạn. Ngoài các nguyên nhân trên, báo cáo cho biết các yếu tố kỹ thuật, con người và thời tiết đều đạt chuẩn.

Theo hãng tin CNA dẫn lời Hải quân Malaysia, thời tiết vào ngày diễn ra vụ tai nạn thuận lợi cho việc bay trong khi các máy bay trực thăng liên quan đã được xác định là đủ khả năng bay hoặc an toàn để bay.

Ban điều tra nhận thấy trực thăng HOM và Fennec không gặp bất kỳ sự cố kỹ thuật nào vào ngày xảy ra vụ tai nạn. Trong khi đó, công việc bảo trì trên hai chiếc trực thăng được thực hiện theo đúng quy trình do nhà sản xuất thiết bị gốc đề ra. Các mẫu dầu, chất bôi trơn và dầu diesel đã được Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Malaysia kiểm tra và cho ra kết quả bình thường.

Tất cả các thành viên phi hành đoàn có liên quan cũng được xác định là có đủ sức khỏe để bay. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy không ai bị hạ đường huyết hoặc có dấu hiệu mệt mỏi, không ai sử dụng chất cấm hoặc được ghi nhận hoặc xác định mắc bệnh tâm thần.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/malaysia-cong-bo-bao-cao-ve-vu-hai-truc-thang-dam-nhau-post35185.html