Malaysia siết chặt quản lý mô hình 'mua trước, trả sau'
Sự bùng nổ của hình thức 'mua trước, trả sau' (Buy Now, Pay Later - BNPL) tại Malaysia đang làm dấy lên những lo ngại về an toàn tài chính cho người tiêu dùng và nguy cơ gia tăng nợ hộ gia đình. Trước thực trạng đó, Ngân hàng Trung ương cùng Chính phủ nước này đã đưa ra các biện pháp nhằm tăng cường cho vay có trách nhiệm, và giảm thiểu rủi ro tài chính cho người tiêu dùng.
“Mua trước, trả sau” là gì?
“Mua trước, trả sau” (Buy Now, Pay Later - BNPL) là hình thức thanh toán cho phép người tiêu dùng sở hữu hàng hóa hoặc dịch vụ ngay lập tức nhưng chỉ cần thanh toán một phần nhỏ ban đầu, phần còn lại sẽ được chia nhỏ và trả dần trong các kỳ hạn cố định - thường không tính lãi nếu thanh toán đúng hạn.

Chương trình “Mua trước, Trả sau” (Buy Now, Pay Later - BNPL) phát triển mạnh mẽ tại Malaysia. Ảnh: Shutterstock.
Khi khách hàng lựa chọn hình thức thanh toán này, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra tín dụng sơ bộ để đánh giá lịch sử tài chính. Nếu được phê duyệt, khoản vay sẽ được cấp ngay tại thời điểm giao dịch, cho phép người mua hoàn tất thanh toán mà không cần trả tiền mặt lập tức. Giới hạn chi tiêu, số kỳ thanh toán và mức phạt trễ hạn sẽ thay đổi tùy theo từng đơn vị cung cấp.
Ranh giới mong manh giữa tiện ích và rủi ro
BNPL đang bùng nổ trong giới trẻ tại Malaysia nhờ tính tiện lợi, không yêu cầu thẻ tín dụng và dễ tiếp cận thông qua các nền tảng mua sắm như Shopee PayLater, Grab PayLater hay Atome. Mô hình này đang ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ khi không còn giới hạn trong lĩnh vực bán lẻ mà đã mở rộng sang các ngành như y tế, giáo dục và du lịch. Những gói trả góp không lãi suất hấp dẫn đang góp phần thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ.
Theo dự báo, thị trường BNPL Malaysia sẽ tăng trưởng trung bình 15,1% mỗi năm, đạt quy mô khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2025 và có thể cán mốc 4,2 tỷ USD vào năm 2030. Động lực tăng trưởng đến từ các chiến lược tiếp thị linh hoạt như triển khai chương trình khách hàng thân thiết và tích hợp dịch vụ với ví điện tử, qua đó mở rộng đáng kể tệp người dùng tiềm năng.
Dù mô hình này đang phát triển mạnh tại Malaysia nhờ tính tiện lợi và khả năng tiếp cận cao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng lo ngại. Việc không kiểm soát chặt chẽ khả năng chi trả có thể dẫn đến tình trạng người tiêu dùng chi tiêu vượt mức, làm gia tăng nợ xấu, đặc biệt trong giới trẻ.
Tính đến cuối năm 2024, hơn 5 triệu người tiêu dùng đã sử dụng các dịch vụ Atome, Grab PayLater và Shopee PayLater, góp phần đẩy nợ hộ gia đình tại Malaysia đã lên tới 1.600 tỷ ringgit (khoảng 378 tỷ USD), tương đương 84,2% GDP - một con số đáng lo ngại đối với ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, khung pháp lý cho BNPL tại Malaysia vẫn chưa đủ chặt chẽ để bảo vệ người dùng trước các tranh chấp hoặc lạm dụng dịch vụ. Ngoài ra, việc chậm thanh toán có thể ảnh hưởng tiêu cực đến điểm tín dụng cá nhân, trong khi áp lực tài chính tích lũy từ nhiều khoản trả góp nhỏ có thể gây mất khả năng thanh toán. Nếu không được giám sát và điều chỉnh kịp thời, BNPL có thể trở thành rủi ro hệ thống đối với nền kinh tế tiêu dùng.
