Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người người nhà nhà đều mong muốn quây quần bên mâm cỗ Tết, để ôn lại chuyện cũ, tận hưởng không khí đầm ấm ngày cuối năm bên người thân và gia đình.
Miền Bắc với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh:
Bánh chưng: Bánh chưng là món ăn trong cổ truyền, là linh hồn trong những bữa ăn ngày Tết. Những chiếc bánh vuông vức, nấu từ gạo nếp thơm, đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu... mang trong mình trọn vẹn những tinh túy của đất trời, là món thờ cúng tổ tiên không thể thiếu trong mỗi gia đình dịp Tết.
Thịt đông: Đây là món ăn vô cùng đặc biệt, được người Bắc rất ưa chuộng. Với thời tiết đầu xuân lành lạnh của miền Bắc, món thịt đông lại càng dễ chế biến và thích hợp để thưởng thức. Thịt đông thường được chế biến bằng chân giò, tai, da lợn và bảo quản trong tủ lạnh cho thịt đông lại. Các loại nguyên liệu sẽ được kết dính và bọc bằng chính phần nước nấu.
Dưa hành: Ngày Tết nhiều đồ ngán, dưa hành xuất hiện như là sự kết hợp hoàn hảo của bánh chưng, của thịt đông. Với vị chua dịu, cay nhẹ, dưa hành ăn kèm giúp các món ăn ngon hơn, dễ tiêu hóa..
Xôi gấc: Cũng là một món ăn đặc trưng ngày Tết, xôi gấc cũng là món không thể thiếu trong mâm cơm của các gia đình miền Bắc. Đây là loại xôi có màu đỏ đặc trưng của gấc do có thành phần chế biến được lấy từ loại thực phẩm này. Người ta quan niệm rằng, màu đỏ từ xôi gấc chính là một trong những màu sắc tượng trưng cho Tết, cũng chính là màu của hạnh phúc và may mắn, phát tài.
Chả lụa (giò lụa): Nhắc đến các món ngon ngày Tết ở miền Bắc không thể không nhắc đến giò lụa – thứ giò nạc được làm từ thịt lợn xay nhuyễn. Những khoanh giò với màu trắng ngà, vừa bùi, vừa giòn cực kỳ dễ ăn.
Nem rán: Mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc không bao giờ thiếu món nem rán, với đặc trưng là bên ngoài vàng óng, giòn rụm, bên trong chứa đầy phần nhân thịt, mộc nhĩ và giá đỗ, chấm kèm với nước mắm chua ngọt thêm chút tỏi ớt.
Miền Trung với bánh tét thịt ngâm, dưa món:
Bánh tét: Nếu như bánh chưng là món nhất định phải có trong dịp Tết ở miền Bắc thì bánh tét, hay còn gọi là bánh đòn, cũng là linh hồn trên mâm cỗ những ngày Tết của người dân miền Trung. Nguyên liệu và cách làm bánh tét không khác gì bánh chưng, chỉ có điều bánh tét được gói thành hình trụ thay vì hình vuông, và được gói bằng lá chuối chứ không phải lá dong.
Thịt muối: Được chế biến từ thịt heo luộc chín cùng với nước mắm pha đường. Giống như thịt đông miền Bắc, thịt heo ngâm nước mắm cũng là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung nước ta.
Dưa món: Không có món dưa hành, người dân miền Trung lại có dưa món để giúp những món ăn thêm ngon miệng. Là sự kết hợp của nhiều loại nguyên liệu khác nhau như củ kiệu, củ cải, dưa leo, đu đủ, cà rốt… ngâm chua mặn đủ để bất kỳ ai đi làm ăn xa cũng nhớ hương vị Tết quê nhà.
Nem chua: Đây là món ăn có nguyên liệu chính từ thịt heo, được tẩm ướp gia vị và gói lại trong lá ổi cùng 1 miếng ớt hay lá chùm ruột, bên ngoài bọc lại bằng một lớp lá chuối và để trong vài ngày. Khi ăn, nem chua có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay và có màu đỏ hồng, thường được ăn kèm với tép tỏi để tăng thêm hương vị.
Chả bò (giò bò): Đây cũng là một món ăn trong dịp Tết vô cùng quen thuộc trên bàn ăn của người dân miền Trung. Thịt bò sẽ được xay nhuyễn sau đó đem đi ướp với các gia vị, điểm thêm chút hạt tiêu và ớt xắt lát mỏng cho đậm đà, sau đó bọc trong lá chuối và đem đi hấp chín.
Miền Nam cùng canh khổ qua, củ kiệu, tôm khô:
Canh khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt: Canh khổ qua là một món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết của người miền Nam. Mùa Tết ở miền Nam cũng là mùa nóng trong năm. Vì thế, canh khổ qua, vừa để thắp hương tổ tiên, vừa có tác dụng giải mỡ, thanh nhiệt. Đặc biệt, theo quan niệm dân gian, canh khổ qua giúp xua đi những khó khăn của năm cũ để mong cầu một năm mới hanh thông.
Bánh tét: Cũng là món ăn cổ truyền của người miền Nam, cũng giống nguyên liệu, cách thức và hình dạng như bánh tét miền Trung, nhưng bánh Tét miền Nam có thêm chút khác biệt khi có thêm các loại nhân ngọt. Người dân miền Nam thường gói bánh tét trước Tết khoảng 10 ngày để cúng tổ tiên cũng như làm quà biếu Tết.
Thịt kho hột vịt: Những ngày giáp Tết, hầu như mọi nhà trong miền Nam đều đã thủ sẵn một nồi thịt kho hột vịt lớn, vừa có thể dùng cúng, vừa để ăn “dự trù” mấy ngày Tết, bởi đây là món có thể ăn kèm với cơm, cuốn với rau hay ăn kiểu bún chấm nước mắm thịt cũng ngon hết xẩy. Tuy nhiên thì, ăn vừa một chút thì ngon, ăn mà nhiều quá lại ngán ngất người.
Lạp xưởng: Lạp xưởng có khá nhiều loại, từ tươi, khô, nạc, tôm, cá… với hương vị rất ngon, dai ngọt và ăn vui miệng, kết hợp cùng cơm nóng hoặc cuốn bánh tráng cũng ngon không kém.
Dưa giá hẹ: Nguyên liệu chủ yếu để làm món dưa giá này chỉ cần giá, hẹ, cà rốt là đủ… Đây là món ăn có vị giòn ngon, tính mát thường được dùng để ăn kèm các món bánh nhân thịt hay lạp xưởng, giúp giải ngán và giải nhiệt cơ thể trong những ngày Tết.
Hoàng Mạnh Thắng