Malaysia, mãnh hổ hay cọp giấy và tâm thế của U23 Việt Nam

U23 Malaysia chỉ như chú cọp giấy chỉ một cơn gió cũng có thể thổi bay. Đó là cơ hội để U23 Việt Nam thể hiện uy vũ của đội bóng hàng đầu khu vực.

Ảo tưởng Malaysia

“Hy vọng của tôi là giành tấm huy chương vàng. Vàng chứ không phải bạc hay đồng. Chỉ có vàng mà thôi”, Luqman Hakim, tài năng trẻ sáng giá nhất của bóng đá Malaysia ngạo nghễ tuyên bố trước thềm SEA Games 31. Đó cũng là mục tiêu các nhà lãnh đạo thể thao quốc gia này đặt ra cho thầy trò Brad Maloney tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á vừa diễn ra tại Việt Nam. Kết quả, U23 Malaysia thua U23 Việt Nam tại bán kết. Boong-ke Hổ Mã Lai bày ra vỡ tan trước pha đánh đầu dũng mãnh của Tiến Linh trong thời gian thi đấu hiệp phụ. Đến trận tranh huy chương đồng, Malaysia tiếp tục để thua Indonesia và ngậm ngùi ra về tay trắng.

Đến vòng chung kết U23 châu Á đang diễn ra tại Uzbekistan, tiền vệ thủ quân Mukhairi Ajmal tự tin hướng đến mục tiêu cao hơn. "Ở SEA Games 31 tại Hà Nội, chúng tôi thiếu thời gian chuẩn bị, nên đó giống như một đợt tập dượt để U23 Malaysia chuẩn bị cho vòng chung kết U23 Châu Á 2022. Chắc chắn, chúng tôi sẽ thi đấu tốt hơn. Sau khi trở về từ SEA Games, huấn luyện viên đã cho chúng tôi nghỉ ngơi một ngày để gặp gỡ gia đình và giúp chúng tôi vực dậy được tinh thần. Vì vậy, U23 Malaysia đang ở trong trạng thái tinh thần tốt nhất để sẵn sàng cho giải đấu sắp tới. Tôi hy vọng U23 Malaysia sẽ vượt qua vòng bảng, tiến vào đến vòng bán kết vì tôi tin chúng tôi có thể làm được", anh này nói. Kết quả, như đã biết, U23 Malaysia bị loại chỉ sau 2 lượt trận với thành tích toàn thua.

Từ lời nói đến kết quả vô hình trung phác họa nên hình ảnh của U23 Malaysia vào thời điểm hiện tại. Đó là một đội bóng khua chiêng gõ mõ rộn ràng trước giờ xung trận nhưng vào trận thì nhanh chóng tan tác chim muông. Phân tích sâu hơn về thầy trò Brad Maloney, đây là một đội bóng thiếu tính tổ chức, thi đấu rời rạc, các vị trí thiếu trình độ và phụ thuộc nhiều vào khả năng gây đột biến của thần đồng Luqman Hakim. Không thể phủ nhận tài năng của tiền đạo mang áo số 10 này, song để so ra với các tài năng trong khu vực, Luqman Hakim chưa có phẩm chất nào vượt trội, nếu không muốn nói là thua sút. Tuy nhiên, lợi thế của chân sút sinh năm 2002 này là được cả nền bóng đá chăm bẵm và từ khi bắt đầu sự nghiệp đã được “ngậm thìa vàng”.

Nói có sách mách có chứng, Luqman Hakim từng lọt top 60 tài năng trẻ sáng giá nhất thế giới do tờ The Guardian danh tiếng của Anh bình chọn. Ký giả John Duerden khi viết về thần đồng của bóng đá Mã Lai đã tán tụng: “Malaysia đã chờ đợi nhiều năm để có người thay thế Mokhtar Dahari, huyền thoại từng khoác áo Arsenal, và tài năng trẻ này được đánh giá có thể mặc vừa chiếc áo vĩ đại ấy”. Giới thiệu thêm, Mokhtar Dahari là chân sút vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Malaysia. Tầm vóc của ông đã vượt ra khỏi châu lục khi từng đăng quang giải VĐQG Anh cùng Arsenal vào năm 1975. Điều đó cho thấy Luqman Hakim được kỳ vọng như thế nào.

Và để chắp cánh cho tài năng trẻ hứa hẹn nhất của đất nước, tỷ phú Vicent Tan, chủ sở hữu KV Kortjik, đội bóng đang chơi tại giải VĐQG Bỉ đã yêu cầu đội bóng này ký hợp đồng tới tận 5 năm với Luqman Hakim. Khi thương vụ hoàn tất, chính Bộ trưởng Thể thao Malaysia là người công bố thông tin, cho thấy tầm vóc quốc gia của bản hợp đồng. Chưa dừng lại, ông Vicent Tan còn gây sức ép lên ban huấn luyện KV Kortjik để Luqman Hakim được ra sân thường xuyên. “Ban lãnh đạo cho rằng cậu ấy còn quá trẻ, nhưng với tư cách chủ sở hữu, tôi đã nói: “Chúng ta sẽ cho cậu ấy một cơ hội”. Khi người ta trẻ, người ta có thể chạy nhanh hơn các cầu thủ lớn tuổi và có giá trị nhiều hơn”, chính vị tỷ phụ này thừa nhận trước báo chí.

