Malaysia duy trì vị trí nhà xuất khẩu LNG thứ 5 thế giới

Tổng lượng LNG xuất khẩu từ Malaysia năm 2021 đạt 24,9 triệu tấn (MTPA), tăng nhẹ so với 23,9 MTPA năm 2020.

Tàu chở khí hóa lỏng MV Excelsior neo tại cảng Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Tàu chở khí hóa lỏng MV Excelsior neo tại cảng Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn báo cáo vừa công bố của Liên minh Khí đốt Quốc tế (IGU) cho biết Malaysia tiếp tục giữ vị trí là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ 5 thế giới sau Australia, Qatar, Mỹ và Nga.

Báo cáo LNG thế giới năm 2022 nhấn mạnh rằng tổng lượng LNG xuất khẩu từ Malaysia năm 2021 đạt 24,9 triệu tấn (MTPA), tăng nhẹ so với 23,9 MTPA năm 2020, ước tính chiếm khoảng 6,7% tổng lượng LNG giao dịch trên toàn cầu.

Malaysia tiếp tục dẫn đầu về công nghệ sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng nổi (FLNG). Ngoài cơ sở FLNG đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động mang tên Petroliam Nasional Bhd (Petronas), FLNG Satu (PFLNG1) với công suất 1,2 MTPA và PFLNG2 với công suất 1,5 MTPA đã đi vào hoạt động vào năm 2021.

Tính đến cuối tháng 4/2022, chỉ có 4 đơn vị FLNG hoạt động trên toàn cầu. Quyết định đầu tư cuối cùng cho PFLNG thứ 3 dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối năm 2023.

Báo cáo cũng cho thấy thương mại LNG toàn cầu tăng 4,5%, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 372,3 tấn vào năm 2021, do sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 dẫn đến nhập khẩu LNG tăng vọt.

Tổng thư ký IGU Milton Catelin cho biết, LNG đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của an ninh năng lượng toàn cầu, cũng như ổn định kinh tế và vai trò này chưa bao giờ lớn hơn trong thời điểm hiện nay.

Về giá cả, báo cáo cho biết tăng trưởng giá LNG bắt đầu với sự phục hồi nhu cầu nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 và nguồn cung bổ sung chậm hơn và tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều hơn khi xung đột Nga-Ukraine gây thêm căng thẳng cho thị trường vốn đã được thiết lập ổn định trong dài hạn.

Năm 2021, Nga đóng góp 8% tổng lượng LNG xuất khẩu toàn cầu, trong đó 43,9% được vận chuyển đến châu Âu, 56,1% còn lại được chuyển đến châu Á - Thái Bình Dương và châu Á.

Với việc Liên minh châu Âu (EU) cam kết loại bỏ nhập khẩu năng lượng của Nga vào năm 2027, tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu LNG hiện có (Mỹ và Qatar) và phát triển các thị trường mới đang phát triển (ở châu Phi) là những con đường quan trọng để đa dạng hóa các nguồn năng lượng và hỗ trợ an ninh năng lượng của châu Âu./.

An Nguyễn/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/malaysia-duy-tri-vi-tri-nha-xuat-khau-lng-thu-5-the-gioi/250525.html