Mâm xe ô tô: Có nên nâng cấp mâm thép lên mâm hợp kim nhôm?

Mâm xe hợp kim ra đời đã dần thay thế cho mâm xe thép trên những chiếc xe hiện đại. Nhưng vì nhiều lý do, mâm xe thép vẫn tồn tại song song bởi cả hai đều có những ưu nhược điểm riêng.

Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, mâm xe (hay còn gọi là la-zăng) bằng thép nhiều nhà sản xuất ô tô lựa chọn sử dụng cho các mẫu xe của mình Nhưng theo thời gian, loại mâm này có những hạn chế nhất định. Cùng với sự ra đời của mâm hợp kim nhôm, mâm thép dần dần được ít người dùng lựa chọn.

Những mẫu xe hiện nay vẫn sử dụng song song hai loại mâm thép và mâm hợp kim. Ảnh: CNC Wheels

Những mẫu xe hiện nay vẫn sử dụng song song hai loại mâm thép và mâm hợp kim. Ảnh: CNC Wheels

Tại Việt Nam, loại mâm thép chỉ còn xuất hiện ở trên các phiên bản thấp của một mẫu xe như Hyundai Accent, KIA Soluto, Ford Ranger hay mới đây nhất là mẫu xe điện giá rẻ VinFast VF3. Mâm thép tuy không còn phổ biến nhưng trong một số trường hợp, loại mâm này vẫn là một sự lựa chọn phù hợp đối với người dùng.

Vâyh, ưu nhược điểm của từng loại mâm xe này như thế nào?

Ưu nhược điểm của mâm ô tô bằng thép

Ưu điểm: Đặc tính nổi bật của vật liệu thép là cứng chắc và có độ bền cao. Vì thế, trong các trường hợp xe ô tô phải chịu tải trọng lớn, thường xuyên đi trên các đoạn đường xấu, mâm thép nếu hư hỏng thường chỉ bị cong vênh và gần như không thể bị gãy, nứt. Bên cạnh đó, việc sử dụng bộ mâm thép giúp xe vận hành ổn định ngay cả khi điều kiện độ bám đường thấp như trời mưa, lầy lội.

Bộ mâm xe thép được trang bị trên mẫu Hyundai Accent MT 2024. Ảnh: Hyundai

Bộ mâm xe thép được trang bị trên mẫu Hyundai Accent MT 2024. Ảnh: Hyundai

Ngoài ra, vật liệu thép không đắt bằng hợp kim, nên giá thành sản xuất thấp hơn, từ đó giá bán của bộ mâm thép cũng rẻ hơn. Trên thị trường, giá mâm thép thường dao động từ 500.000-3.000.000 đồng tùy vào kích thước, chất liệu và thương hiệu. Vì thế, với những ô tô sử dụng mâm thép, chi phí để khắc phục, sửa chữa khi bị cong vênh hoặc xước cũng sẽ ít hơn.

Nhược điểm: Trọng lượng của mâm thép lớn hơn mâm hợp kim nhôm nên sẽ khiến xe khó tăng tốc hơn. Việc sử dụng mâm thép cũng có thể dẫn tới mức tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn vì động cơ phải chịu tải nhiều hơn từ các bánh xe.

Đặc điểm của thép là giữ nhiệt tốt, do đó mâm thép thường tản nhiệt kém hiệu quả so với mâm đúc hợp kim nhôm. Không những vậy, mâm thép thường có cách tạo hình khá đơn điệu. Thế nên, các nhà sản xuất ô tô thường phải thiết kế thêm các tấm ốp tạo hình để cải thiện tính thẩm mỹ cho bộ mâm thép dành cho xe du lịch.

Ưu nhược điểm của mâm ô tô bằng hợp kim nhôm

Mâm xe hợp kim nhôm bắt đầu được sử dụng vào những năm 1970 nhưng phải đến những năm 2000, loại mâm này mới dần đại trà. Được phát triển để thay thế mâm thép nên mâm hợp kim nhôm có thể khắc phục nhiều điểm yếu của loại mâm thép.

Mâm xe hợp kim ban đầu là loại mâm hợp kim nhôm magiê nhưng được trang bị trên những mẫu xe cao cấp, xe đua do việc gia công và sơn rất khó khăn. Sau này, mâm xe hợp kim nhôm đã trở thành lựa chọn hiệu quả và phổ biến nhất.

Ưu điểm: Điểm tuyệt vời nhất của loại mâm xe hợp kim nhôm là trọng lượng nhẹ hơn so với mâm thép, nhờ đó giảm tải công việc cho hệ thống treo, nhất là trong các trường hợp phanh dừng xe và giúp xe tăng tốc nhanh hơn, cũng như tiết kiệm nhiên liệu cho xe.

Mâm xe hợp kim góp phần giúp cho chiếc xe trở nên đẹp hơn. Ảnh: Wheelwright

Mâm xe hợp kim góp phần giúp cho chiếc xe trở nên đẹp hơn. Ảnh: Wheelwright

Bên cạnh đó, vì có vật liệu chính là nhôm nên mâm hợp kim này khả năng tản nhiệt tốt hơn mâm thép nên góp phần bảo vệ độ bền của phanh xe. Hơn nữa, mâm xe hợp kim còn có sự đa dạng về kiểu dáng, chống gỉ sét tốt, nhờ đó giúp nâng cao tính thẩm mỹ cho xe. Chính vì vậy, không ít người dùng sẵn sàng đầu tư chi phí để nâng cấp từ mâm thép lên bộ mâm hợp kim.

Nhược điểm: Đầu tiên, do được làm từ vật liệu có trọng lượng nhẹ nên mâm xe hợp kim nhôm không bền bằng mâm xe thép. Nếu người dùng thường xuyên lái xe trong điều kiện đường sá kém hoặc áp suất lốp thấp, mâm xe hợp kim có thể bị cong vênh, nứt hoặc biến dạng.

Chưa hết, vật liệu này có thể bị hư hỏng nếu tiếp xúc với các hóa chất như nhựa đường, chất tẩy rửa có tính axit cao, nước muối hoặc khi va chạm với các chướng ngại vật lớn trên đường.

Tuy nhiên, do sản xuất phức tạp hơn nên giá thành của mâm xe hợp kim nhôm khá cao. Giá mâm hợp kim thường dao động từ 2- 20 triệu đồng tùy vào kích thước, chất liệu và thương hiệu.

Nhận định chung

Có thể thấy, mâm xe đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu suất hoạt động và sự an toàn khi lái xe.

Nếu bạn cần một chiếc xe vận hành trong điều kiện đường sá khắc nghiệt, tiết kiệm và kinh tế nhất có thể thì nên chọn mâm xe thép. Còn nếu bạn muốn cải thiện vẻ ngoài của chiếc xe trở nên bắt mắt hơn thì việc đầu tư vào mâm xe hợp kim sẽ là sự lựa chọn khá tốt hơn. Việc chọn mâm xe nào phụ thuộc lớn vào mong muốn, mục đích sử dụng xe và ngân sách của người dùng.

Ngô Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mam-xe-o-to-co-nen-nang-cap-mam-thep-len-mam-hop-kim-nhom-2308154.html