Mali mở lại biên giới trên không và trên đất liền

Ngày 24/7/2020 vừa qua, chính quyền Mali đã thông báo mở lại biên giới trên không và trên đất liền lần lượt vào các ngày 25 và 31/7/2020. Thông báo này được đưa ra sau khi Thủ tướng Boubou Cissé ký một nghị định, theo đó 'Căn cứ vào diễn biến cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 gây ra, biên giới trên không sẽ được mở lại vào ngày 25/7/2020 kể từ 12 h đêm và biên giới trên bộ sẽ được mở lại từ 31/7/2020 kể từ 12h đêm'.

Chính phủ Mali cũng quyết định lập lại giờ làm việc bình thường trên phạm vi toàn lãnh thổ quốc gia kể từ ngày 1/8/2020.

Trước đó, trong khuôn khổ cuộc chiến chống Covid-19, Mali đã đóng cửa biên giới trên không ngày 17/3/2020, tức là 8 ngày trước khi phát hiện ra 02 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại nước này.

Theo Bộ Y tế và Các vấn đề xã hội Mali, tính đến ngày 25/7/2020, quốc gia Tây Phi này đã ghi nhận 2503 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 123 người tử vong.

Đôi nét về thị trường Mali

Mali nằm ở khu vực Tây Phi, giáp với Algeria, Mauritania, Guinea, Burkina Faso, Ghana, Senegal và Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire), có diện tích 1.240.000 km2, dân số 20 triệu người trong đó người Hồi giáo chiếm 90%. Mali có thủ đô là Bamako, ngôn ngữ sử dụng chính là tiếng Pháp, đồng tiền bản địa là franc CFA (đồng tiền chung của 8 quốc gia Tây Phi nói tiếng Pháp) neo với đồng euro (1 euro tương đương 650 Franc CFA).

Mặc dù có diện tích lớn song nước này lại không có biển. Hàng hóa xuất nhập khẩu của Mali chủ yếu phải trung chuyển qua cảng Dakar của Senegal hoặc cảng Abidjan của Bờ Biển Ngà.

Mali là một trong 25 nước nghèo nhất thế giới, 65% đất đai là sa mạc hoặc bán sa mạc và nguồn thu ngân sách phần lớn đến từ xuất khẩu vàng và nông sản (chủ yếu là bông). Mặc dù trồng được lúa nước song do sản lượng không đủ nên hàng năm Mali vẫn phải nhập khẩu từ 300-400.000 tấn gạo.

Kim ngạch xuất khẩu của Mali năm 2019 ước đạt 2,8 tỷ USD, chủ yếu là bông, vàng, sản phẩm chăn nuôi. Các đối tác xuất khẩu chính là Thụy Sỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Băng-la-đét. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3 tỷ USD, chủ yếu là dầu mỏ, máy móc, thiết bị, thực phẩm, dệt may. Đối tác nhập khẩu gồm Bờ Biển Ngà, Pháp, Senegal và Trung Quốc.

Quan hệ thương mại Việt Nam-Mali

Do tình hình chính trị bất ổn và không có cảng biển nên giao thương giữa Mali với Việt Nam còn khiêm tốn. Mặc dù vậy, trao đổi thương mại song phương những năm gần đây đã có những bước tiến tích cực.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa giữa hai nước đạt 67,43 triệu USD, tăng 2,5 lần so với năm 2018. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mali đạt 38,9 triệu USD, tăng gần 11 lần với các mặt hàng xuất khẩu chính gồm dầu thô (27 triệu USD), xi măng (10,5 triệu USD), hải sản, hạt tiêu, gạo, sản phẩm chất dẻo…

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mali năm 2019 đạt 28,49 triệu USD, tăng 24% so với năm 2018. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm bông các loại (chiếm tới 28 triệu USD), hạt điều, đồng, máy vi tính, sản phẩm sắt thép…

Với việc Chính phủ Mali mở lại biên giới trên không và trên bộ, trao đổi thương mại của Mali với thế giới nói riêng và Việt Nam nói chung dự báo sẽ sớm có sự phục hồi./.

Hoàng Đức Nhuận - Thương vụ VN tại Algeria kiêm nhiệm Mali

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mali-mo-lai-bien-gioi-tren-khong-va-tren-dat-lien-140980.html