Malaysia khẳng định còn quá sớm để áp dụng 'hộ chiếu vaccine'

Ngày 20/6, quan chức cấp cao Bộ Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết tới nay chỉ có khoảng 10% dân số Malaysia được tiêm chủng nên tạm thời chưa thể áp dụng 'hộ chiếu vaccine.'

Cảnh vắng vẻ trên đường phố ở Kuala Lumpur, Malaysia, sau khi chính quyền áp đặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 . (Ảnh: THX/TTXVN)

Cảnh vắng vẻ trên đường phố ở Kuala Lumpur, Malaysia, sau khi chính quyền áp đặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 . (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah ngày 20/6 cho biết hiện không phải là thời điểm thích hợp cho việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” vì hầu hết dân số nước này chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Trong phát biểu ngày 20/6, ông Noor Hisham cho biết tới nay chỉ có khoảng 10% dân số Malaysia được tiêm chủng nên tạm thời chưa thể áp dụng "hộ chiếu vaccine."

Nguyên nhân là do nếu đặt việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 như một điều kiện để đi lại, rất nhiều người sẽ tức giận vì chưa được tiêm chủng. Do đó, hộ chiếu vaccine chỉ có thể sử dụng khi đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo ông Noor Hisham, trong điều kiện thực thi lệnh phong tỏa toàn diện, Malaysia cần ít nhất 2-3 tháng nữa để tăng cường nguồn cung vaccine và cũng như nâng cao tỷ lệ tiêm chủng.

Một khi có nguồn cung cấp vaccine đầy đủ, tỷ lệ tiêm chủng được gia tăng, dự kiến, Malaysia có thể đạt mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 hoặc tháng 12/2021. Sau đó, Chính phủ Malaysia có thể xem xét việc cho phép các hoạt động xã hội.

Tính đến ngày 19/6, Malaysia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 5,67 triệu người, trong đó có 4,08 triệu người hay 12,5% dân số tiêm mũi đầu tiên và 1,58 triệu người hoàn thành tiêm 2 mũi.

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho trên 80% dân số, tương đương hơn 26,1 triệu người.

Cùng ngày, người đứng đầu chương trình mua sắm vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ Philippines, ông Carlito Galvez cho biết Chính phủ Philippines đã ký một thỏa thuận mua 40 triệu liều vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất.

Theo ông Galvez, việc chuyển giao vaccine của Pfizer/BioNTech cho Philippines, một trong những loại vaccine phòng COVID-19 được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại quốc gia Đông Nam Á này, sẽ bắt đầu "sau 8 tuần tính từ tháng Tám".

Bộ Y tế Philippines thông báo đã phát hiện 5.803 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.359.015 trường hợp.

Tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Philippines cũng đã lên tới 23.621 người, sau khi có thêm 84 trường hợp tử vong công bố ngày 20/6.

Cho đến nay, Philippines, quốc gia có dân số hơn 110 triệu người, đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hơn 13 triệu người kể từ khi dịch bệnh xảy ra từ tháng 1/2020.

Chính phủ Philippines đã tiên phòng đầy đủ 2 mũi cho hơn 2 triệu người kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 1/3 năm nay.

Giới chức y tế Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 70 triệu người trong năm nay./.

Thanh Bình (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/malaysia-khang-dinh-con-qua-som-de-ap-dung-ho-chieu-vaccine/721279.vnp