Mầm non tư thục tuyển sinh quanh năm vẫn khó đủ!
Đã vào năm học mới hơn 2 tháng nhưng nhiều cơ sở giáo dục mầm non tại TPHCM không tuyển đủ chỉ tiêu...
Tập trung đầu tư nhân, vật lực để hoạt động trở lại sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở TPHCM vẫn đối mặt khó khăn, trong đó có công tác tuyển sinh.
Chật vật tuyển sinh
Cô Lương Thị Thanh Trang - Trưởng nhóm trẻ Hồng Hà (TP Thủ Đức) làm việc trong ngành chăm sóc, nuôi dạy trẻ mầm non 12 năm, năm học này cô thấm thía khó khăn nhất tại nơi mình gắn bó. Cô Trang cho biết, giữa năm 2023 đến nay công tác tuyển sinh không dễ dàng, đặc biệt ở lứa tuổi nhà trẻ. Năm học 2023 - 2024, trường tuyển sinh 4 lớp với tổng số 70 trẻ từ 19 - 36 tháng tuổi nhưng đến nay mới tuyển được 45 trẻ.
“Thời gian qua, nhà trường liên tục đăng thông tin tuyển sinh tuy nhiên chỉ được 3 em. Với tình hình hiện nay, dù tuyển sinh cả năm cũng không đủ chỉ tiêu đề ra”, cô Trang chia sẻ.
Tương tự, năm học này, Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12) đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu học tập 180 trẻ, tuy nhiên rất khó tuyển sinh. Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Phạm Ngọc Quyên, nhà trường liên tục tuyển sinh nhưng thời điểm hiện tại mới được 110 em.
Bà Đào Thị Tin - Giám đốc Công ty TNHH giáo dục Thiên Ân Phúc, đơn vị có 4 trường mầm non tư thục tại quận Gò Vấp chia sẻ, sau đại dịch Covid-19, các trường ngoài công lập mất nhiều công sức để gây dựng, song đến thời điểm này hoàn toàn bế tắc.
“Trường xây dựng dự kiến đón 350 trẻ nhưng hiện mới tuyển sinh được hơn 100 cháu, do các công ty, xí nghiệp phải giải thể, nhiều người về quê. Số lượng giáo viên, nhân viên đông, trường phải lo lương hằng tháng. Chúng tôi nợ tiền bảo hiểm giáo viên mấy tháng qua…”, bà Tin cho hay.
Kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều công ty cắt giảm nhân sự, lương, giờ làm nên phụ huynh thắt chặt hầu bao, tính toán lại chi phí học hành cho con. Bên cạnh đó, các trường mầm non công lập rộng rãi, khang trang được đưa vào hoạt động. Phân khúc mầm non học phí dưới 3 triệu đồng/tháng bị ảnh hưởng nặng bởi sự chuyển dịch này.
Chia sẻ thông tin, bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) đồng thời nhìn nhận: Các mô hình nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bị ảnh hưởng nặng vì thiếu học sinh, phải đóng cửa hoặc sang nhượng.
Nỗ lực xoay xở
Cô Vũ Thị Tú Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức) cho biết, năm học 2023 - 2024, trường tuyển sinh được 100 trẻ, bằng 2/3 so với năm trước. Trước đây, mỗi tháng nhà trường có thể tuyển sinh 10 - 12 trẻ, tuy nhiên năm học này chỉ tuyển được 1 - 2 trẻ, nhưng số lượng nghỉ mỗi tháng là 7 - 8 em.
“Trong bối cảnh trượt giá, cái gì cũng tăng, chúng tôi đau đầu tính toán làm sao co kéo đủ chi phí trả lương, đóng bảo hiểm giáo viên, mua sắm đồ dùng thiết bị học tập, đồ chơi, học phẩm. Việc chăm sóc bữa ăn của trẻ ở lớp phải bảo đảm tươm tất, đủ chất, an toàn vệ sinh thực phẩm… nên nhà trường cố gắng “gồng gánh” duy trì hoạt động”, cô Trâm cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hồng Quỳnh - chủ 4 cơ sở mầm non trên địa bàn TPHCM cho biết, không chỉ công nhân thất nghiệp mà nhiều ngành nghề khó khăn. Kinh tế eo hẹp, nhiều phụ huynh gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, một số mẹ có con nhỏ thì nghỉ việc ở nhà trông…
“Hàng năm độ tuổi trẻ nhà trẻ từ 19 - 36 tháng dễ tuyển, hiện nay lại rất khó. Nguyên nhân có lẽ bởi dịch bệnh Covid-19 nên 2 năm 2021 - 2022 trẻ sinh ra ít hơn. Những năm trước, mỗi cơ sở có 2 lớp khoảng 40 trẻ ở độ tuổi trên, thì năm nay tuyển khoảng 10 em, chưa đủ 1 lớp”, bà Quỳnh nói và cho hay: Cơ sở Trường Mầm non Hương Nắng Hồng ở TP Thủ Đức, riêng tiền thuê mặt bằng đã 80 triệu, lương giáo viên trả cho 21 người.
Nếu những năm trước có 280 - 300 trẻ theo học thì năm nay có hơn 150 em, học phí trên 2 triệu/cháu/tháng. Để duy trì hoạt động, dù có giáo viên nghỉ thai sản, cơ sở không tuyển mới mà gộp lớp. Nhà trường cố gắng cầm cự đến thời điểm sau Tết Nguyên đán, bởi khi đó trẻ cùng bố mẹ ở quê lên đợt nữa, hy vọng sẽ tuyển sinh thêm phần nào.
Tại buổi làm việc với các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tháng 10 vừa qua, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị: “Sở GD&ĐT chủ động làm nhanh, quyết liệt hơn đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tình cảnh khó khăn mà quy định pháp luật cho phép, ngân sách TP đáp ứng được. Nếu bỏ mặc để họ đóng cửa, việc bảo đảm học hành cho học sinh gặp nhiều khó khăn, cần đề xuất chính sách, trong khuôn khổ cho phép của pháp luật”.