Malaysia sẽ hình sự hóa hành vi bắt nạt trên mạng sau vụ TikToker tự tử

Ngày 16/7, Chính phủ Malaysia cho biết hành vi bắt nạt trên mạng sẽ được hình sự hóa, buộc các nền tảng công nghệ và truyền thông xã hội phải chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh trực tuyến.

Quyết định trên được đưa ra hai tuần sau khi một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội TikTok tự tử do bị quấy rối trên mạng và bị đe dọa giết.

Theo Bộ trưởng Luật pháp Malaysia, bà Azalina Othman Said, Chính phủ nước này đang soạn thảo sửa đổi bộ luật hình sự để đưa vào các điều khoản cụ thể về bắt nạt trên mạng, vì luật hiện hành không cung cấp đủ sự bảo vệ pháp lý cho nạn nhân bị bắt nạt trên mạng.

Bà Azalina nói: "Các sửa đổi được đề xuất sẽ phân loại bắt nạt trên mạng là một hành vi phạm tội cụ thể ở Malaysia. Bên cạnh đó, nó cũng đưa ra cách giải thích về bắt nạt trên mạng".

Vị Bộ trưởng cho biết chính quyền cũng đang soạn thảo một luật mới, trong đó sẽ quy trách nhiệm cho các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến trong việc quản lý các vấn đề an ninh và bắt nạt trên mạng, đặc biệt là nội dung có hại liên quan đến trẻ em là nạn nhân.

 Chính phủ Malaysia đang trấn áp tội phạm mạng và xử phạt các nhà cung cấp dịch vụ internet vì lo ngại về an ninh mạng. Ảnh: Shutterstock

Chính phủ Malaysia đang trấn áp tội phạm mạng và xử phạt các nhà cung cấp dịch vụ internet vì lo ngại về an ninh mạng. Ảnh: Shutterstock

Trước đó ngày 5/7, người có ảnh hưởng trên mạng về nội dung làm đẹp và lan tỏa tích cực Rajeswary Appahu được phát hiện tử vong tại nhà riêng, một ngày sau khi cô nộp đơn trình báo cảnh sát về những lời đe dọa giết người và tấn công tình dục trực tuyến.

Hai nghi phạm đã nhận tội tại các tòa án riêng biệt ở Kuala Lumpur vào ngày 15/7 vì đăng những lời lẽ xúc phạm trên TikTok đối với người có ảnh hưởng 29 tuổi này.

Theo truyền thông địa phương, tài xế xe tải B Sathiskumar, một trong hai nghi phạm bị, đã nhận tội đưa ra những phát ngôn tục tĩu với mục đích làm tổn thương người khác.

Nghi phạm này phải đối mặt với mức phạt lên tới 50.000 ringgit (10.700 USD), hoặc tối đa một năm tù, hoặc cả hai. Tòa án đã hoãn việc tuyên án anh ta trong khi chờ xét xử tội danh thứ hai là đăng những bình luận tục tĩu nhằm xúc phạm mẹ nạn nhân.

Nghi phạm thứ hai, Shalini Periasamy, đã nhận tội sử dụng ngôn ngữ thô tục để kích động tức giận. Shalini đã đăng video cô ấy đe dọa Rajeswary trên tài khoản TikTok cá nhân. Shalini bị lệnh phải nộp khoản tiền phạt tối đa là 100 ringgit cho tội của mình, được coi là một tội nhẹ.

Rajeswary được cho là đã phàn nàn về tình trạng lạm dụng liên tục trên nền tảng mạng xã hội này, bao gồm cả việc bị quấy rối bởi những người xem buổi livestream của cô.

 TikToker Rajewary Appahu, người đã tự tử sau khi bị quấy rối trực tuyến. Ảnh: Instagram/_rajeswaryappahu

TikToker Rajewary Appahu, người đã tự tử sau khi bị quấy rối trực tuyến. Ảnh: Instagram/_rajeswaryappahu

Vấn đề này cũng được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội Malaysia, nơi các đại biểu chỉ ra rằng những kẻ bắt nạt trên mạng không phải chịu trách nhiệm về các bài đăng mang tính xúc phạm có thể dẫn đến tự tử như trường hợp của Rajeswary. Các đại biểu cũng yêu cầu Chính phủ Malaysia và các nhà chức trách phải hành động.

Bộ trưởng Truyền thông Malaysia Fahmi Fadzil cho biết trong một bài đăng trên X vào ngày 15/7, từ năm 2022 đến ngày 9/7 năm nay, mỗi ngày có khoảng 10 vụ bắt nạt trên mạng xảy ra ở Malaysia .

Chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim đang gây sức ép với các gã khổng lồ công nghệ như TikTok và Meta, chủ sở hữu Facebook và Instagram, để đưa ra kế hoạch kiểm soát nội dung xúc phạm liên quan đến vấn đề nhạy cảm về chủng tộc, tôn giáo và hoàng gia.

Ngọc Ánh (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/malaysia-se-hinh-su-hoa-hanh-vi-bat-nat-tren-mang-sau-vu-tiktoker-tu-tu-post303642.html