Hướng tới khung pháp lý minh bạch và công bằng hơn
Trước tình trạng nợ hộ gia đình ngày càng gia tăng, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã chủ động triển khai nhiều biện pháp siết chặt quản lý thị trường tín dụng tiêu dùng, nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và thúc đẩy hoạt động cho vay có trách nhiệm. Một trong những bước đi quan trọng là vào tháng 12/2024, BNM đã công bố dự thảo đề xuất loại bỏ các phương pháp tính lãi suất cố định thiếu minh bạch, trong đó có Quy tắc 78 - một phương pháp tính lãi vay mà phần lớn lãi suất được dồn vào giai đoạn đầu của khoản vay.
Phương pháp này khiến người vay chịu thiệt nếu tất toán sớm, bởi họ vẫn phải trả phần lớn lãi suất dù đã thanh toán trước hạn. Kết quả là người vay bị “trói” vào khoản vay đến cuối kỳ, làm gia tăng tổng chi phí tín dụng và tiềm ẩn nguy cơ tài chính cá nhân. Việc cấm áp dụng Quy tắc 78 đã trở thành sáng kiến chung, được hỗ trợ bởi Lực lượng đặc nhiệm của Hội đồng Giám sát Tín dụng Tiêu dùng cùng Bộ Thương mại Nội địa. Để thực hiện điều này, cần phải sửa đổi Đạo luật Mua trả góp năm 1967 nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.
Các chuyên gia nhận định, đề xuất của BNM được xem là bước đi quan trọng trong nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng, và xây dựng khung pháp lý minh bạch hơn cho thị trường tín dụng đang phát triển nhanh tại Malaysia.
BNM sẽ triển khai hàng loạt biện pháp nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính và nâng cao tính công bằng cho người tiêu dùng. Một trong những chính sách trọng điểm là thắt chặt quy trình thẩm định năng lực trả nợ, nhằm ngăn chặn việc những người có khả năng trả nợ không rõ ràng vẫn tiếp cận được các chương trình thanh toán chậm.
Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng trả nợ của người vay, nhằm tránh gây khó khăn tài chính cho người tiêu dùng. Việc đánh giá này dựa trên lịch sử trả nợ, loại trừ những người đã tuyên bố phá sản và thẩm định hồ sơ rủi ro một cách nghiêm ngặt hơn, giúp giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ và bảo vệ người vay khỏi gánh nặng tài chính không cần thiết.
Song song đó, Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ xem xét rút ngắn thời hạn tối đa các khoản vay cá nhân, từ 10 năm xuống còn 7 năm. Động thái này nhằm đưa Malaysia gần hơn với chuẩn mực vay vốn tại các quốc gia như Australia và Singapore. Mặc dù việc rút ngắn thời hạn vay sẽ khiến khoản trả nợ hàng tháng tăng lên, nhưng sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tích lũy nợ quá mức từ những người không đủ khả năng hoàn trả. Các khoản vay với thời hạn dài thường tạo điều kiện cho vay vượt khả năng chi trả, do đó chính sách mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động vay vốn có trách nhiệm hơn, đồng thời giảm thiểu nợ dài hạn trong nền kinh tế.
Các chuyên gia cho biết, không thể phủ nhận sự tiện lợi của các chương trình "mua trước, trả sau", đã giúp cho việc tiếp cận hàng hóa và dịch vụ của người dân tại Malaysia trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, nhưng sự gia tăng phổ biến của hình thức này đòi hỏi Chính phủ Malaysia phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc nâng cao chất lượng đánh giá khả năng trả nợ và tạo điều kiện tiếp cận tín dụng công bằng là những ưu tiên hàng đầu.
Trong bối cảnh đó, Dự luật Tín dụng Tiêu dùng 2025 đã được trình lên Quốc hội Malaysia vào tháng 3/2025, đánh dấu bước tiến lớn trong quản lý tín dụng cá nhân. Dự luật đề xuất thành lập Ủy ban Tín dụng Tiêu dùng - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát toàn diện hoạt động của các tổ chức tín dụng, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ BNPL. Luật mới sẽ áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn đối với nguồn cung tín dụng, yêu cầu các tổ chức cho vay phải có giấy phép hoạt động và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng.
Những nỗ lực từ BNM và Chính phủ Malaysia được kỳ vọng không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro tiềm ẩn mà còn ngăn ngừa các hệ lụy tài chính nghiêm trọng từ các mô hình tín dụng tiêu dùng mới, đặc biệt là BNPL; góp phần xây dựng một thị trường tín dụng minh bạch, lành mạnh và phát triển bền vững tại Malaysia.