Mầm mống bất ổn mới tại châu Âu

Người dân trên khắp châu Âu đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chi phí sinh hoạt leo thang, từ đó tạo ra nguy cơ bất ổn tại châu lục này.

Ở Romania, những người biểu tình thổi kèn đánh trống để nói lên sự thất vọng của họ trước tình hình chi phí sinh hoạt tăng cao. Người dân khắp nước Pháp cũng xuống đường để yêu cầu tăng lương theo kịp với lạm phát.

Những người biểu tình ở Czech đã biểu tình phản đối cách chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó, nhân viên đường sắt Anh và phi công Đức đã tổ chức đình công để thúc đẩy việc trả lương cao hơn khi giá cả tăng lên, theo AP.

Bất bình leo thang

Trên khắp châu Âu, lạm phát leo thang là nguyên nhân của làn sóng biểu tình và đình công. Điều đó đã nêu bật sự bất bình đối với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao và có nguy cơ gây ra bất ổn chính trị.

Trên toàn EU, lạm phát hàng năm hiện ở mức 10,9%, theo cơ quan thống kê Eurostat, Euronews đưa tin.

Các nước Baltic tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Estonia nói riêng đang trải qua mức lạm phát cao nhất trong khu vực đồng euro. Đặc biệt, nước này đã chứng kiến lạm phát tăng từ 6,4% vào tháng 9/2021 lên 24,1% vào tháng 9 năm nay.

Bên cạnh đó, với việc Thủ tướng Anh Liz Truss buộc phải từ chức, rủi ro đối với các nhà lãnh đạo chính trị trở nên rõ ràng hơn khi người dân yêu cầu hành động.

Trước đó, các kế hoạch kinh tế của bà Truss đã gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính và gây ra nhiều thiệt hại kinh tế, chính trị.

 Bà Liz Truss phải từ chức sau khi đưa ra gói biện pháp kinh tế gây chao đảo thị trường. Ảnh: Reuters.

Bà Liz Truss phải từ chức sau khi đưa ra gói biện pháp kinh tế gây chao đảo thị trường. Ảnh: Reuters.

Giá lương thực và hóa đơn năng lượng của người dân châu Âu đã tăng cao sau “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine. Theo nhóm nghiên cứu Bruegel ở Brussels, dù giá khí đốt tự nhiên đã giảm từ mức cao kỷ lục và chính phủ các nước đã phân bổ khoản cứu trợ năng lượng khổng lồ trị giá hơn 566 tỷ USD kể từ tháng 9/2021, điều đó vẫn chưa đủ đối với một số người biểu tình.

Giá năng lượng đã khiến lạm phát tại 19 quốc gia sử dụng đồng euro lên mức kỷ lục 9,9%, khiến người dân chật vật khi mua sắm hàng hóa thiết yếu. Một số người cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải xuống đường biểu tình.

Rachid Ouchem, một bác sĩ trong số hơn 100.000 người đã tham gia các cuộc tuần hành ở nhiều thành phố của Pháp, cho biết: “Ngày nay, mọi người phải sử dụng các chiến thuật gây áp lực để được tăng lương”.

Theo công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, nguy cơ bất ổn tại châu Âu đã tăng lên sau xung đột Ukraine.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ủng hộ mạnh mẽ và gửi vũ khí cho Ukraine, đồng thời cam kết hoặc buộc phải tìm nguồn cung thay thế dầu khí Nga. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng và có nguy cơ làm xói mòn sự ủng hộ của công chúng.

Không có cách khắc phục nhanh chóng

“Không có cách khắc phục nhanh chóng nào cho cuộc khủng hoảng năng lượng”, Torbjorn Soltvedt, nhà phân tích tại Verisk Maplecroft, đánh giá. Ông đồng thời dự báo về khả năng lạm phát có thể tồi tệ hơn trong năm tới.

Tại Pháp, nơi lạm phát đang ở mức 6,2% - con số thấp nhất trong 19 quốc gia khu vực đồng euro - nhiều công nhân, giáo viên và nhân viên bệnh viện nhà nước đã chú ý đến lời kêu gọi của một liên đoàn công nhân dầu mỏ về yêu cầu tăng lương.

Tổ chức này cũng phản đối sự can thiệp của chính phủ vào các cuộc đình công của công nhân nhà máy lọc dầu - nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu xăng.

Những ngày sau đó, hàng nghìn người Romania đã xuống đường ở Bucharest để phản đối chi phí năng lượng, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Họ cho rằng điều đó đang khiến hàng triệu người lao động rơi vào cảnh nghèo đói.

 Người dân châu Âu biểu tình trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang. Ảnh: AP.

Người dân châu Âu biểu tình trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang. Ảnh: AP.

Tại Cộng hòa Czech, những đám đông lớn vào tháng 9 đã yêu cầu chính phủ liên minh thân phương Tây từ chức, chỉ trích việc họ ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.

Họ cũng chỉ trích chính phủ vì đã không làm đủ để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đang bị bóp nghẹt bởi chi phí năng lượng.

Bên cạnh đó, một cuộc biểu tình khác được lên kế hoạch tổ chức tại Praha vào tuần tới. Tuy nhiên, các hành động cho đến nay vẫn chưa mang đến sự thay đổi về mặt chính trị, khi liên minh cầm quyền của nước này đã giành được 1/3 số ghế trong Thượng viện Praha.

Các công nhân đường sắt, y tá, công nhân cảng, luật sư và nhiều người Anh khác đã tổ chức một loạt cuộc đình công trong những tháng gần đây để yêu cầu lương tăng kịp tốc độ lạm phát.

Tại nước này, giá lương thực tăng mạnh nhất kể từ năm 1980 đã đẩy lạm phát của Anh trở lại mức hai con số vào tháng 9, theo Reuters.

Đây là một đòn giáng mới đối với các hộ gia đình đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Chỉ số lạm phát giá tiêu dùng ở Anh đã quay trở lại mức 10,1%, mức cao nhất kể từ đầu năm 1982.

Ở châu Âu, nhiều chuyến tàu đã bị gián đoạn. Trong khi đó, các cuộc đình công của phi công Lufthansa ở Đức và các nhân viên hàng không, sân bay khác trên khắp châu Âu nhằm yêu cầu mức lương theo kịp lạm phát đã làm gián đoạn các chuyến bay.

Cho đến nay, thời tiết đã ôn hòa hơn so với tháng 10 thường lệ ở châu Âu, đồng nghĩa với việc nhu cầu dùng khí đốt để sưởi ấm giảm đi, ông Soltvedt cho biết.

Tuy nhiên, “nếu chúng ta gặp phải sự gián đoạn bất ngờ đối với nguồn cung cấp khí đốt từ châu Âu vào mùa đông này, chúng ta có thể sẽ chứng kiến bất ổn, rủi ro và tình trạng mất ổn định của chính phủ gia tăng hơn nữa”, ông cảnh báo.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mam-mong-bat-on-moi-tai-chau-au-post1367992.html