Malaysia tiếp tục đứng đầu khu vực Đông Nam Á về ca COVID-19 mới

Với 20.579 ca mắc COVID-19 trong ngày 29/8, Malaysia tiếp tục đứng đầu khu vực Đông Nam Á về ca mắc mới, trong bối cảnh dịch lây lan nhanh do biến thể Delta.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến hết ngày 29/8, các nước Đông Nam Á ghi nhận thêm 80.046 ca mắc mới COVID-19 và 1.665 ca tử vong. Tổng số ca bệnh trong toàn khu vực hiện đã lên tới 9.927.616 trường hợp và 220.211 ca tử vong. Các nước Đông Nam Á cũng ghi nhận 8.612.535 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 551 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 344 ca; Malaysia ghi nhận 285 ca tử vong; Thái Lan thêm 264 ca; Campuchia ghi nhận thêm 11 ca, Timor Leste 3 ca.

Với 20.579 ca mắc COVID-19 trong ngày 29/8, Malaysia tiếp tục đứng đầu khu vực về ca mắc mới, trong bối cảnh dịch lây lan nhanh do biến thể Delta.

Philippines ghi nhận thêm 18.528 ca mắc mới, đứng thứ hai trong khu vực, với tổng ca bệnh 1.954.023, bao gồm 33.109 ca tử vong.

Biến thể Delta cùng với việc người dân di chuyển nhiều và không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch là những yếu tố khiến số ca mắc COVID-19 tại Philippines tăng mạnh với số ca lây nhiễm mới trung bình vượt mốc 12.500 ca/ngày kể từ đầu tháng 8. Hiện có hơn 70 khu vực, gồm Vùng đô thị Manila, đang ở mức cảnh báo cấp độ 4 về dịch bệnh.

Tính đến ngày 26/8, Philippines đã tiêm gần 32 triệu liều vaccine với 13,5 triệu người đã tiêm đủ liều. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70 triệu người trong tổng số 110 triệu dân trong năm nay.

Tại Campuchia, nước này thông báo đã ghi nhận tổng cộng 438 ca mắc mới và 11 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca bệnh lên 92.208 ca và 1.881 ca tử vong.

Biến thể Delta đang trở thành mối quan ngại của giới chức y tế Campuchia khi quốc gia này tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc biến thể nguy hiểm này. Bộ Y tế Campuchia thông báo đã ghi nhận 218 ca mắc biến thể Delta trong 24 giờ qua. Tổng số ca mắc biến thể Delta tại Campuchia cho tới nay lên tới 1.752 ca. Đáng chú ý, thủ đô Phnom Penh ghi nhận khoảng 82 ca, số còn lại tập trung tại 22 tỉnh. Tới nay, chỉ còn hai tỉnh Kep và Kratie chưa ghi nhận ca mắc biến thể Delta.

Đến nay, khoảng 10,44 triệu người, tương đương 65,25% dân số Campuchia, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi đó 8,34% đã hoàn thành 2 mũi tiêm chủng.

Cùng ngày, Thái Lan thông báo đã ghi nhận 16.536 ca mắc COVID-19 mới và 264 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 1.174.091 ca, trong đó có 11.143 ca tử vong. Riêng thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận ghi nhận gần 7.000 ca mắc mới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số ca mắc mới theo ngày tại Thái Lan xuống dưới mốc 17.000 ca kể từ ngày 29/7. Số ca mắc mới tại Thái Lan đang có chiều hướng giảm trong bối cảnh chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Cho tới nay, khoảng 11% trong hơn 66 triệu dân số Thái Lan đã tiêm đủ liều.

Bất chấp dịch bệnh phức tạp, Cơ quan hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) thông báo chính phủ nước này sẽ cho phép nối lại một số chuyến bay nội địa đến và đi từ Bangkok và một số khu vực có nguy cơ cao khác kể từ ngày 1/9 nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế.

CAAT nêu rõ những chuyến bay này chỉ được phép hoạt động 75% công suất và các hành khách phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như có chứng nhận đã tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm COVID-19. Các hãng hàng không gồm Asia Aviation và Bangkok Airways đã thông báo nối lại một số chuyến bay nội địa từ tuần tới.

Trong khi đó, Indonesia ghi nhận ca mắc mới giảm mạnh xuống dưới 10.000, với 7.427 ca trong ngày.

Theo tờ Jakarta Post, trong vài tuần trở lại đây, chính phủ Indonesia đã đưa ra kế hoạch thay đổi cách tiếp cận trong xử lý đại dịch. Thay vì chiến lược "zero COVID", nhà chức trách nước này hiện đang khám phá ý tưởng chung sống lâu dài với căn bệnh này.

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết ông đang trong quá trình xây dựng các phác đồ điều trị COVID-19 như một bệnh đặc hữu. Khái niệm chuyển đổi từ một đại dịch sang một bệnh đặc hữu - tức là khi virus có mức độ phổ biến liên tục trong một quần thể tại một khu vực địa lý - dường như được thúc đẩy bởi cảm giác lạc quan rằng Indonesia có thể giảm nhẹ các rủi ro và tập trung vào bảo vệ những đối tượng cần.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/malaysia-tiep-tuc-dung-dau-khu-vuc-dong-nam-a-ve-ca-covid-19-moi-post153154.html