Mali, Niger và Burkina Faso ký hiệp ước phòng vệ chung
Việc ký hiệp ước nhằm hợp tác chống lại các mối đe dọa nổi loạn vũ trang hoặc các can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Hôm 16/9, ba quốc gia vùng Sahel ở châu Phi là Mali, Burkina Faso và Niger đã ký hiệp ước phòng vệ chung, mục đích nhằm hỗ trợ nhau chống lại các mối đe dọa nổi loạn vũ trang hoặc các can thiệp quân sự từ bên ngoài.
“Hôm nay tôi và nguyên thủ quốc gia của Burkina Faso, Niger ký bản hiến chương Liptako-Gourma, thành lập Liên minh các quốc gia Sahel (AES), mục đích thiết lập một cấu trúc phòng vệ tập thể và hỗ trợ lẫn nhau.”, người đứng đầu chính quyền quân sự Mali, Assimi Goita, cho biết.
Thỏa thuận ràng buộc các bên ký kết có nghĩa vụ hỗ trợ lẫn nhau, trọng tâm về mặt quân sự, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào bất kỳ quốc gia thành viên nào.
“Bất kỳ cuộc tấn công nào xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một hoặc nhiều thành viên sẽ được coi là hành động chống lại liên minh.”, thỏa thuận nhấn mạnh; mặt khác cũng ràng buộc ba nước hợp tác để ngăn chặn hoặc giải quyết các cuộc nổi loạn vũ trang.
Khu vực Liptako-Gourma, vùng ngã ba biên giới Mali - Burkina Faso - Niger, đã bị tàn phá bởi cuộc nổi dậy vũ trang trong những năm gần đây.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mali Abdoulaye Diop, Liên minh là sự phối hợp nỗ lực quân sự và kinh tế giữa ba nước, mà một trong những ưu tiên là cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực.
Mali, Burkina Faso và Niger cùng với Chad và Mauritania là thành viên của lực lượng chống khủng bố G5 Sahel do Pháp hỗ trợ, được thành lập vào năm 2017 để đối phó với các nhóm vũ trang có liên kết với các tổ chức khủng bố al-Qaeda và IS.
Ba quốc gia đã trải qua các cuộc đảo chính kể từ năm 2020, trong đó gần đây nhất xảy ra ở Niger. Ngày 26/7, nhóm cận vệ của Tổng thống Niger Mohamed Bazoum tuyên bố phế truất ông Bazoum, người lên nắm quyền qua bầu cử dân chủ.
Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) đã lên án âm mưu đảo chính, trong đó ECOWAS dọa dùng vũ lực nhằm khôi phục chế độ dân sự và trật tự hiến pháp ở Niger.
Mali và Burkina Faso nhanh chóng phản ứng, tuyên bố, bất kỳ hoạt động quân sự nào can thiệp vào Niger sẽ được coi là lời “tuyên chiến” chống lại họ.