Malaysia đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam

Bà Kamsiah đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, cho rằng năm 2020 đánh dấu một năm 'phi thường' đối với ASEAN và toàn thế giới.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Malaysia tại ASEAN, Kamsiah Kamaruddin. (Nguồn: Phái đoàn đại diện thường trực Malaysia tại ASEAN)

Đại sứ Malaysia tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bà Kamsiah Kamaruddin đánh giá Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (HNCC ASEAN 37) và các hội nghị cấp cao liên quan do Việt Nam chủ trì đã thành công tốt đẹp.

Bất chấp những hạn chế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, hội nghị đã quy tụ tất cả 10 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ ASEAN, 10 Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện của 8 nước đối tác đối thoại.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Kamsiah Kamaruddin cho biết các cuộc thảo luận tại hội nghị chủ yếu là về đại dịch COVID-19, trong đó các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác để giải quyết các tác động kinh tế-xã hội của đại dịch và nhu cầu cấp thiết phát triển vắcxin, cũng như về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Bà Kamsiah đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, cho rằng năm 2020 đánh dấu một năm “phi thường” đối với ASEAN và toàn thế giới.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam đã cho thấy khả năng lãnh đạo trong việc đảm bảo khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với những thách thức này, đặt vai trò trung tâm của ASEAN và lợi ích của người dân làm trọng tâm.

Nhà ngoại giao Malaysia nhấn mạnh: “Việt Nam đã làm rất tốt vai trò Chủ tịch ASEAN. Trước các thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo to lớn trong việc điều hành ASEAN, đảm bảo rằng ASEAN tiếp tục công việc của mình. Trên thực tế, Việt Nam luôn dẫn dắt và ủng hộ các sáng kiến mới nhằm giải quyết các thách thức mà ASEAN và các quốc gia thành viên ASEAN phải đối mặt trong thời kỳ đại dịch.”

Về những kết quả quan trọng mà ASEAN đã đạt được, bà Kamsiah cho rằng thành tựu có ý nghĩa nhất đối với Malaysia tại hội nghị lần này là việc ASEAN đã chính thức công bố Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) do Thủ tướng Malaysia YAB Tan Sri Muhyiddin Yassin đề xuất tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN+3 về COVID-19 diễn ra vào ngày 14/4.

ACRF phản ánh sự đoàn kết và khả năng của ASEAN trong việc đối mặt với các thách thức khu vực và toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.

Ngoài ra, một số sáng kiến của ASEAN về ứng phó với COVID-19 cũng đã được thông qua như Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN và thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.

Một thành tựu đáng chú ý khác của hội nghị là Malaysia với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Australia đã nâng quan hệ này lên một tầm cao mới.

Theo đó, các nhà lãnh đạo đã nhất trí triệu tập các Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia hàng năm bắt đầu từ năm 2021, đánh dấu một chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

Đặc biệt, hội nghị đã chứng kiến một “thành tựu to lớn toàn diện” khi ASEAN cùng với 5 đối tác có hiệp định thương mại tự do (FTA) là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 15/11.

Theo bà Kamsiah, một khi được thông qua và triển khai, RCEP sẽ xóa bỏ và cắt giảm thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa, trong đó có việc tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước RCEP; mở cửa thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ thuộc khu vực RCEP trong các lĩnh vực như tài chính, viễn thông và đi lại của người dân; thúc đẩy, tạo thuận lợi và bảo hộ đầu tư trong khu vực; đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các nước ASEAN, đồng thời công nhận tầm quan trọng của việc đối xử đặc biệt và khác biệt giữa các nước RCEP, nhất là đối với các nước đang phát triển; trao đổi thông tin và thúc đẩy các biện pháp minh bạch nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư trong khu vực bao gồm cung cấp hợp tác kinh tế và kỹ thuật, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại sứ Kamsiah đánh giá việc kết thúc đàm phán và ký kết RCEP là “rất đúng lúc” và điều quan trọng là RCEP gửi tín hiệu tích cực đến thế giới rằng Malaysia cùng với các nước RCEP khác chọn cách mở cửa thị trường thay vì sử dụng các biện pháp bảo hộ trong thời điểm khó khăn này.

Hơn nữa, hiệp định cũng phù hợp với ACRF với tư cách là một trong những chiến lược rộng rãi trong khuôn khổ “Phát huy tiềm năng thị trường nội khối ASEAN và hội nhập sâu rộng hơn.” Malaysia cùng các quốc gia RCEP khác sẽ có thể tham gia vào các chuỗi giá trị kinh tế được tạo ra từ hiệp định này.

Hiệp định RCEP cũng sẽ giúp tăng cường hội nhập kinh tế khu vực với một loạt các tác động lan tỏa. Ví dụ, RCEP sẽ bao gồm cơ sở khách hàng của gần 1/3 dân số thế giới, từ đó giúp các doanh nghiệp và thương nhân tăng cường tiếp cận thị trường.

Thỏa thuận cũng sẽ cung cấp nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, ngành công nghiệp và nhà đầu tư của Malaysia để khám phá thêm hoặc tận dụng khả năng tiếp cận thị trường các nước RCEP.

Đề cập vấn đề Biển Đông, Đại sứ Kamsiah khẳng định rằng Malaysia giữ vững lập trường rằng các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và xây dựng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Quan điểm của Malaysia là tất cả các bên cần phải cùng nhau hợp tác để đảm bảo Biển Đông vẫn là một vùng biển hòa bình, ổn định và thương mại.

Đại sứ Kamsiah nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Malaysia, trong đó bày tỏ hy vọng rằng nỗ lực tập thể của ASEAN có thể mở đường cho việc thực hiện mục tiêu trở thành một cộng đồng mà tất cả mọi người đều mong muốn - một thực thể cùng chung tầm nhìn và khát vọng duy nhất trong việc thúc đẩy Cộng đồng ASEAN lên một tầm cao và một vị thế chiến lược, đóng góp to lớn cho hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng quốc tế.

Cuối cùng, Đại sứ Kamsiah cho rằng ASEAN sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ bên trong lẫn bên ngoài. Theo bà, điều cấp bách nhất hiện nay là đảm bảo rằng khu vực có thể phục hồi sau đại dịch. ASEAN cũng cần tận dụng cơ hội này để tái cơ cấu nền kinh tế, hệ thống và xã hội của mình.

Thách thức của ASEAN là đưa tất cả công dân của mình bước vào tương lai và không để ai bị bỏ lại phía sau. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta là một khu vực gắn kết và chủ động thích ứng, do đó cần đảm bảo rằng chúng ta hành động nhanh chóng và cùng hợp tác để đưa ASEAN phát triển trong tương lai”./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/malaysia-danh-gia-cao-vai-tro-chu-tich-asean-cua-viet-nam/677551.vnp