Chưa dừng lại, ông còn khẳng định thêm: “Tôi đã nói với CLB rằng họ phải để cậu ấy thi đấu thay vì chỉ đơn giản cho ngồi dự bị. Cậu ấy cần cơ hội để chứng minh với các HLV rằng cậu ấy đủ giỏi để thi đấu, dù chỉ là vào sân từ ghế dự bị, thậm chí chỉ 10 hay 15 phút. Nhìn xem, HLV đã đồng thuận với tôi”, ông nói. “Với tư cách chủ sở hữu, tôi quyết định trao cơ hội cho một cầu thủ Malaysia, và CLB cần đào tạo và trao cơ hội cho cậu ấy”. Chính những kỳ vọng quá mức như thế đã khiến Luqman Hakim và U23 Malaysia ảo tưởng về sức mạnh bản thân, kết cục là liên tục nhận lấy trái đắng.

Và tâm thế của U23 Việt Nam

U23 Việt Nam hiện tại không có những Luqman Hakim. Trước khi SEA Games 31 diễn ra, thật khó để người hâm mộ có thể biết mặt, nhớ tên một thành viên nào của U23 Việt Nam, ngoại trừ những cầu thủ quá tuổi. Suốt hành trình bảo vệ tấm huy chương vàng SEA Games, dấu ấn của bộ ba Tiến Linh, Hùng Dũng và Hoàng Đức cũng lấn át hoàn toàn đàn em. Do đó, không khó hiểu khi có nhiều sự quan ngại khi U23 Việt Nam lên đường sang Uzbekistan tham dự vòng chung kết U23 châu Á, nhất là trong bối cảnh lần đầu tiên sau 5 năm, HLV Park Hang Seo vắng mặt trên băng ghế chỉ đạo và thay bằng một HLV Gong Oh Kyun chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn dắt.

Tuy nhiên, qua từng trận đấu, mọi nỗi lo dần được xua tan. Thay vào đó là sự phấn khích và hứng khởi. U23 Việt Nam hòa trên thế thắng U23 Thái Lan, với 2 lần vượt lên dẫn trước và chỉ chịu mất điểm cay đắng vào phút bù giờ. Đó là chưa kể đến việc các tuyển thủ của chúng ta không có thể trạng tốt nhất cho trận đấu mở màn. Tiếp đến, U23 Việt Nam lại xuất sắc cầm hòa ĐKVĐ U23 Hàn Quốc, đội bóng ở đẳng cấp cao hơn hẳn. Không chỉ là câu chuyện kết quả, màn trình diễn của các học trò ông Gong Oh Kyun mang đầy sự tươi mới và được điểm xuyết bằng những siêu phẩm của Tuấn Tài, Văn Tùng và Tiến Long. Tất cả như vẽ nên bức tranh mùa xuân phơi phới đang về với bóng đá Việt Nam.

Bất luận kết quả cuối cùng như thế nào đi chăng nữa, thế hệ mới của những Văn Tùng, Mạnh Dũng, Tuấn Tài, Tiến Long v.v. xứng đáng được nhận những lời khen ngợi về nỗ lực và màn trình diễn trên đất khách quê người. Tất nhiên, cần minh định rằng cửa vào tứ kết của U23 Việt Nam rất rộng mở. Một chiến thắng trước U23 Malaysia gần như chắc chắn sẽ giúp thầy trò Gong Oh Kyun đi tiếp. Thay vì ngóng đợi kết quả từ trận đấu giữa U23 Hàn Quốc và U23 Thái Lan, rõ ràng trước nhất U23 Việt Nam cần đạt được mục tiêu của chính mình.

U23 Malaysia không mạnh, thậm chí có thể đánh giá yếu nhất bảng. Sau 2 trận đội bóng này đã nhận tới 7 bàn thua. Không những vậy Hổ Mã Lai thực ra chỉ là cọp giấy, bước vào giải chiêng trống rình rang nhưng thực chất hiện tại đã sụp đổ về mặt tâm lý. Thầy trò Gong Oh Kyun chỉ cần bước vào trận với sự tự tin và hứng khởi như đã thể hiện ở 2 trận đấu đã qua, dám chắc một chiến thắng, và có thể là thắng đậm, nằm trong tầm tay. Đó cũng là tâm thế các cấp đội tuyển quốc gia Việt Nam cần cho những giải đấu trong tương lai, nhất là những đối thủ cùng khu vực.

Rõ ràng sau 5 năm dưới triều đại thành công rực rỡ của HLV Park Hang Seo, Những chiến binh sao vàng đã vượt lên trên mặt bằng chung trình độ của bóng đá Đông Nam Á. Có chăng Thái Lan mới đủ năng lực thi đấu sòng phẳng với chúng ta. Bằng chứng là trong những giải đấu gần đây, cho dù Indonesia, Malaysia hay Singapore, mọi đội bóng đều chọn lối đá tử thủ trước Những chiến binh sao vàng. Cách chơi bóng thực dụng cực đoan này phần nào gây khó khăn, bế tắc cho các cấp đội tuyển Việt Nam, nhưng nên nhớ, muốn đứng ở vị trí không ai đứng được cũng phải biết chịu những thử thách không ai chịu được. Trận đấu với U23 Malaysia ngày mai sẽ là cơ hội để thầy trò Gong Oh Kyun chứng minh điều đó.

Nguyễn Ngọc Trung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/malaysia-manh-ho-hay-cop-giay-va-tam-the-cua-u23-viet-nam-a555659.html