Mâm cúng rằm tháng 8 gồm những gì?
Mâm cỗ cúng rằm tháng 8 không cần cầu kỳ như rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy nhưng vẫn nên chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.
Việc cúng rằm Trung thu thể hiện lòng thành kính, biết ơn ông bà, tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Rằm tháng 8 còn là dịp để người lớn thể hiện sự quan tâm đến trẻ nhỏ trong nhà bởi ngày này còn được gọi là ngày Tết Thiếu nhi. Đây cũng là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần, sum họp để cùng nhau trò chuyện, tâm tình.
Mâm cúng rằm tháng 8 - Trung thu gồm những gì?
Mâm cúng Trung thu - rằm tháng 8 không cần quá cầu kỳ, long trọng như mâm cỗ ngày Tết cổ truyền nhưng vẫn phải chuẩn bị một cách tươm tất, đầy đủ và thành tâm để dâng lên tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn và sự thành kính.
Tùy theo phong tục của từng địa phương hoặc lối sống của từng gia đình mà mâm cúng rằm tháng 8 - Trung thu sẽ có sự thay đổi sao cho phù hợp. Việc chuẩn bị món ăn mặn hay chay tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện của từng gia đình.
Đối với mâm cúng mặn, gia đình có thể chuẩn bị gà, xôi, các món ăn truyền thống hoặc theo khẩu vị gia đình.
Bên cạnh mâm cúng gia tiên thì nhiều gia đình cũng chuẩn bị mâm cỗ trông trăng đêm Trung thu để cả nhà quây quần dưới ánh trăng cùng phá cỗ.
Mâm cỗ trông trăng thường xen kẽ những trái xanh và trái chín để thể hiện sự âm dương hài hòa, cân bằng giữa trời và đất theo quan niệm dân gian.
Một số loại trái cây cần cho ý tưởng trang trí mâm cỗ Trung thu: Nải chuối chín, quả bưởi (mang ý nghĩa cầu mong những điềm lành), quả hồng (mang ý nghĩa của sự no đủ), quả na (mang ý nghĩa sinh sôi), quả lựu (tượng trưng cho sự may mắn).
Ngoài những loại quả trên thì mâm cỗ trông trăng Trung thu thường có chú chó bưởi đáng yêu.
Đặc biệt, mâm cỗ trông trăng không thể thiếu bánh Trung thu - bánh nướng và bánh dẻo. Hai loại bánh này thường có hình tròn và vuông tượng trưng cho trời và đất, hoặc có thể là bánh trung thu hình cá chép, chú lợn béo tròn.
Nhiều gia đình cũng chuẩn bị các loại trà như trà sen, trà hoa nhài, trà mạn… để dùng cùng bánh. Mâm cỗ trông trăng cũng không thể thiếu các loại đèn đặc trưng để trang trí như đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ...
Cỗ trông trăng có rất nhiều món hoa quả, bánh kẹo, vì thế không nhất thiết phải đặt vào mâm như mâm cúng gia tiên, chỉ cần đặt lên một chiếc bàn rộng.
Văn khấn rằm tháng 8 chuẩn nhất
Dưới đây là bài cúng rằm tháng 8 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam của NXB Văn hóa Thông tin.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị tôn thần.
Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là... ngụ tại…
Hôm nay là ngày rằm tháng 8, gặp tiết Trung thu, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an, bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
Nguồn VTC: https://vtc.vn/mam-cung-ram-thang-8-gom-nhung-gi-ar822967.html