Mầm sắn dây Kinh Môn vươn xa

Việc sản xuất mầm sắn dây không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất ở Kinh Môn (Hải Dương) mà còn vươn xa cung cấp nguồn giống chất lượng tốt cho nhiều tỉnh, thành phố.

Ươm mầm sắn dây đòi hỏi có kinh nghiệm, tỉ mỉ, thận trọng

Ươm mầm sắn dây đòi hỏi có kinh nghiệm, tỉ mỉ, thận trọng

“Alo, anh Vinh à, để cho em 400 mầm sắn nhé". "Ok chú, nhưng phải sang đầu tháng nhé, vì tháng này người ta đặt kín hết rồi, đầu tháng sau sẽ để cho chú". " Vâng, khi nào được cắt anh gọi em đến lấy”- đó một trong những cuộc điện thoại hằng ngày khách đặt mầm sắn dây của anh Nguyễn Duy Vinh, khu dân cư Huề Trì 1, phường An Phụ (Kinh Môn).

Hơn 20 năm gắn bó với công việc ươm mầm sắn dây cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh, anh Nguyễn Duy Vinh tích lũy cho mình kinh nghiệm lựa chọn loại sắn phù hợp với nhu cầu của người dân, cách phòng trừ sâu bệnh để mầm sắn dây mạnh khỏe, cho năng suất cao, được các chủ vườn tin tưởng đặt mua. Mỗi vụ anh xuất bán ra thị trường từ 35 - 40 vạn mầm sắn, thu lợi trên 200 triệu đồng. Nhiều khách hàng ở Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa đến đặt mua tận vườn.

Anh Vinh chia sẻ: Công việc ươm mầm sắn dây được người dân thực hiện từ tháng chạp năm trước gồm các công đoạn mua đất phù xa về phơi khô, nghiền nhỏ trộn với phân hữu cơ và cho vào bầu. Đến mùa thu hoạch sắn dây, lựa chọn vườn sắn đẹp, cho năng suất cao để lấy gốc về ươm mầm. Tận dụng những luống hành, tỏi sau thu hoạch, dùng cuốc xới đất thành các hốc để vùi gốc sắn dây xuống. Hằng ngày tưới nước, bón phân. Khi gốc sắn dây nảy mầm chừng 30- 50cm sẽ sang bầu. Đây là công đoạn khó nhất, người làm phải có nhiều kinh nghiệm từ việc xác định đốt lấy, cẩn trọng vùi sâu vào bầu ươm, dùng gim là thanh tre, nứa để giữ cho bầu giống luôn cố định và tiếp tục chăm bón, tưới dưỡng thường xuyên. Sau 10 -12 ngày, rễ phát triển kín bầu thì cắt mầm khỏi gốc là có thể đem trồng.

Công việc ươm mầm sắn không vất vả nhưng đòi hỏi kinh nghiệm, sự thận trọng, tỉ mỉ nên rất khó thuê lao động hỗ trợ. Dù bận rộn, khách hàng thường xuyên thúc hối nhưng đa số các hộ ươm mầm sắn đều phải tự làm. Người đi trước gỡ ngọn leo, chấm dung dịch kích thích ra rễ, người sau vùi phần ngọn sắn vào bầu và gim cố định. Cứ như vậy, công việc ươm mầm sắn dây kéo dài liên tục từ tháng 2 - 4 âm lịch hằng năm.

Bà Nguyễn Thị Don, thôn Vũ Xá, xã Thượng Quận cho biết sắn dây có nhiều loại, nhưng có hai giống phổ biến là sắn dây lá nhỏ và sắn dây lá nhỡ. Sắn lá nhỏ có đặc điểm nhiều củ, nhẹ giàn. Sắn lá nhỡ củ to, nhiều tinh bột, giàn rậm rạp hơn. Tùy theo chất đất, diện tích canh tác mà người trồng lựa chọn giống sắn dây phù hợp.

Người dân ươm mầm sắn dây tại xã Thượng Quận (Kinh Môn)

Người dân ươm mầm sắn dây tại xã Thượng Quận (Kinh Môn)

Điều đáng mừng, trong nhiều năm trở lại đây, các hộ dân ươm mầm sắn đều có thu nhập khá, toàn bộ số mầm đều được khách hàng đến tận nơi thu mua. Anh Trần Quang Thông (Hải Phòng) cho biết: "Bình quân mỗi năm tôi mua từ 1,4 - 1,6 vạn mầm sắn dây về trồng và cung cấp cho các hộ dân. Mầm sắn ở đây chất lượng, sạch bệnh, cho năng suất, chất lượng cao".

Thị xã hiện có gần 20 hộ ươm mầm sắn dây với số lượng cung cấp ra thị trường trên 2 triệu mầm/vụ/năm. Thời điểm hiện tại, giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/mầm, trừ chi phí đầu tư, người dân thu lãi 50 triệu đồng/sào. Việc sản xuất mầm sắn dây không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương, còn cung cấp nguồn giống chất lượng cho nhiều tỉnh, thành phố. Sau vụ ươm mầm sắn, người dân sản xuất thêm vụ lúa mùa và trồng cây hành tỏi vụ đông.

BẢO THANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/mam-san-day-kinh-mon-vuon-xa-378506.html